TỈNH QUẢNG TRỊ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN GẮN VỚI CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG - AN NINH, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI 

Quảng Trị là một tỉnh nằm trong dải đất miền Trung, có tiềm năng, lợi thế về biển, với 75 km chiều dài bờ biển trải dài trên 12 xã, thị trấn giáp biển và 4 xã có cửa lạch của huyện Hải Lăng đến huyện Vĩnh Linh; là đầu mối giao thông quan trọng trên tuyến đường huyết mạch của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Mianmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển Miền Trung như: Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng... Ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ cách đất liền (Mũi Lay) 13 hải lý với diện tích tự nhiên khoảng 2,3 km¬2.

Ngư trường Quảng Trị rộng gần 8.400 km2, trữ lượng hải sản khoảng 60.000 tấn/năm, là nơi tập trung nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, với hệ sinh thái đa dạng, có nhiều rạn san hô quý hiếm, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Đến nay đã xác định được ở vùng biển Quảng Trị có 173 loài/nhóm loài thuộc 106 giống nằm trong 73 họ thủy sản… Quảng Trị có hai cửa biển là Cửa Tùng và Cửa Việt, đây cũng là hai trung tâm nghề cá lớn của tỉnh, là nơi giao thương, mua bán sản phẩm khai thác từ biển. Dọc bờ biển Quảng Trị có nhiều vùng kín gió thuận lợi cho phát triển cảng, xây dựng khu sửa chữa, neo đậu tàu thuyền và có nhiều bãi tắm đẹp, danh lam thắng cảnh là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái biển... ngoài ra, có nhiều tài nguyên khoáng sản như khí tự nhiên, titan, cát trắng... tiềm năng cho cho phát triển các ngành công nghiệp về năng lượng, sản xuất thủy tinh, pha lê... Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ hệ sinh thái không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Để xây dựng Quảng Trị trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững kinh tế biển như tinh thần Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, cũng như Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU, ngày 24/4/2019 để chỉ đạo triển khai thực hiện.

Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế biển. Chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch và các chính sách về kinh tế biển theo hướng liên kết, phát triển bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển. Rà soát bổ sung quy hoạch và phát triển các đô thị ven biển. Đồng thời, đã tập trung các nguồn lực để phát triển công nghiệp ven biển, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh, trong đó xác định phát triển Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân theo hướng công nghiệp đa ngành. Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện khí, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác.  Bên cạnh đó, chú trọng kêu gọi đầu tư hệ thống cảng biển và phát triển dịch vụ vận tải biển. Đến nay, dự án cảng nước sâu Mỹ Thủy đã được Thủ tướng chấp nhận chủ trương đầu tư và được khởi công vào đầu năm 2020;  cảng Cửa Việt được chú trọng nâng cấp để khai thác lợi thế về dịch vụ cảng, vận tải biển và các dịch vụ có liên quan.

Nuôi trồng, khai thác hải sản chuyển mạnh từ phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; giảm dần đội tàu khai thác gần bờ, phát triển nhanh đội tàu khai thác xa bờ theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ của khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến thủy hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường công tác đào tạo và chuyển đổi nghề cho ngư dân, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nhu cầu vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá vươn khơi khai thác hải sản của ngư dân, đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.273 chiếc tàu cá, với tổng công suất 127.504 CV, trong đó có 366 chiếc tàu có chiều dài trên 15m (tàu khai thác vùng khơi), chiếm 16,1% trong tổng số tàu cá của tỉnh. Sản lượng hải sản khai thác bình quân hàng năm đạt gần 25 ngàn tấn.

Các khu kinh tế, các khu đô thị sinh thái ven biển đang được nghiên cứu phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng biển được nâng cao; chất lượng chăm sóc y tế, giáo dục, thông tin liên lạc, nước ngọt, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển và những người lao động trên biển được đảm bảo. Chú trọng phát triển các thiết chế văn hoá cho cộng đồng dân cư ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hoá dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, coi đây là nền tảng quan trọng để xây dựng văn hoá biển; bảo tồn không gian văn hoá, kiến trúc và di sản thiên nhiên. Nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hoá gắn bó, thân thiện với biển, phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng dân cư vùng biển.

