|
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn than-khoáng sản Việt Nam (trái) thăm công nhân mỏ. Ảnh: VGP/Phan Trang. |
Đầu năm mới, Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) về những kết quả đã đạt được và mục tiêu năm mới của ngành năng lượng quan trọng này.
Với lợi nhuận tăng thêm 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch, năm 2018 là một năm khá “rực rỡ” của ngành than. Vậy những kết quả cụ thể mà gần 10 vạn cán bộ, công nhân ngành than đã đạt được trong năm vừa qua như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Minh Chuẩn: Có thể nói, năm 2018 là năm Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã bứt phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thợ mỏ. Đây là nỗ lực, là cố gắng của tập thể gần 10 vạn cán bộ, công nhân toàn Tập đoàn để đạt những kết quả vượt mức so với kế hoạch đặt ra.
Doanh thu năm nay của Tập đoàn ước đạt 121,7 ngàn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch và tăng 11% so cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng thêm 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 16.000 tỷ đồng, bằng 116% kế hoạch và tăng 1.200 tỷ đồng so với 2017.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đều có nhiều kết quả tích cực.
Tiêu biểu như lĩnh vực sản xuất than, theo kế hoạch đầu năm, TKV sẽ sản xuất 35,36 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 36 triệu tấn. Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường, nhu cầu tiêu thụ than trong nước tăng cao, chúng tôi đã điều chỉnh kịch bản tăng trưởng sản xuất - tiêu thụ than năm 2018 lên phương án 38 triệu tấn.
Kết thúc năm 2018, sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt 36,6 triệu tấn. Than tiêu thụ ước đạt 40,5 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch và tăng 5 triệu so với thực hiện 2017.
Khối khoáng sản của TKV năm 2018 cũng đạt được những dấu ấn quan trọng với tổng doanh thu là 18,25 ngàn tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước, trong đó doanh thu từ sản phẩm alumin tăng 67%.
Sản xuất alumina tiếp tục là mũi nhọn mới trong cơ cấu sản phẩm của TKV. Tiêu biểu là sự kiện Nhà máy Alumin Nhân Cơ không những cán đích sớm kế hoạch năm 2018 mà còn vượt lên đạt công suất thiết kế, vượt mục tiêu đề ra 1,5 năm. Nhà máy sản xuất Ferochrome hoạt động trở lại, dự kiến sản xuất 2.000 tấn FeroChrome trong năm nay.
Chúng tôi hiểu rằng, lĩnh vực khai thác bauxit, sản xuất alumin là lĩnh vực công nghiệp mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, TKV đã ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính, nhân lực, kinh nghiệm quản lý,... và nỗ lực đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng, thực hiện.
Ở lĩnh vực sản xuất điện, trong năm qua, sản lượng điện ước đạt 9,35 tỷ kwh bằng 100% kế hoạch năm. Nhiều đơn vị về đích trước kế hoạch như: Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn… doanh thu sản xuất điện toàn Tập đoàn đạt 12,51 ngàn tỷ đồng bằng 102,3 % kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2017.
Hiệu quả kinh doanh tốt hơn là cơ sở để TKV thêm nguồn tài chính nâng cao thu nhập cho người lao động. Trong năm 2018, TKV đã 3 lần điều chỉnh tăng lương cho người lao động, ưu tiên cho đội ngũ công nhân lao động trực tiếp. Cụ thể, đối với công nhân khai thác, đào lò làm công việc bậc 6/6, nếu đảm bảo đủ 20 công và định mức sẽ đạt mức lương gần 30 triệu đồng/tháng, tức gần 1,5 triệu đồng/công.
Được biết, ngành than trong năm vừa qua đã áp dụng công nghệ hiện đại vào rất nhiều công đoạn. Xin ông nói rõ hơn về điều này?
Ông Lê Minh Chuẩn: Tôi rất tự hào khi nhắc đến việc áp dụng công nghệ vào sản xuất trong ngành than. Năm 2018, chúng tôi đã triển khai là cơ giới hóa khai thác mỏ, tổ chức lại sản xuất và sắp xếp lại lao động… hướng đến mô hình “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người” và “Cơ giới hóa, tự động hóa” trên tất cả các khối ngành sản xuất. Nhờ thực hiện có hiệu quả các chủ trương cơ giới hóa, đồng bộ hóa và tin học hóa, năng suất lao động tính theo giá trị doanh thu toàn tập đoàn đạt 1,1 tỷ đồng/người/năm, tăng 15,8% so với năm 2017.
