Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 120.000 người có công với cách mạng đã được xác nhận, trong đó có 2.857 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 19.204 liệt sĩ; 12.128 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 3.089 bệnh binh, 14.364 người có công, 5.105 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, 59.675 người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến và hàng chục ngàn người là các đối tượng có công với cách mạng khác được giải quyết trợ cấp ưu đãi. Tính đến thời điểm ngày 10/6/2024, tỉnh Quảng Trị có tổng số 16.581 đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi trợ cấp hằng tháng, với tổng số tiền chi trả 35,9 tỷ đồng/tháng.
Quan tâm thực hiện các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Hiện toàn tỉnh có 22.041 người có công với cách mạng và thân nhân người có công được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, với số tiền mua thẻ Bảo hiểm y tế hàng năm 17,8 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2024, có 24.455 lượt người có công và thân nhân người có công được điều dưỡng phục hồi sức khỏe, với tổng kinh phí thực hiện 40,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan đơn vị, các nhà hảo tâm còn tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh cho hàng trăm lượt người có công và thân nhân người có công ở vùng sâu, vùng xa. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, toàn tỉnh có 8.055 hộ thuộc được hỗ trợ, trong đó xây mới 1.665 hộ, sửa chữa 6.390 hộ với tổng kinh phí gần 194.400 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và đã kết thúc vào cuối năm 2019. Theo số liệu rà soát của các địa phương, tổng số hộ gia đình cần hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, dự kiến toàn tỉnh có 3.241 hộ gia đình chính sách người có công (trong đó: hộ xây cần xây mới: 508 hộ; hộ sữa chữa nhà ở: 2.703 hộ.
Bên cạnh đó, người có công và thân nhân được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, còn được hưởng các chính sách ưu đãi khác như: cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, thiết bị phục hồi chức chức năng (đã thực hiện được 1.432 trường hợp); ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ giáo dục – đào tạo nghề cho 132 người có công; miễn, giảm tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất ở; ưu tiên giao hoặc thê đất, mặt nước; ưu tiên giao khoán bảo vệ rừng và phát triển rừng; vay vốn để sản xuất, kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật. Về cơ bản, các chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh được thực hiện bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.
Công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ chu đáo, thành kính
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã thay mặt Nhân dân cả nước chăm sóc hơn 55.000 phần mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước một cách chu đáo, thành kính trên tinh thần “Quảng Trị vì cả nước, cả nước vì Quảng Trị” tại 72 nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh. Công tác sữa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được chú trọng; hàng năm đầu tư sửa chữa, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh, của các địa phương trong và ngoài tỉnh, từ nguồn xã hội hóa với hàng chục tỷ đồng đã góp phần chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo trang nghiêm, thể hiện lòng tôn kính tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ. Công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt Liệt sĩ của Quảng Trị luôn nhận được sự phối hợp tích cực, tình nghĩa và có trách nhiệm của các đơn vị quân đội, các tầng lớp nhân dân trong nước và cả của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các bộ tộc Lào anh em, của một số tổ chức quốc tế khác.
Công tác huy động nguồn lực chăm sóc, ưu đãi người có công được thực hiện với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc
Phong trào vận động xây dựng “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác chăm lo cho người có công. Từ năm 2007, là năm đầu tiên tỉnh phát động phong trào vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã huy động mọi nguồn lực xã hội với tổng kinh phí gần 5,3 tỷ đồng và hỗ trợ xây dựng hơn 300 nhà tình nghĩa cho người có công trên địa bàn tỉnh. Đến nay (thời điểm tháng 5/2024), Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh đã huy động được 140,4 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới 2.634 nhà ở và sửa chữa 1.412 nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng, tổng kinh phí hỗ trợ 119 tỷ đồng. Chương trình nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc. Hiện nay, toàn tỉnh có 21 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang còn sống đều được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, qua đó giúp các Mẹ có cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định hơn.
Thực hiện mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Do đó, ngay từ lúc này, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, ban, ngành các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khuyến khích tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” để chăm lo đời sống cho người có công có cuộc sống tốt hơn; tập trung thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước; tăng cường các nguồn lực để thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Kịp thời nghiên cứu, xem xét các tồn đọng, bất cập trong thực tiễn khi thực hiện các chính sách liên quan đến người có công để đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đảm bảo phù hợp. Vĩnh Long