Bên cạnh phát triển kinh tế biển, cấp ủy tỉnh Quảng Trị luôn coi trọng và quan tâm thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sự kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng - an ninh được thể hiện rõ trong công tác xây dựng, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển, phát triển các đội tàu, thuyền đánh bắt hải sản xa bờ và các hợp tác xã nghề cá; trong nghiên cứu khoa học biển, hải đảo và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên các vùng biển, hải đảo; hoặc thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật và giữ gìn an ninh, trật tự trên biển. Hàng năm, tần suất tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa, nhất vùng biển Hoàng Sa ngày một tăng với phương châm “mỗi 01 tàu là một cột mốc trên biển, mỗi người lao động trên tàu cá là một chuyến sỹ Biên phòng trên vùng biển Hoàng Sa”, là yếu tố quan trọng tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, góp phần canh giữ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các đơn vị Hải quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng tự vệ và các hải đoàn, hải đội tự vệ trên biển vững mạnh; kịp thời phát hiện, đẩy đuổi, bắt giữ và ngăn chặn những hoạt động trái pháp luật của tàu thuyền nước ngoài trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, nhất là tại các vùng biển xa. 

Bên cạnh đó, việc củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng. Đồng thời, từng bước đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng trên các khu vực trọng yếu, tuyến biển, đảo. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tham gia đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán các vùng biển Việt Nam.

Trong tình hình mới, để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế biển, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU, ngày 24/4/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó cần tập trung thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển thủy sản để khuyến khích, đẩy mạnh tàu thuyền tham gia khai thác trên các vùng biển xa, nhất là vùng biển Hoàng Sa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Chú trọng hỗ trợ bà con ngư dân đổi mới công nghệ kết hợp với đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Đồng thời, thông qua hệ thống thông tin liên lạc và thiết bị giám sát tàu cá nhằm giám sát, theo dõi chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá trên biển, giúp công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển được thuận lợi. Tổ chức khai thác hợp lý đi đôi với dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm trên biển kết hợp với tổ chức các phương án bảo vệ sản xuất và bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển, đảo và ven biển của đất nước.

 Tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá; nâng cao hiệu quả về kinh tế cũng như giảm thiểu rủi ro thiệt hại do thiên tai gây ra. Song song với hoạt động đóng mới và cải hoán tàu đánh cá để đủ sức vươn ra xa bờ, cần coi trọng đầu tư phát triển cảng cá và các cơ sở chế biến thủy sản trên biển, đảo. Hệ thống này cần có sự kết hợp chặt chẽ với các cơ sở quốc phòng ven biển và tuyến đảo Cồn Cỏ, bảo đảm vừa phục vụ cho nhu cầu phát triển dân sinh, vừa phục vụ nhu cầu quốc phòng  - an ninh khi cần thiết.

Triển khai thực hiện tốt Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật, nhất là triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp, góp phần thảo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, đồng thời phát triển ngành thủy sản đáp ứng với yêu cầu hội nhập của quốc tế để giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản được thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân, nâng cao nhận thức về vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tập trung phát triển mạnh các tổ, đội, hợp tác xã đánh bắt hải sản, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, quản lý và bảo vệ an ninh trên biển. Phát triển lực lượng kiểm ngư và đầu tư tàu kiểm ngư của tỉnh để giám sát, thực thi pháp luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời hỗ trợ các tàu cá trên biển gặp khó khăn.

Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, các ngành, địa phương ven biển xây dựng các phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, xử lý các thảm họa thiên tai, môi trường, chống cướp biển, bảo đảm an toàn sản xuất cho ngư dân trên biển.

Xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng quốc phòng - an ninh; tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển, đảo và ven biển vững mạnh; kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong thời gian tới.

                                                                                                                                                  NGUYỄN VĂN HÙNG - UVTW ĐẢNG -

                                                                                                                                                BÍ THƯ TỈNH ỦY- CHỦ TỊCH HĐND TỈNH

2264 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 955
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 955
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87012841