TÍNH THUYẾT PHỤC TRONG GIỚI THIỆU NGHỊ QUYẾT VÀ NIỀM TIN CỦA CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN ĐỐI VỚI ĐẢNG 

Sắp tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sẽ được học tập, quán triệt nghị quyết của đại hội Đảng các cấp. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào nâng cao tính thuyết phục trong việc giới thiệu nghị quyết của Đảng để tăng cường, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, tạo thành sức mạnh, ý thức tự giác, sự sáng tạo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách hiệu quả?

Vì sao yêu cầu phải nâng cao tính thuyết phục?

Trước đây, trong điều kiện hoạt động bí mật, trình độ dân trí thấp, cán bộ tuyên truyền phải tìm mọi cách giới thiệu cương lĩnh, nghị quyết của Đảng sao cho dễ nghe, dễ hiểu nhất. Nếu không thuyết phục được Nhân dân tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng thì cán bộ tuyên truyền không thể nhận được sự đùm bọc, che chở, hy sinh vô cùng to lớn của Nhân dân, để Nhân dân đồng lòng đi theo Đảng làm cách mạng.

Hiện nay, cán bộ, đảng viên của chúng ta đều biết rằng, mặc dù Đảng ta là Đảng cầm quyền nhưng phương thức lãnh đạo của Đảng chủ yếu vẫn là giáo dục, thuyết phục và nêu gương. Điều đó có nghĩa là cơ sở sở chính trị của Đảng không phải ở quyền lực nhà nước mà vẫn là niềm tin của quần chúng nhân dân vào mục tiêu, đường lối, chính sách của Đảng. Muốn Nhân dân tin vào đường lối của Đảng thì trước hết trong Đảng phải có sự thống nhất cao độ, từng cán bộ, đảng viên phải vững tin vào cương lĩnh và từng nghị quyết của Đảng. Niềm tin của cán bộ, đảng viên vào đường lối, chủ trương của Đảng chỉ có được khi tính thuyết phục trong giới thiệu nghị quyết của Đảng được nâng lên. Từ Đại hội XII, Đảng ta nhận định rất quan trọng: Vào lúc này, sự hài lòng của người dân phải được coi là thước đo về hiệu quả lãnh đạo, uy tín, chất lượng của cán bộ và niềm tin của dân với Đảng phải coi là tài sản tinh thần vô giá nhất.

Như vậy, xuất phát từ sự củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân, từ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc (để tập hợp, lôi kéo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, trở thành lực lượng to lớn tổ chức thực hiện nghị quyết), cổ vũ ý thức tự giác, sự sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết yêu cầu phải nâng cao tính thuyết phục trong việc giới thiệu nghị quyết của Đảng.

Có một thực tế là trong điều kiện Đảng cầm quyền, báo cáo viên (người tuyên truyền, chủ thể tuyên truyền) nghiễm nhiên là cán bộ trong hệ thống chính trị, là người nắm giữ quyền lực nên dễ nảy sinh tâm lý ỷ lại quyền lực. Cấp trên nói là cấp dưới phải nghe, học tập nghị quyết là nhiệm vụ bắt buộc, không chấp hành sẽ bị xử lý bởi kỷ luật của Đảng. Báo cáo viên trình bày nghị quyết, nếu người nghe không hiểu, không tin cũng không vì thế mà bị cách chức, bị mất việc. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc giới thiệu nghị quyết bị hành chính hóa, “bệnh thành tích” và “bệnh hình thức” nặng nề, kém hiệu quả trong thời gian vừa qua.

Mặt khác, hiện nay một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện ít quan tâm đến học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Hoạt động này dường như không xuất phát từ nhu cầu, động lực bên trong mỗi cán bộ, đảng viên mà chủ yếu từ yêu cầu bắt buộc của tổ chức. Không ít cán bộ, đảng viên bộc lộ công khai cảm xúc tiêu cực, thái độ miễn cưỡng khi học tập, quán triệt nghị quyết. Do vậy, sau khi học tập, quán triệt nghị quyết, nhiều cán bộ, đảng viên không nắm được nội dung cơ bản của nghị quyết, không có khả năng diễn đạt các quan điểm, chủ trương của Đảng theo ý hiểu của mình, lúng túng khi vận dụng nghị quyết vào cuộc sống, vào thực tế công việc,…

Đây là thực trạng mà nếu duy trì lâu sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Nghị quyết của Đảng mà cán bộ, đảng viên không biết, không nắm được nội dung quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp hoặc nắm một cách mơ hồ ắt dẫn đến đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thực trạng này chỉ được khắc phục bằng cách nâng cao tính thuyết phục trong việc giới thiệu nghị quyết, bởi tính thuyết phục sẽ mang lại cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhu cầu tự thân, động lực bên trong khi được học tập nghị quyết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng.

Nội hàm của tính thuyết phục và yêu cầu về phẩm chất, năng lực của báo cáo viên

Khi giới thiệu nghị quyết, báo cáo viên nói hay, nói tốt, truyền đạt rõ ràng, chính xác là một lợi thế, là một yếu tố quan trọng để thu hút sự quan tâm chú ý của người nghe. Tuy nhiên, về bản chất, tính thuyết phục trong giới thiệu nghị quyết thuộc về nhân cách, uy tín của báo cáo viên. Những phẩm chất đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu trong hành động, nói đi đôi với làm, giữ nghiêm kỷ cương phát ngôn, đời tư trong sáng, chân thành, vững tin, nhiệt tình “truyền lửa”… của người trực tiếp giới thiệu nghị quyết là ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc và bền vững trong lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Bên cạnh đó, báo cáo viên thể hiện sự am hiểu sâu rộng lý luận trên các lĩnh vực và đời sống thực tiễn của đất nước, địa phương sẽ làm tăng gấp bội phần tính thuyết phục trong quá trình giới thiệu nghị quyết. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền nói chung, giới thiệu nghị quyết của Đảng nói riêng, mặc dù nói hay, nói tốt nhưng đạo đức không trong sáng, nói mà không làm, nói một đường làm một nẻo, thiếu sự vững tin vào đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng … thì khó hy vọng xây dựng, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; khó hy vọng tập hợp rộng rãi quần chúng, khơi dậy ý thức trách nhiệm, sự sáng tạo trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng.

Như vậy, có thể thấy tiêu chí đánh giá tính thuyết phục trong giới thiệu nghị quyết chính là ở sự quan tâm, hiểu biết, thái độ tin tưởng và hành động tích cực, tự giác của người nghe trong thực hiện nghị quyết. Trong cùng một điều kiện, nguồn lực như nhau, ở đâu thuyết phục được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng nhiều hơn, mức độ sâu sắc hơn thì ở đó, tính thuyết phục trong giới thiệu nghị quyết của Đảng cao hơn.

Từ quan niệm về tính thuyết phục được nêu trên, thiết nghĩ, thực tiễn đất nước, địa phương và thực trạng giới thiếu nghị quyết hiện nay yêu cầu báo cáo viên – người đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân là phải không ngừng học tập lý luận chính trị, sâu sát thực tiễn, nắm vững kỹ năng tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng và điều quan trọng là phải giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, vững tin vào đường lối, chủ trương của Đảng mới nâng cao được tính thuyết phục trong quá trình tuyên truyền, giới thiệu nghị quyết./. V.L

          

1604 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 883
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 883
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76419752