|
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên là việc làm quan trọng. Ảnh minh họa |
Đó là ghi nhận thực tế của Bộ GD&ĐT sau hơn 1 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) của Chính phủ.
Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án 1665, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 1665 của ngành giáo dục, thành lập Tổ công tác triển khai Đề án và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo khác để triển khai Đề án 1665 trong ngành giáo dục.
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam
Sau hơn 1 năm thực hiện, hiện nay, theo Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên trẻ trong các trường đại học đã gắn kết chặt chẽ, thiết thực với yêu cầu đổi, sáng tạo cũng như khởi nghiệp.
Về cơ sở vật chất, hiện tại có 20 cơ sở đào tạo đã hình thành được các Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, hằng năm các trung tâm đã ươm tạo thành công trung bình mỗi năm từ 2 đến 5 dự án của học sinh, sinh viên.
Các nơi đã bố trí được cơ sở vật chất gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân.
Bộ GD&ĐT đã hoàn thành về mặt nguyên tắc với các doanh nghiệp về việc xây dựng các không gian chung trong các trường đại học (Co-working space), cụ thể sẽ xây dựng tại Đại học Quốc gia TPHCM một không gian chung rộng khoảng gần 1.000 m2. Tại Huế sẽ tiến hành xây dựng không gian chung rộng khoảng 600 m2. Tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng đang dự kiến bố trí 2 tầng với diện tích khoảng 500 m2.
Theo thiết kế, sau khi các Trung tâm được hình thành, mỗi trung tâm sẽ là một cơ sở dùng chung cho cả khu vực hoặc 1 số trường lân cận. Mỗi năm sẽ tổ chức ươm tạo ít nhất từ 15 đến 20 dự án thành công cho cả khu vực. Bộ GD&ĐT cho biết sẽ định hướng chỉ đạo các trung tâm này, kết nối hoạt động đổi mới sáng tạo, kỹ năng cho học sinh, sinh viên toàn quốc.
Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp, xây dựng các Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp bằng nguồn xã hội hóa. Dự kiến khi các Quỹ được hình thành sẽ tạo động lực rất lớn cho học sinh, sinh viên nói riêng và các hoạt động khởi nghiệp quốc gia nói chung.
Trên môi trường mạng, hiện đã có cổng thông tin hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp với địa chỉ: http://www.congkhoinghiep.vn và Fanpage của Chương trình: https://www.facebook.com/khoinghiepquocgiaHSSV.
Ngành giáo dục đã tổ chức các hội nghị, hội thảo diễn đàn, nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo các cơ sở giáo dục, giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ sở đào tạo hiểu và chỉ đạo triển khai công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp được tốt hơn.
Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” thứ nhất (SWIS) năm 2018 (từ tháng 9-12/2018) đã thu hút được hơn 200 dự án dự thi của học sinh, sinh viên, có 15 dự án (10 dự án của sinh viên, 5 dự án của học sinh phổ thông) vào Vòng chung kết và đoạt giải cao, với số tiền thưởng 500 triệu đồng.
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần 1 cũng đã được tổ chức vào ngày 16/12/2018, tại ĐH Kinh tế Quốc dân, thu hút được hơn 3.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, hơn 100 doanh nghiệp tham gia. Tại đây đã tổ chức Diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên, trưng bày các kết quả đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp các trường đại học…
Đề xuất xây dựng Trung tâm khởi nghiệp Quốc gia
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN): “Phong trào khởi nghiệp cho sinh viên hiện nay có rất nhiều điểm sáng. Nhiều trường có sáng kiến đưa doanh nhân vào trường đại học, không chỉ là giáo dục, hướng nghiệp mà còn giúp họ xây dựng những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, đặc biệt là khai thác thế mạnh về công nghệ thông tin, IOT, phần mềm. Hướng đi này rất phù hợp với xu hướng thế giới hiện nay”.
Hiện Bộ GD&ĐT đang tích cực tham khảo các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới, các nhà trường trong khu vực và tham vấn ý kiến chuyên gia, ý kiến doanh nghiệp để đưa vấn đề khởi nghiệp vào chương trình đào tạo bắt buộc hoặc tự chọn hoặc lồng ghép các chuyên đề khởi nghiệp vào các chương trình ngoại khóa, các cuộc thi dưới dạng trò chơi để thu hút sinh viên tham gia.
Bên cạnh đó, phát triển đội ngũ cán bộ tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các nhà trường, tạo điều kiện để đội ngũ này được học tập nâng cao trình độ chuyên môn để thực hiện một số nhiệm vụ: Tư vấn, hỗ trợ sinh viên phát triển ý tưởng, kết nối nguồn lực trong và ngoài nhà trường, hướng dẫn sinh viên có ý tưởng tìm đến các nguồn lực hỗ trợ, gắn kết với các cơ sở ươm tạo ngoài cộng đồng hoặc các cơ sở đào tạo khác;
Theo “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 5 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Đến năm 2020, 100% các trường đại học, học viện, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; có ít nhất 90% học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. |
Các trường cũng phát triển đội ngũ giảng viên nguồn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đây là đội ngũ giảng viên đến từ các khoa quản trị kinh doanh, đổi mới sáng tạo của nhà trường hoặc các khoa về kinh doanh, công nghệ của nhà trường.
Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên về hỗ trợ khởi nghiệp học tập nâng cao trình độ chuyên môn để thực trực tiếp giảng dạy các chuyên đề về khởi nghiệp, tinh thần doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, đổi mới xã hội tại trường, hỗ trợ sinh viên phát triển ý tưởng trên tinh thần đổi mới sáng tạo, tư vấn, hỗ trợ sinh viên các giải pháp để nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án, ý tưởng của sinh viên.
Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và ban hành Thông tư số 126/2018/TT-BTC ngày 26/12/2018 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế tài chính triển khai Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Đây là 1 nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT để Đề án 1665 được phát triển mãnh mẽ, thuận lợi ngay từ đầu.
Được biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã đề xuất xây dựng Trung tâm khởi nghiệp quốc gia. Trong giai đoạn hiện nay, Trung tâm khởi nghiệp quốc gia được hình thành trên cơ sở các Trung tâm khởi nghiệp sẵn có trong các trường đại học, dần tạo nên sự gắn kết hệ thống giữa các trung tâm trong cả nước.
Nhiệm vụ của Trung tâm là điều phối hoạt động, nghiên cứu ban hành chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ gọi vốn, xây dựng Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng hỗ trợ cơ sở hạ tầng tại các nhà trường, nghiên cứu chương trình đào tạo… Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ ươm tạo, cho doanh nghiệp, hỗ trợ hợp tác quốc tế.
Nhật Nam