Ảnh mang tính minh họa
Đánh giá tình hình 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thư tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo trong tình hình mới”, Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã khẳng định, công tác học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyển Nghị quyết 09-NQ/TW và Nghị quyết số 01-NQ/TU được các cấp ủy, chính quyền thực hiện, nghiêm túc, đi vào chiều sâu. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của Chiến lược biển và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo trong tình hình mới trong cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và Nhân dân được nâng lên. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành tổ chức thực hiện nghị quyết; các địa phương trong tỉnh có biển đã cụ thể hóa thành chương trình kế hoạch, đề án phù hợp với tình hình địa phương. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh vùng biển đạt nhiều kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng vùng biển và đô thị ven biển từng bước được đầu tư. Hệ thống điện lưới quốc gia miền biển và vùng cát đã được chú trọng đầu tư, cải tạo và nâng cấp. Hiện nay, có 100% số xã và gần 100% số hộ vùng biển và vùng cát sử dụng điện lưới quốc gia. hệ thống giao thông ven biển đã cơ bản hoàn thành đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được chú trọng đầu tư; hệ thống đê điều, hệ thống kênh mương thủy lợi cũng được kiên cố hóa đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh và an toàn trong mùa mưa lũ. Hình thành một số trung tâm đô thị tạo động lực cho vùng ven biển như: thị trấn Cửa Tùng, Thị trấn Cửa Việt,...; công tác phát triển cảng biển được quan tâm thực hiện, đã hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng cảng Cửa Việt; đầu tư hoàn thành hệ thống kè và nạo vét luồng vào cảng Cửa Việt đảm bảo cho tàu 3.000 tấn cập bến; đầu tư hoàn thành bến số 3 cảng Cửa Việt đi vào hoạt động; tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các bến mở rộng phía bờ Nam Cửa Việt theo Quy hoạch đã được phê duyệt. Hoàn thành đầu tư kho cảng xăng dầu Cửa Việt (trong đó kho có dung tích 45.000 m3, cảng dầu ngoài khơi đảm bảo cho tàu 40.000 tấn cập bến). Cảng Mỹ Thủy đã được xác định trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; hiện nay nhà đầu tư đang lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đã được lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan và đang trình Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến dự án cảng Mỹ Thủy sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2018. Cảng biển Mỹ Thủy, có vị trí rất thuận lợi để làm đầu mối trung chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, với quy mô đảm bảo cho tàu 50.000 đến 100.000 tấn cập bến. Cảng Mỹ Thủy nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được quan tâm, đạt kết quả khá tích cực, tổng sản lượng thuỷ sản khai thác hàng năm tăng lên đáng, tăng 5,4%/năm. Năm 2015, đạt trên 24.500 tấn. Dịch vụ nghề cá, nuôi trồng thủy sản, chế biến, mua bán, xuất nhập khẩu hải sản tiếp tục có bước phát triển. Du lịch biển đang từng bước định hình và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch biển gắn với nhóm tài nguyên mang đặc trưng của tỉnh; điều kiện sống của người dân vùng biển từng bước được cải thiện; phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng an ninh vùng biển; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo, an ninh biển đảo được giữ vững.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm như: Nhận thức, vai trò, năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy đảng có mặt còn xem nhẹ, thiếu quyết liệt; công tác rà soát quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đối với các địa phương thuộc vùng biển còn chậm; quy hoạch một số ngành liên quan việc khai thác tiềm năng, lợi thế biển chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi; việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhằm phát triển kinh tế biển, nghiên cứu khoa học, bảo vệ tài nguyên môi trường biển Quảng Trị vẫn còn nhiều hạn chế; nguồn lực đầu tư cho phát triển vùng biển còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn; đâu tư phát triển hạ tầng, du lịch biển còn dàn trải, thiếu trọng tâm; công tác bảo vệ môi trường và phát triển tài nguyên biển, vùng cát theo hướng bền vững chưa được nhận thức và hành động một cách đầy đủ, đúng đắn. Nghiên cứu, điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường khu vực để xác lập luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng, lợi thế của toàn vùng, chủ động giảm thiểu tác động và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn hạn chế.
Để tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Nghị quyết số 09- NQ/TW, ngày 09 tháng 02 năm 2007, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trong tình mới, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đi sâu đánh giá tình hình, xem xét, phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan của hạn chế, yếu kém, và nhận diện tỉnh Quảng Trị có bờ biển dài 75 km, có ngư trường khoảng 8.400 km2 với trữ lượng hải sản hàng năm khoảng 60.000 tấn/năm; là nơi tập trung nhiều loại hải sản quí hiếm, có giá trị kinh tế cao; với hệ sinh thái đa dạng, nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Toàn tỉnh có 14 xã và 2 thị trấn ven biển thuộc 4 huyện đất liền (Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng) và huyện đảo Cồn Cỏ có vị trí quan trọng về an ninh quốc gia, an ninh biển, đảo và phát triển kinh tế xã hội vùng biển; từ đó yêu cầu hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
- Tăng cường phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các nội dung thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; nâng cao hiểu biết pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế về biển, đảo. Tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để xây dựng quê hương đất nước.
