Tính toán chặt chẽ khi tăng diện tích vụ đông  

(Chinhphu.vn) - Vụ đông năm 2020, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tăng 15-20% về diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, phải thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp để không còn cảnh đầu vụ hô hào tăng diện tích nhưng cuối vụ lại lo tiêu thụ sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Được biết, vụ đông năm 2020, Bộ NN&PTNT chủ trương tăng diện tích sản xuất lên 15-20%. Đâu là căn cứ để Bộ đặt ra mục tiêu cao như vậy?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trên cơ sở thắng lợi của vụ đông năm 2019, cộng với những tín hiệu tốt về mặt thị trường, vụ đông năm 2020, Bộ NN&PTNT chủ trương tăng cả về diện tích, sản lượng và giá trị.

Cụ thể, diện tích gieo trồng phấn đấu đạt tối đa 450.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 5 triệu tấn, giá trị thu nhập trên dưới 36.000 tỷ đồng. Con số này đã được chúng tôi căn cứ trên tình hình thực tế và bàn bạc với các địa phương để đặt ra quyết tâm cao như vậy.

Sở dĩ Bộ NN&PTNT mạnh dạn tăng diện tích sản xuất cây vụ đông dù sản xuất lương thực cũng tăng đáng kể vể sản lượng là vì do tác động của dịch COVID-19, cộng với thiên tai diễn biến phức tạp ở một số nước giúp thị trường thế giới tiêu thụ tốt một số nhóm nông sản, trong đó có cây vụ đông của chúng ta. Vì thế, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương khai thác tốt lợi thế này, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân vừa khẳng định được vụ đông là vụ sản xuất chính ở miền Bắc.

Chúng ta có một mùa đông lạnh, nếu tận dụng tốt yếu tố này cũng có thể giúp nông dân làm giàu từ vụ đông. Thực tế, ở Hải Dương, với nhóm cây vụ đông chủ lực như cà rốt, hành, tỏi nhưng vài năm trở lại đây, năm nào nông dân cũng có nguồn thu lớn từ cây vụ đông.

Tín hiệu tốt của thị trường thế giới cụ thể là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Như chúng ta đã biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau quả lớn, nhưng thời gian qua, 27/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc bị ngập lụt, trước đây nông sản Trung Quốc đưa ngược sang Việt Nam nhưng do lũ lụt, chưa thể khôi phục được sản xuất, chúng ta có thể xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa có hiệu lực, nhóm nông sản của vụ đông như dưa chuột, cà chua chế biến có thể xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản thời gian qua cũng chú ý đến một số sản phẩm rau màu của Việt Nam. Theo tôi biết, sản phẩm cà rốt của Hải Dương đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc rất thuận lợi.

Một nét mới trong vụ đông năm 2020 là phát triển ngô sinh khối. Bộ NN&PTNT cũng đang có chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Việc mở rộng diện tích ngô sinh khối sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đúng là như vậy, trồng ngô sinh khối là nét mới trong vụ đông 2020, cũng là sự liên kết giữa ngành chăn nuôi và trồng trọt để mang lại giá trị cao hơn.

Hiện, chúng ta đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm sữa của Việt Nam, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc… bắt đầu nhập khẩu sữa của Việt Nam, mở ra cơ hội tốt thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt đỏ cũng tăng lên, giúp đàn đại gia súc tăng nhanh về số lượng. Khi đàn đại gia súc tăng thì nhu cầu sinh khối ngày càng lớn, đặc biệt trong mùa đông nhu cầu thức ăn thô xanh tăng cao.

Có một điều thuận lợi cho phát triển ngô sinh khối là hiện chúng ta có tổ hợp các giống ngô lai do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo cho sinh khối nhanh, năng suất lên tới 100-150 tấn/ha nếu thâm canh tốt. Như vậy làm ngô sinh khối một mặt tạo thu nhập cho ngành trồng trọt, một mặt tăng thức ăn thô xanh cho chăn nuôi.

Để phát triển ngô sinh khối không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với các địa phương để mở rộng diện tích ngô sinh khối, đưa sản phẩm của ngành trồng trọt trở thành đầu vào của chuỗi liên kết trong chăn nuôi mà doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi liên kết đó.

Có một thực tế vụ đông được coi là vụ sản xuất chính nhưng do thiếu lao động, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên nông dân chưa mặn mà. Định hướng của Bộ NN&PTNT như thế nào để tháo gỡ khó khăn này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đúng là còn một số khó khăn trong phát triển cây vụ đông nhưng Bộ NN&PTNT đã thống nhất các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, trong đó đặc biệt ưu tiên mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp cần sản phẩm gì thì gắn kết với từng nhóm địa phương có sản phẩm thế mạnh đó, không chỉ đảm bảo người dân sản xuất, tiêu thụ thuận lợi mà doanh nghiệp cũng lựa chọn được sản phẩm phù hợp. Quan điểm của Bộ là không thể để xảy ra cảnh đầu vụ thì hô hào mở rộng diện tích, cuối vụ lại lo tiêu thụ sản phẩm.

Các địa phương cũng nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của vụ đông nên luôn dành sự ưu tiên đặc biệt với các cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Có địa phương hỗ trợ giống, có nơi giúp người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, có địa phương trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết khép kín.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Đỗ Hương (thực hiện)

165 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 725
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 725
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87232731