Tỉnh Quảng Trị với công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình  

Nâng cao chất lượng trên lĩnh vực dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một nhiệm vụ chiến lược, quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước và địa phương. Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trân và các Tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở của tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Sau hơn 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII và các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được mhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền cũng như cán bộ, nhân dân về công tác DS-KHHGĐ đã có sự chuyển biến tiến bộ. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã nhận thức đầy đủ và toàn diện đối với công tác DS-KHHGĐ. Từ chỗ xem việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ chỉ thuần tuý là thực hiện KHHGĐ để giải quyết vấn đề giảm sinh, nay công tác dân số được nhận thức đầy đủ từ quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Xác định rõ hơn trách nhiệm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ; sự phối hợp của các ngành, đoàn thể đối với công tác DS- KHHNĐ ngày càng chặt chẽ. Chính nhờ vậy, quy mô gia đình nhỏ từng bước được chấp nhận và trở thành chuẩn mực xã hội.

 Tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của chính phủ, đáp ứng với yêu cầu trong giai đoạn mới; chế độ giao ban, báo cáo định kỳ được duy trì thường xuyên từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng về phương diện chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước. Đến nay đội ngũ cán bộ dân số cơ bản đã được chuẩn hóa theo quy định, có hơn 90% công chức dân số cấp tỉnh, viên chức dân số cấp huyện và 80% viên chức dân số cấp xã được đào tạo nghiệp vụ dân số cơ bản. Ngoài ra, hàng năm thông qua nguồn kinh phí trung ương, địa phương hỗ trợ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ dân số cấp xã, CTV dân số nhằm đáp ứng với yêu cầu chuyển hướng từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Các chỉ tiêu cơ bản trên lĩnh vực DS-KHHGĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ suất sinh thô giảm từ 18,1‰ (năm 2010) xuống 16,1‰ ( năm 2015) và 15,8‰ (năm 2016); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 22,5% (năm 2010) xuống 18,9% (năm 2015) và 18,2% (năm 2016); tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm xuống còn 1,08% (năm 2016); tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại từ 60% (năm 2010) lên 64% (năm 2016); tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,86 con (năm 2009) xuống 2,48 con (năm 2016); tuổi thọ bình quân trên 68 tuổi (mức bình quân chung cả nước là 73 tuổi); tỷ số giới tính khi sinh năm 2016: 112,5 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh nữ (bình quân của cả nước 112,2 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh nữ).

  Các hình thức tuyên truyền, truyền thông được tiến hành thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông qua đội ngũ cán bộ cơ sở. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành đã có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng và phát triển các loại mô hình truyền thông trên cơ sở thế mạnh của mình để tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng như mô hình câu lạc bộ dân số và phát triển; câu lạc bộ tiền hôn nhân; đặc biệt, mô hình làng, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên không ngừng được đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có trên 61% thôn, bản, khu phố trong tổng số thôn, bản, khu phố của toàn tỉnh tổ chức phát động mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên; Từ năm 2011-2016 đã có 79 làng duy trì từ 3 năm liền và 34 làng duy trì từ 5 năm trờ lên không có người sinh con thứ 3 trở lên được UBND tỉnh khen thưởng theo Nghị quyết 06/2010/NQ-HĐND tỉnh với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng.

  Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) tiếp tục được mở rộng theo hướng đa dạng hoá trên nhiều kênh. Đến nay đã có gần 80% trạm y tế xã đủ điều kiện tự cung cấp dịch vụ CSSKSS như khám, điều trị phụ khoa và cung cấp dịch vụ KHHGĐ như đặt vòng tránh thai, tiêm thuốc tránh thai. Duy trì có hiệu quả Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa; thông qua hoạt động này đã cải thiện đáng kể thực trạng SKSS và góp phần thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu về KHHGĐ. Bình quân hàng năm có hơn 20.000 lượt phụ nữ được khám, trong đó phát hiện bệnh và được cấp thuốc điều trị cho gần 14.000 lượt người/năm. Đặc biệt, để đảm bảo tính bền vững của chương trinh và thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ, việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ được chuyển từ bao cấp hoàn toàn sang tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai cho đối tượng có thu nhập thấp, vùng kinh tế xã hội khó khăn và đẩy mạnh xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ tại các thành thị và nông thôn.