Toàn bộ lãnh đạo và cán bộ, nhân viên ngành than đều nhất trí coi khoa học công nghệ là chìa khóa để tăng năng suất lao động. Tăng cường bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao chất lượng lao động để tiếp cận công nghệ mới, tiến tới vận hành quản lý nguồn nhân lực bằng tin học hóa. Đặc biệt là ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than hầm lò; chú trọng việc triển khai nghiên cứu áp dụng cơ giới hoá hạng nhẹ, để tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giảm nguy cơ mất an toàn. Sang năm sau, TKV phấn đấu đạt/vượt 15,5 % sản lượng than CGH/tổng sản lượng than hầm lò.
Đối với sản xuất lộ thiên, chúng tôi đẩy mạnh sử dụng đồng bộ thiết bị công suất lớn (các máy xúc dung tích gầu xúc lớn 12m3 kết hợp với các xe đại xa tải trọng lớn), tiếp tục nghiên cứu triển khai công nghệ vận tải liên hợp ôtô - băng tải; nghiên cứu triển khai các hệ thống điều khiển tự động tổ hợp vận tải mỏ; triển khai áp dụng đồng bộ các hệ thống cấp phát quản lý nhiên liệu tự động.
TKV cũng đã triển khai có hiệu quả phương án liên thông khai thác hợp lý 3 mỏ Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn. Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống sàng tuyển, chế biến than tại các mỏ và nhà máy sàng tuyển để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng hệ số thu hồi than, giảm chi phí vận chuyển than, đất đá thải.
Chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác giám sát, quản trị nội bộ, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đảm bảo tiền lương, thu nhập cho người lao động theo quy định.
Đặc biệt, trong năm 2019, TKV sẽ đổi mới công tác thi đua khen thưởng, thay vì tổ chức tuyên dương các điển hình tiên tiến xuất sắc vào dịp tháng 3 hàng năm, từ 2019 trở đi sẽ tổ chức vào dịp ngày truyền thống 12/11 để tăng cường giáo dục và khơi dậy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của Thợ mỏ để tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn Tập đoàn.
Với nhiệm vụ đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước, TKV có gặp khó khăn gì trong việc cung cấp than cho điện và các ngành kinh tế khác không? TKV có kiến nghị gì với cấp có thẩm quyền trước khi bước vào năm mới 2019?
Ông Lê Minh Chuẩn: Đối với việc thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than giai đoạn đến 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (điều chỉnh) tại Quyết định số 403/2016 của Thủ tướng Chính phủ, TKV hiện mới được cấp phép để triển khai thăm dò tại 23/27 đề án thuộc giai đoạn đến năm 2020, còn 4 đề án chưa được cấp giấy phép thăm dò.
Chúng tôi cũng đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển bền vững, ổn định thị trường than; rút ngắn các quy trình, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp phép thăm dò, khai thác; phân cấp cho TKV tự tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng, các bước thiết kế; điều chỉnh các chính sách thuế phí phù hợp nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Đồng thời, TKV kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai lập mới Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn sau năm 2020 theo hướng là “Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác” để làm cơ sở thực hiện đầu tư các dự án giai đoạn sau năm 2020.
Năm 2019, TKV đặt ra những mục tiêu gì, thưa không?
Ông Lê Minh Chuẩn: Năm 2019 chúng tôi đặt ra mục tiêu cao hơn năm 2018.
Cụ thể, sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt 40 triệu tấn, than tiêu thụ đạt 42 triệu tấn. Ngoài ra, các ngành khoáng sản, sản xuất và kinh doanh điện, vật liệu nổ, cơ khí phấn đấu mức tăng trưởng ổn định, vượt chỉ tiêu so với năm 2018. Doanh thu toàn Tập đoàn phấn đấu đạt 128.000 tỷ đồng, trong đó riêng khối than hơn 68.000 tỷ đồng. Lợi nhuận phấn đấu đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Tiền lương bình quân của người lao động phấn đấu đạt 11,3 triệu đồng/người/tháng.
Đây sẽ là thách thức không nhỏ với tập thể cán bộ, công nhân toàn tập đoàn bởi theo nhận định của chúng tôi, năm 2019, TKV phải đối mặt với không ít khó khăn do điều kiện sản xuất than ngày càng xuống sâu, theo đó chi phí sản xuất tăng cao; năng lực sản xuất, lực lượng lao động, điều kiện việc làm còn hạn chế. Ngoài ra, Tập đoàn còn chịu áp lực thị trường tiêu thụ, cạnh tranh sản phẩm.
Phan Trang (thực hiện)