Tình rừng và người của 'lão gàn' Hồ Mơ 

TP - Không gàn thế nào được, nếu không nói là dở hơi. Ba chục năm nay đồng bào miệt bản Prin C, xã rẻo cao A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị bảo ông là gàn dở bởi những việc làm khác người. Vâng, ông là Hồ Mơ, thương binh 3/4, người Pa Kô, sống trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ.

Từ yêu rừng...

Cách con đường từ bản Prin C dẫn vào vùng rừng già phía Đông tầm 7 cây số nay không còn cô đơn, thiếu hơi người như 30 năm về trước. Hai bên đường xanh bạt ngàn cao su, bời lời của người dân đã thu hoạch qua mấy mùa rẫy. Tuy nhiên, con đường này vẫn còn nhiều ổ voi lắm ổ gà do vẫn là đường đất, mưa lũ xói lở hàng năm.

Nếu không có người cháu gọi ông Mơ bằng cậu ruột, dẫn đường đưa tôi bằng xe máy với trình độ lái xe siêu hạng, thì chắc từ chiều đến tối mịt tôi vẫn chưa thể vào tới đó được. Thấy khách lạ, ông khập khiễng cái chân gỗ bước xuống cầu thang nhà sàn, bắt tay chào hỏi niềm nở. Ngôi nhà nhỏ quay mặt về hướng Nam, ông bảo để tránh mưa gió quật vào những tháng mùa đông. Bốn bức tường đều được mở cửa sổ để quan sát, canh giữ những cánh rừng xung quanh.

Tôi hỏi ông Mơ sao lại chọn một thung lũng nhỏ hẹp giữa rừng để sinh sống? Người cựu binh đang ngồi bỗng duỗi cái chân gỗ, bị cụt tới quá đầu gối ra mặt sàn nhà cho khỏi vướng, tay phải chỉ qua ô cửa sổ ra khoảng rừng cổ thụ xanh rì phía trước, trầm ngâm kể lại: “Khoảng thời gian năm 1987, bố (ông xưng bố với chúng tôi cho thân gần) thấy cảnh rừng cây ở đây bị chặt phá nát hết.

Bố đau lòng nên tìm cách giữ lại chúng. Bố đã nhiều lần vào ra cánh rừng này để đẩy đuổi lâm tặc và tháo gỡ hàng trăm chiếc bẫy thú rừng do bọn chúng đặt. Nhưng rồi bố thấy sức có hạn, việc đi về mỗi ngày là không thể lâu dài. Rồi tự nhiên trong đầu bố lúc đó nảy ra những câu hỏi: “Hay là mình làm nhà gần rừng để giữ nó? Nhưng làm nhà gần rừng thì lấy gì sinh sống?

Mình còn phải nuôi 5 đứa con và bốn đứa khác mồ côi trong bản”. Đang vắt óc suy nghĩ thì bố phát hiện ra chỗ thung lũng này rất thuận lợi cho việc trồng cây lúa, cây rau, do nước từ các khe suối quanh đó đều chảy qua đây quanh năm. Thế là bố mừng như mở cờ trong bụng. Bố lên kế hoạch thực hiện việc dựng nhà trước rồi mở đường sau. Con đường này bố làm mất 6 tháng liền mới về tới bản”.

- Làm như vậy là làm ngược? Đáng lẽ phải mở từ bản vào rừng mới thuận tiện hơn chứ? Tôi hỏi ông Hồ Mơ.

- Ngược mà không ngược! Ông trả lời tôi. Bản làng là chỗ văn minh hơn núi rừng. Lấy cái chỗ văn minh để làm đích đến thì mình mới có động lực, mới có quyết tâm thực hiện đến cùng được. Nếu mở từ bản vào rừng thì rất dễ nản, dễ bỏ cuộc giữa chừng.

Tình rừng và người của 'lão gàn' Hồ Mơ ảnh 1Ông Mơ bên cánh rừng xanh tốt, thành quả do ông cùng vợ và các con chăm sóc, bảo vệ 30 năm qua.

Thì ra lý do để ông làm ngược là như vậy! Sau khi dựng nhà, mở đường thông tới bản, ông cùng vợ và các con chuyển toàn bộ cơ ngơi từ đây vào rừng và tiến hành khai hoang đất đai ở thung lũng này để phát triển sản xuất nông nghiệp. Khi cây lúa, cây rau lên xanh trên ruộng rẫy, vợ chồng và các con ông bắt đầu công cuộc làm cho cánh rừng bị chặt phá tái sinh trở lại. 

“Rừng lúc đó những cây lớn đã bị cưa sạch, cây nhỏ lác đác. Cỏ dại, lau lách mọc lên che hết ánh sáng, gốc cây không thể đâm chồi, tái sinh được”- ông kể: “Bố ban đầu dùng rựa, cuốc để phát quang và làm cỏ, nhưng 3 đến 4 con người gập lưng cả ngày cũng chỉ làm được một khoảnh nhỏ. Về sau, bố nghĩ ra cách dùng trâu, bò để làm cỏ thay sức người. Theo đó, bố lùa trâu, bò vào cố định từng khoảnh rừng ăn cho tới lúc sạch cỏ, bố lại lùa chúng sang một khoảnh khác. Cứ thế, sau 5 năm, những cây cổ thụ bị chặt hạ đâm chồi lên xanh mơn mởn trở lại”.

“Tuy nhiên, khi cây cối đã phục hồi, việc giữ chúng khỏi bị lâm tặc chặt trộm hàng ngày còn khó khăn vất vả hơn cả việc làm cho chúng hồi sinh. Bởi vì rừng rộng dài lắm, mình không thể nào quản lý, bảo vệ hết được”, ông cho biết thêm.