Nhiều mô hình, đề án xây dựng cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số được triển khai thực hiện như: Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh được triển khai tại 141 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; Đề án tư vấn, kiểm tra, sức khỏe tiền hôn nhân triển khai tại 30 xã phường, thị trấn và đã xây dựng được 150 câu lạc bộ “ Tiền hôn nhân”, thu hút hơn 5000 thanh niên sống tại cộng đồng thuộc các huyện, thị; Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển trịển khai tại 30 xã, thị trấn ven biển và vùng cát… Các hoạt động can thiệp mang tính đặc thù, phù hợp người dân vùng biển đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân vùng biển về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với công tác DS-KHHGĐ.

Mô hình giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống triển khai tại 24 xã đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông nhằm cung cấp cho vị thanh niên, thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; phổ biến Luật hôn nhân gia đình; hướng dẫn phương pháp giáo dục giới tính, tình dục cho các bậc cha mẹ đồng bào dân tộc thiểu số có con tuổi vị thanh niên, thanh niên; mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng triển khai tại 12 xã, phường, thị trấn…

Mặc dù đã đạt được những tín hiệu tích cực, song công tác DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa nhận thức một cách đầy đủ tính chiến lược công tác DS-KHHGĐ đối với đời sống KTXH, chưa thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện công tác DS-KHHGĐ tại địa phương. Cơ chế phối hợp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hoạt động DS-KHHGĐ ở cơ sở vẫn còn hạn chế, thiếu nhạy bén với các vấn đề mới nảy sinh; sự phối họp hoạt động của các ngành, đoàn thể vẫn còn thiếu đồng bộ và thường xuyên. Công tác tuyên truyền, giáo dục về DS-KHHGĐ chưa đáp ứng với yêu cầu của công tác này trong giai đoạn mới. Nội dung và hình thức truyền thông chưa phù hợp với đặc điểm KTXH của từng vùng và từng nhóm đối tượng. Xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn còn phụ thuộc vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình miễn phí, chưa quen với việc chi trả chi phí các dịch vụ này. Những năm qua, nguồn lực đầu tư của công tác DS-KHHGĐ chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề quy mô dân số, nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, cơ cấu dân số chưa được đầu tư đúng mức nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực này. Mức sinh vẫn còn cao và chưa bền vững. Cơ cấu dân số có nhiều thay đổi, dân số Quảng Trị đang bước vào giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp; từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn và từ mức chết cao sang mức chết thấp nên cơ cấu dân số có nhiều thay đổi nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quỵết một cách đồng bộ như tận dụng cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số…Chất lượng dân số vẫn còn thấp, tuổi thọ bình quân ở mức trên 68 tuổi, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (73 tuổi). Mặt khác, đại bộ phận người cao tuổi sống ở vùng nông thôn nên ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên tỷ lệ người già mắc bệnh cao; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã được cải thiện nhưng vẫn còn cao, nhất là tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng về chiều cao; tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai tuổi vị thành niên, ly hôn, ly thân trong giới trẻ có xu hướng gia tăng. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc ít người vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, mặc dù đã sự thay đổi nhưng do ngân sách địa phương còn khó khăn nên việc hỗ trợ kinh phí chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân số trong giai đoạn hiện nay.

Để nâng cao chất lượng lĩnh DS-KHHGĐ trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền đối với công tác dân số đặc biệt là quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Tập trung các giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình trên các lĩnh vực từ quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số; với quan điểm  dân số vừa là yếu tố tác động vừa là mục tiêu của sự phát triển.

Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân số tại cơ sở. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách dân theo quy định của pháp luật. Duy trì, củng cố và tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số các cấp đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đáp ứng với sự chuyển hướng từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông, chú trọng đến nội dung, hình thức phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng nhóm đối tượng. Nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu mất cân băng giới tính khi sinh. Tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các đê án: kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho thanh niên, vị thành niên; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển.

Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan thường trực DS-KHHGĐ với các sở, ban, ngành, đoàn thể nhằm vận động các thành viên, hội viên của cơ quan, đơn vị và vận động nhân dân thực hiện chính sách dân số; khuyến khích cộng đồng đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước nhằm tạo phong trào toàn xã hội thực hiện các mục tiêu dân số và phát triển. Triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về chính sách dân số nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với công tác dân số. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ, trong đó ngân sách địa phương đóng vai trò chủ đạo; tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực của Trung ương từ chương trình mục tiêu Y tế - Dân số và huy động nguồn lực xã hội hóa để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các hoạt động DS-KHHGĐ của địa phương. Hoàng Anh Tuấn

3305 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2914
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2914
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76281246