Tính toán kỹ để bán vốn nhà nước đạt kết quả cao nhất 

(Chinhphu.vn) – Do gần đây thị trường chứng khoán khá trầm lắng, SCIC đang xem xét lựa chọn các phương án thoái vốn, đánh giá đúng nhu cầu thị trường, chờ đợi cơ hội phù hợp hơn để đạt được hiệu quả cao nhất.

Đây là ý kiến của lãnh đạo SCIC tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng triển khai nhiệm vụ nửa cuối năm 2018 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

 

 

Lãnh đạo SCIC cung cấp thông tin về hoạt động cổ phần hoá. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Đánh giá về hoạt động trong nửa đầu năm 2018, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách SCIC cho biết:  6 tháng đầu năm, doanh thu cổ tức đạt 1.220 tỷ đồng (bằng 49% kế hoạch năm). Doanh thu tài chính đạt 715 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch năm. Doanh thu bán vốn (bao gồm cả Công ty cổ phần (CTCP) Nhựa Bình Minh) là 2.669 tỷ đồng, chiếm gần 48% tổng thu thoái vốn của cả nước là 5.598 tỷ đồng (số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm 2018 của Ban ĐMDN).

 

Số tiền nộp ngân sách nhà nước (NSNN) gồm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và lợi nhuận sau thuế là 1.513 tỷ động, nộp Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (HTSXPTDN) từ tiền bán vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh là 2.182 tỷ đồng.

 

Về cơ chế bán vốn, ông Nguyễn Chí Thành cho biết, SCIC đã chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai áp dụng thực hiện các quy định mới tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP. SCIC đã lựa chọn thời điểm thích hợp, bán vốn thành công tại Nhựa Bình Minh và một số DN khác mang lại lợi ích cao cho nhà nước.

 

Cụ thể, tháng 3/2018, SCIC đã thực hiện bán đấu giá thành công 24.139.923 cổ phần tại CTCP Nhựa Bình Minh với giá trị 96.500 đồng/cổ phiếu, thu được 2.330 tỷ đồng, chênh lệch giá vốn 2.182 tỷ đồng.

 

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết: Sau 12 năm chính thức đi vào hoạt động, SCIC có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản trị vốn nhà nước với vai trò cổ đông tại các doanh nghiệp theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.

 

SCIC đã thực hiện tái cơ cấu, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động và có chuyên môn sâu trong triển khai công tác bán vốn. Quy trình bán vốn của SCIC được xây dựng đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả với mạng lưới rộng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; kết quả cho thấy hiệu quả bán vốn của SCIC bình quân đạt 3,5 lần so với giá vốn, cao hơn kết quả bán vốn trên toàn quốc (1,48 lần/giá vốn).

 

Lãnh đạo SCIC cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, thì những kết quả thoái vốn nửa đầu năm 2018 dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận. 

“Do gần đây thị trường chứng khoán khá trầm lắng, SCIC cũng đang xem xét lựa chọn các phương án thoái vốn cho phù hợp thị trường chung, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, chứ không phải đem hàng ra bán bằng mọi giá. Cần đánh giá đúng nhu cầu thị trường, chờ đợi cơ hội phù hợp hơn để đạt được hiệu quả cao nhất”, Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

Về vấn đề chuyển giao, lãnh đạo SCIC đánh giá việc này được triển khai còn chậm do sự phối hợp chưa đồng bộ từ các đơn vị liên quan.
 

Cụ thể, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc các bộ/UBND tỉnh chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 bộ và 16 địa phương với tổng số vốn nhà nước trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao). Thực hiện Nghị định 147/2017/NĐ-CP ngày 25/12/2017, Quyết định số 1232 ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 4918/VPCP-ĐMDN của Văn phòng Chính phủ, SCIC đã chủ động, thường xuyên đôn đốc, làm việc trực tiếp với các Bộ, địa phương, tuy nhiên tiến độ chuyển giao vốn nhà nước từ bộ ngành, địa phương về SCIC còn chậm. 

 

Ông Nguyễn Đức Chi cho biết, lũy kế từ khi ban hành Quyết định 1232 ngày 17/8/2017 đến hết tháng 6 năm 2018, SCIC đã tiếp nhận 25/62 doanh nghiệp theo danh sách chuyển giao với tổng vốn nhà nước là 862,48 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, SCIC chỉ tiếp nhận 5/45 doanh nghiệp theo Kế hoạch tiếp nhận năm 2018. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 37 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng tại 5 bộ và 8 UBND tỉnh.

 

Một trong những vướng mắc là DN đã xong hồ sơ để chuyển giao nhưng còn tồn đọng vấn đề tài chính không phù hợp với các quy định của Thông tư số 118/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 về hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC. Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp nhận vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ các bộ, địa phương, SCIC đang kiến nghị cần chỉnh sửa các quy định về xử lý tài chính tại Thông tư 118.

 

“SCIC đã có 6 tổ công tác chủ động tích cực làm việc với các bộ, ngành, địa phương, nhưng SCIC cũng không có thẩm quyền buộc các đơn vị phải chuyển giao. Lẽ ra tiến độ có thể nhanh hơn, nhưng có một số bộ ngành lại giữ doanh nghiệp lại với lý do chờ tháo gỡ hết để bàn giao cả gói ”, ông Nguyễn Đức Chi nói.

 

Trước đó, chỉ đạo về hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết các thủ tục, đặc biệt về đất đai để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Dù vậy, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không vì làm nhanh mà để ảnh hưởng đến chất lượng.

 

 Huy Thắng

327 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 616
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 616
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85939939