Tình trạng khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2021 

(Chinhphu.vn) - Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2022.
Có giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp công dân, giải quyết KNTC - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tỉ lệ người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân tăng so với năm 2021

Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2022 do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày cho biết năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là đại dịch COVID-19 và những vấn đề tồn đọng nhiều năm phải tiếp tục xử lý nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động giám sát của Quốc hội, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, dành thời gian thích đáng chỉ đạo, các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực, có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Tỉ lệ giải quyết các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền được nâng cao, quan tâm rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Việc tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp có chuyển biến tích cực, đa số đều nhận thức rõ về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tỉ lệ người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân tăng so với năm 2021. 

Trong đó, hầu hết Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc việc công khai lịch tiếp và trực tiếp tiếp công dân định kỳ hằng tháng; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới; hướng dẫn công dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Nhiều địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế đối thoại của người đứng đầu; đầu tư đồng bộ các điều kiện phục vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn, đa số cán bộ làm công tác tiếp công dân có tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, có trình độ nghiệp vụ phù hợp.

Công tác giải quyết các vụ việc KNTC được thúc đẩy; tỉ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 84,9%, cơ bản đạt yêu cầu và cao hơn nhiều so với năm 2021 (76,3%), nhất là các bộ, ngành Trung ương (93,8%) và nhiều địa phương cũng có tỉ lệ giải quyết đạt hơn 90%; việc đối thoại trong giải quyết khiếu nại được quan tâm, tiến hành công khai, dân chủ.

Để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính, Thủ tướng Chính đã phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấp hành nghiêm túc pháp luật tố tụng hành chính, thực hiện trách nhiệm tham gia phiên tòa, đối thoại, giải trình các nội dung liên quan đến quyết định hành chính, chỉ đạo, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án; tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý, xử lý nghiêm vi phạm.

Có giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp công dân, giải quyết KNTC - Ảnh 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2021

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, mặc dù thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội do COVID-19 ít hơn nhiều so với năm 2021 nhưng số lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước để KNTC, kiến nghị, phản ánh giảm 14,1% so với năm trước; số lượt đoàn đông người giảm 32,7%; tổng số đơn các loại giảm 4%. Tuy nhiên, số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước tăng 3,9%. 

Nhìn chung, tình trạng công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, trụ sở các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương không nhiều và không phát sinh "điểm nóng" về KNTC.

Về khiếu nại, so với năm 2021 giảm 7% số đơn và tăng 5,3% số vụ việc thuộc thẩm quyền, trong đó lĩnh vực đất đai chiếm tỉ lệ 64,6%, chủ yếu trong việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng,…; khiếu nại về chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người có công chiếm 12,6%, trong lĩnh vực tư pháp chiếm 3,5%, còn lại là các lĩnh vực khác.

Về tố cáo, so với năm 2021 tăng 1,4% số đơn, tăng 0,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; có lối sống, sinh hoạt không đúng mực, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước; có trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo do không đáp ứng được kỳ vọng. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 81,9%, lĩnh vực tư pháp chiếm tỉ lệ 3,9%, tố cáo hành vi tham nhũng chiếm tỉ lệ 2,5%.

Kiến nghị xử lý 466 người, trả lại cho tổ chức, cá nhân 319,0 tỷ đồng, 8 ha đất

Về kết quả giải quyết KNTC theo thẩm quyền, Báo cáo của Chính phủ cho thấy cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 19.975/23.526 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 84,9% (tăng 8,6% so với năm 2021). 

Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 25,2 tỷ đồng, 1,9 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 319,0 tỷ đồng, 8 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 61 tổ chức, 702 cá nhân; kiến nghị xử lý 466 người (trong đó có 408 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra xử lý 32 vụ, 35 đối tượng (có 13 cán bộ, công chức).

Việc xử lý, giải quyết đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh do đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong kỳ báo cáo đã xem xét xử lý, giải quyết 737/971 vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh do đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến, đạt 75,9%; 234 vụ việc còn lại đang tiếp tục xem xét xử lý, giải quyết.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.268 cuộc thanh tra trách nhiệm  thực hiện pháp luật về KNTC tại 1.873 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã ban hành 1.051 kết luận thanh tra. Qua thanh tra kiến nghị xử lý hành chính đối với 155 tổ chức, 365 cá nhân, đã xử lý 114 tổ chức, 293 cá nhân. Các kết luận, kiến nghị về thanh tra cơ bản được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện.

Lê Sơn

440 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1302
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1302
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87125217