Không lời đường mật
Sẽ ra sao nếu tình yêu không có những lời đường mật, không có những câu thề non hẹn bể hay thậm chí không có câu: “Anh yêu em, em yêu anh”. Nhưng đối với những người khiếm thính, tình yêu không có lời…
Võ Thị Huyền Trang (28 tuổi, công nhân của Công ty may Hòa Thọ, TP.Đông Hà, Quảng Trị) nhiều lúc vẫn tủm tỉm cười một mình khi nhớ lại câu chuyện về tình yêu. Trang có vẻ ngoài cân đối và gương mặt đẹp thánh thiện. Ngày trẻ, có không ít chàng trai si mê vẻ ngoài tươi tắn ấy, nhưng họ nhanh chóng quay đi khi nhận ra cô… chẳng thể nói năng. Trang buồn và thương phận mình éo le, nhưng vẫn cứ động viên mình rằng rồi tình yêu sẽ đến.
Rồi Trang gặp Lê Công Phước (26 tuổi), một người câm điếc bẩm sinh, cùng học nghề tại Trường Khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Đồng cảnh ngộ, ngay từ cái nhìn đầu tiên họ đã cảm mến nhau. Những sẻ chia về sau thông qua ngôn ngữ ký hiệu càng làm cho trái tim đôi trẻ chung nhịp đập. Đến tận bây giờ, dù chưa lời yêu nào được vang lên bằng thanh âm thì họ vẫn về ở với nhau dưới một mái nhà.
Không êm đềm như Trang và Phước, chuyện tình “không lời” của Phan Thị Anh Ngọc (26 tuổi) và Nguyễn Thành Hưng (30 tuổi) lại gặp nhiều sóng gió. Hưng, chàng trai khiếm thính quê ở tận miền biển bãi ngang Gio Hải (H.Gio Linh), đã đem lòng yêu Ngọc, cô gái khuyết tật nghe nói ở TP.Đông Hà. Khi họ dũng cảm bước ra ngoài, không còn yêu thương lén lút nữa thì cũng là lúc vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình Hưng. Nhưng ý chí đã quyết, họ đến với nhau, bỏ ngoài tai những câu hỏi chưa lời đáp: Sẽ sống như thế nào khi chưa có công việc ổn định? Cả hai đều khiếm thính liệu sinh con có tật nguyền? Cha mẹ không nói được, làm sao dạy con những điều hay?
“Hai đứa yêu nhau mà có nói với gia đình đâu, chỉ thậm thụt rứa thôi. Phía bên nhà Hưng muốn cháu có một người vợ lành lặn để còn sống với đời. Tôi không trách họ, tôi hiểu ước muốn của người làm cha mẹ có con câm điếc vì tôi cũng thế. Tôi cũng muốn Ngọc có một tấm chồng bình thường. Nhưng chúng quấn quýt nhau quá, nên tôi cũng thuận theo tự nhiên. Trời sinh voi ắt sinh cỏ”, bà Nguyễn Thị Diện, mẹ của Ngọc, nhớ lại.
Kiếp chồng vợ "không cãi nhau"
|
|
Theo cô giáo Cao Thị Yên, Phó hiệu trưởng Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị, người có kinh nghiệm hơn 20 dạy học sinh khiếm thính, tình yêu của những bạn trẻ này không khác mấy với người thường. Cô Yên từng dự đám cưới của khoảng 15 cặp đôi khiếm thính hoặc một trong 2 người khiếm thính, và hầu hết họ đều hạnh phúc. “Khi các em đến tuổi trưởng thành, chúng tôi thường vun vào để các em tìm đến bến bờ hạnh phúc. Và khi các em hạnh phúc, chúng tôi cũng hạnh phúc theo”, cô Yên trải lòng
|
|
|
Ngày ngày Trang đi làm công nhân may, Phước làm thợ sơn. Dù đều làm công việc chân tay mệt nhọc và sống trong phòng trọ chỉ vài chục mét vuông, nhưng chẳng ai bảo họ không hạnh phúc. Những gia đình hàng xóm lành lặn kế bên nhiều khi chỉ ước một cuộc hôn nhân êm đềm như Trang và Phước vì nhiều năm qua chẳng có lấy “tiếng bấc, tiếng chì”.
Trang viết ra giấy, rằng khi có người chồng thấu hiểu mình thì không còn gì hạnh phúc bằng. Cả hai tuy khiếm khuyết, luôn sống trong sự câm lặng, nhưng có một chất keo kết dính tâm hồn lại với nhau. Tình yêu trong căn nhà ấy không ồn ào cười nói mà được nâng niu bằng ánh mắt và những động tác của đôi tay.
Còn Ngọc và Hưng, gia đình chàng trai miền biển dần dà cũng đã chấp nhận cô con dâu thành phố. Hưng phần nhiều sống ở nhà vợ, thi thoảng về quê đi biển để đỡ đần cho cô vợ làm công nhân may. Hạnh phúc của cả hai dù vô thanh nhưng đúng nghĩa của lứa đôi. “Chúng nó quấn lấy nhau như chim cu ấy. Đi đâu cũng đi với nhau. Mặc dù không nói được nhưng chúng cứ rù rì chuyện trò không dứt theo cách riêng của chúng”, bà Diện nói như trách yêu, trên gương mặt bà tỏ vẻ mãn nguyện.