- Rừng rộng bao nhiêu vậy bố? Tôi hỏi ông Hồ Mơ.

- Bố không biết được chính xác, nhưng lội bộ theo chiều dọc, thì từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mới hết rừng.

Đến yêu người…

Chúng tôi hỏi: Còn chuyện nuôi trẻ mồ côi của bản? Bố nghĩ thế nào khi nhận về mình toàn những việc khó?

- Bố bắt đầu nuôi trẻ mồ côi từ những năm 1980. Thời gian đó, dân bản đói khổ lắm! Cái ăn kiếm được phải quăng quật suốt ngày trên nương rẫy. Nhiều người vì miếng cơm manh áo phải bỏ mình giữa rừng thiêng nước độc. Ba mẹ chết để lại những đứa con nheo nhóc, tội nghiệp, không nơi nương tựa. Bà con bản thương chúng cũng chỉ chia sẻ được bữa củ sắn, bữa bắp ngô.

Bố là thương binh mất đi một chân, việc cuốc cày không được như những người lành lặn, nhưng bù lại bố có tiền lương nhà nước, vợ và các con siêng năng lao động, lại sáng dạ trong làm ăn nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nên điều kiện kinh tế có phần đỡ hơn. Nhờ đó, bố mạnh dạn cưu mang đùm bọc các cháu. Vợ bố cũng rất thương người, nên dù vất vả thêm nhưng mọi việc đều ổn cả, ông tâm sự.

Tình rừng và người của 'lão gàn' Hồ Mơ ảnh 2
Con đường ngót 7 cây số do thương binh già Hồ Mơ mở từ rừng dẫn về bản Prin C.

Theo ông Hồ Văn Ngoai, Bí thư Đảng ủy xã A Dơi, từ năm 1980 đến nay, ông Hồ Mơ đã chăm nuôi cho 17 trẻ mồ côi cha, mẹ, trong đó có những trẻ ở các bản làng bên đất Lào. Các cháu đều được ông Mơ cho đi học. Một số học hành đỗ đạt trở về làm việc tại thôn, xã, số khác sau khi được ông dựng vợ gả chồng, kinh tế gia đình khó khăn, lại được ông tiếp tục giúp đỡ cho trâu, bò để làm ăn.

Gần đây nhất, cháu Hồ Nưa (8 tuổi), Hồ Dừa (4 tuổi), ở trên địa bàn xã, có bố mẹ không may mất do bị sét đánh đang lúc làm đồng, được ông đem về nuôi ngay trong nếp nhà, ở khe Xa Lau nơi hàng chục năm qua ông cùng vợ và các con bảo vệ, giữ gìn chúng khỏi bị lâm tặc chặt phá. Tại đây, các con ông và các cháu mồ côi cha mẹ đã được ông nuôi dạy bằng thứ tình cảm máu thịt của một người cha, nên lớn lên chúng đều đã trở thành những người tử tế, có ích cho gia đình và xã hội.

Trở lại câu chuyện của ông Hồ Mơ nuôi trẻ mồ côi, ông bảo với tôi rằng, việc nuôi những đứa trẻ có hoàn cảnh không may khó hơn nhiều so với việc nuôi con cái của mình.

Vì chúng mất cha mất mẹ, thiếu thốn tình cảm của người thân nên rất dễ bị tổn thương. Khi mình vô tình làm chúng tổn thương, hay việc chăm sóc chúng chưa được chu đáo, tận tình; không tâm sự với chúng như những người bạn để biết và chia sẻ những điều chúng cần, thì chúng rất dễ đi vào con đường sa ngã do cảm giác tủi phận...

Nói chuyện với khách, nhưng mắt ông vẫn dõi theo thằng bé 4 tuổi. Ông cất tiếng gọi gần gũi khi thấy thằng bé đặt chân xuống đám ruộng nước ở gần sân nhà. “Dừa ơi, Dừa ơi vào đây với bố!”. Thằng bé chạy vào, ông nhớm mình đi ra cửa, ôm thằng bé vào lòng xoa xuýt, nâng niu, vỗ về.

Chiều muộn, tôi nhờ ông dẫn ra rừng vì muốn “mục sở thị” những cây đại thụ do đôi bàn tay ông cùng vợ và các con đã dày công chăm sóc, bảo vệ chúng hàng chục năm qua. Ông chỉ tay vào một cái cây da dẻ sần sùi, to chừng 2 người ôm, bảo tuy bên ngoài xấu xí, nhưng sức sống rất mạnh mẽ, loại này nó mọc, sống tốt trên cả vách đá vôi, đó là cây sến.

Quan sát thấy những cây to lớn như cây sến khá nhiều, chúng lên tự nhiên, song khá ngay hàng thẳng lối như đã có bàn tay con người trồng trỉa chúng từ trước. Dẫn tôi đi chậm rãi dưới tán rừng thâm u ngút ngàn, ông Mơ không quên thỉnh thoảng dõi ánh mắt nhìn xa về phía trước, và nhìn thật kỹ xung quanh dưới những gốc cây để xem có dấu hiệu lâm tặc đánh dấu cây hay đặt bẫy thú.

Những dấu chân tròn của người thương binh khắc sâu vào đất rừng cho tôi nghiệm ra rằng, 30 năm qua, người thương binh ấy đã nhọc nhằn, vất vả thế nào để giành giữ, bảo vệ bằng được sự sống cho rừng. Và, tôi lại hình dung ra rằng, những vết chân tròn ấy tựa như triện đỏ mà thông điệp bảo vệ rừng của nó mạnh mẽ hơn bất cứ thứ công văn, giấy tờ nào…

 

668 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 846
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 846
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86331382