- Tập trung huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng biển; xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị ven biển và cảng biển. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng các đô thị ven biển theo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển đô thị và quy hoạch tổng thể phát triển đô thị; quy hoạch các khu chức năng, khu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng ven biển. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, đặc biệt là đầu tư hoàn thành một số công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu ban đầu để tạo điều kiện kêu gọi thu hút đầu tư vào Khu kinh tế, như: Khu tái định cư Hải Khê, Khu tái định cư Hải An, đường trung tâm dọc KKT Đông Nam Quảng Trị (đường ven biển từ Cửa Việt đến Hải Khê, dài 30km), Hệ thống cấp nước cho KKT Đông Nam Quảng Trị. Kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu đô thị mới trong KKT Đông Nam Quảng Trị. Xúc tiến và triển khai đầu tư đường ven biển tỉnh Quảng Trị. Nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau khai thác, chuyển đổi cơ cấu nghề, giảm khai thác ven bờ, đẩy mạnh xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kết hợp phát triển sản xuất với bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, đảo. Thực hiện tốt các chính sách phát triển thuỷ sản, khuyến khích tàu thuyền tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa; thông qua các chính sách khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá xa bờ để giảm áp lực khai thác gần bờ và phát triển bền vững; tiếp tục điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản, nhất là vùng ven bờ sau sự cố môi trường biển nhằm từng bước khôi phục và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo hướng bền vững. Bảo vệ đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Chuyển đổi cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp điều kiện sinh thái của địa phương; phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, mặn. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn chế biến, tiêu thụ với sản xuất nguyên liệu; ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh gắn với sản phẩm thế mạnh của địa phương như tôm sú, mực ống, tôm thẻ chân trắng; xây dựng Cửa Tùng và Cửa Việt thành những trung tâm nghề cá, chế biến thủy sản của tỉnh.
- Tập trung phát triển du lịch biển. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch biển đảo - thế mạnh của du lịch Quảng Trị; đẩy mạnh phát triển tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Tập trung thu hút đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển du lịch sinh thái tại Khu vực Cửa Tùng - Vịnh mốc - Mũi Trèo - Rú Lịnh (Vĩnh Linh). Đầu tư phát triển các khu du lịch biển Triệu Lăng (Triệu Phong), Hải Khê (Hải Lăng); Tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Ngân hàng ADB, dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng - giai đoạn II” cho Bãi tắm cộng đồng Trung Giang, Bãi tắm cộng đồng Gio Hải, chỉnh trang và hoàn thiện bãi tắm Cửa Việt, xây dựng hệ thống nhà ga và bến cảng tàu du lịch tại Cửa Việt và Cồn Cỏ. Thực hiện các chính sách kích cầu khôi phục du lịch biển như phát động các phong trào về biển, bảo vệ môi trường, làm sạch biển, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, xử lý nghiêm các hiện tượng chèo kéo khách, ăn xin, bán hàng rong… tại các bãi biển du lịch.
- Tăng cường quốc phòng, an ninh vùng biển. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, trong đó chú trọng công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên tuyến ven biển và dân quân trên biển, có số lượng hợp lý, có chất lượng cao. Từng bước đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng trên các khu vực trọng yếu tuyến biển, đảo. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, tàu thuyền của ngư dân, sẵn sàng huy động, tham gia đấu tranh chống tàu lạ hạ đặt giàn khoan, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán các vùng biển Việt Nam.
- Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc bảo vệ môi trường biển, ven biển và phòng chống thiên tai. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển do công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra, giúp nhân dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Thực hiện tốt nhiệm vụ khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường ven biển nhất là tại các bãi tắm, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, các trại chăn nuôi, khu vực đông dân cư vùng biển. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; nghiên cứu điều tra cơ bản về địa chất, thuỷ văn, tai biến địa chất, tài nguyên môi trường biển và hải đảo theo Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg, ngày 01/3/2006, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý TNMT biển. Thực hiện tốt các hoạt động giám sát chất lượng, quan trắc cảnh báo ô nhiễm môi trường, quan trắc xâm nhập mặn; giám sát các nguồn xả thải vào nguồn nước. Xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị đến năm 2025. Hoàn thiện, cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, ven bờ và hải đảo tỉnh Quảng Trị để phục vụ công tác quản lý biển, hải đảo. Tiếp tục thực hiện dự án “Thiết lập, quản lý hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Thiết lập hành lang và bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường công tác quản lý, ngăn ngừa, giám sát sự xâm nhập đối với các loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển, hải đảo; đa dạng sinh học biển, các hệ sinh thái biển. Quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả cao nhất nguồn tài nguyên khoáng sản ven biển. Ưu tiên cho các dự án chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế-xã hội lớn.
Lê Thế Quảng