Tối 26/9, chương trình giao lưu nghệ thuật “Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đất nước đồng lòng vượt qua đại dịch COVID-19” do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Quỹ Trịnh Công Sơn tổ chức đã diễn ra theo hình thức truyền hình trực tuyến với nhiều điểm cầu khác nhau trải dài từ Bắc vào Nam.
|
Tập thể ca sỹ thể hiện ca khúc "Nối vòng tay lớn" (ảnh chụp màn hình).
(Ảnh: Thu Hương/TTXVN) |
Tham gia và phát biểu trong chương trình, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức đêm nhạc “Nối vòng tay lớn - Đất nước đồng lòng, vượt qua COVID-19”. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vượt qua ý nghĩa của một đêm nhạc, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam tiếp tục được tỏa sáng. Dù ở nơi đâu, dù ở hoàn cảnh, một cách nhìn, cách tiếp cận nào, nhưng mọi trái tim người Việt Nam mang dòng máu Lạc Hồng đều luôn hướng về nguồn cội, hướng về Tổ quốc. Đảng và Nhà nước luôn trân trọng và cảm ơn những đóng góp về tinh thần và vật chất của những tấm lòng nhân ái trên khắp thế giới trong thời gian qua. Tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, Đảng và Nhà nước sẽ quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với các giải pháp phù hợp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và nhanh chóng khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Quê hương là nhà, quê hương là mái ấm, quê hương là tình người; quê hương là khát vọng, là nguồn cội, là nơi để hướng về, để suy ngẫm và yêu thương. Truyền thống đoàn kết, trí tuệ, trái tim nhân ái của mỗi người Việt Nam trên khắp thế giới sẽ hội tụ, sẽ lan tỏa, nhất là trong những thời khắc khó khăn của đất nước, là liều thuốc, là động lực quan trọng để chúng ta chiến thắng trong mọi nghịch cảnh, và đặc biệt là đại dịch COVID-19”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đến nay, có thể nói, dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, ngay cả ở những nơi tâm dịch như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn phía trước khi dịch bệnh diễn biến khó lường. Nhưng chính trong cuộc chiến cam go và thử thách này, chúng ta được chứng kiến sức mạnh của tình người, của tình đoàn kết, của sự kết nối, sẻ chia, cảm thông sâu sắc, của lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình cho cộng đồng, của ý chí và nội lực mạnh mẽ vượt qua gian khó trong mỗi con người để đồng hành cùng dân tộc ta vượt qua dịch bệnh.
Tham gia chương trình có đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau như Nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngân, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Lam, Nghệ sĩ ưu tú Vân Khánh, Nghệ sĩ ưu tú Lê Tứ, Cẩm Vân – Khắc Triệu, Hồng Nhung, Tùng Dương, TLinh, Kyo York và nhiều nghệ sĩ tên tuổi của các Nhà hát tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông sen; Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình gồm 3 chương có tên “Quê hương trong trái tim tôi”, “Niềm tin chiến thắng” và “Cảm ơn tình yêu”. Mở đầu chương trình là ca khúc “Hãy yêu nhau đi” – một sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được biểu diễn bởi tất cả các ca sĩ tham gia chương trình. Sau đó, các ca sĩ ở từng điểm cầu lớn ở ba miền Bắc – Trung – Nam lần lượt biểu diễn, kết nối các đầu cầu, trọn vẹn một vòng tay lớn. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nghệ sĩ kết nối tại những đầu cầu – tượng trưng cho những hình ảnh, nhịp sống, đặc trưng riêng của thành phố. Bên cạnh các tiết mục ca nhạc, chương trình còn bao gồm các video trình chiếu về sự tham gia của các nghệ sĩ hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, ủng hộ, giúp đỡ người dân thành phố trong dịch bệnh; những câu chuyện xúc động về quá trình các y bác sỹ, lực lượng quân y nỗ lực, đấu tranh, giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID-19.
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu (ở giữa) và bác sỹ Trần Thanh Linh giao lưu tại chương trình. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN) |
Trong chương tình giao lưu giữa lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch với số ca nhiễm cao nhất cả nước. Hàng triệu người công nhân, lao động tự do ngừng việc, ở trọ, không về quê; hàng trăm ngàn hộ gia đình nghèo khó, già yếu, neo đơn, bệnh tật phải lo lắng cho cuộc sống hàng ngày; hàng trăm ngàn tiểu thương, hộ kinh doanh đóng cửa, ngừng buôn bán; hàng chục ngàn sinh viên đang kẹt lại tại thành phố; hàng chục nghìn người nhiễm bệnh tại bệnh viện, tại nhà và trong các khu cách ly, khu phong tỏa và nhiều gia đình phải gánh chịu nỗi đau mất người thân do đại dịch. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, dai dẳng và ác liệt, do đó, việc chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cần được tính toán và có chiến lược cụ thể, dài hơi hơn.
“Vì vậy sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cả nhân trong và ngoài nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh lúc này là một nguồn lực vô cùng quan trọng và quý báu để thành phố có thêm nguồn kinh phí, hàng hóa, phục vụ nhân dân, từng bước vượt qua và chúng tôi cam kết sẽ sử dụng đúng mục đích và hiệu quả”, bà Tô Thị Bích Châu khẳng định.
Thông qua chương trình, Ban tổ chức kêu gọi nguồn lực, gây quỹ để mua và vận chuyển các thiết bị vật tư y tế đóng góp vào quỹ “Phòng, chống COVID-19” do Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Ngay tại chương trình, Ban tổ chức đã tiếp nhận gần 103 tỷ đồng của các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, mạng lưới của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã huy động viện trợ hàng chục triệu USD từ Mỹ, Anh, Pháp và các nước khác, gồm các vật tư y tế thiết yếu như máy thở không xâm lấn, giường bệnh, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế… Tuy nhiên, việc vận chuyển về Việt Nam đang gặp khó khăn nên AVSE mong muốn thông qua chương trình nghệ thuật này có thể huy động tài trợ để đưa các thiết bị y tế được viện trợ về nước./.