Tỉnh Quảng Trị nỗ lực cứu hộ và bảo tồn các loài rùa biển quý hiếm 

(Vietnam+)- Những năm gần đây, khi phát hiện rùa biển mắc lưới, ngư dân Quảng Trị đã báo cơ quan chức năng để cứu hộ và thả lại rùa về biển, thay vì mang về bán hoặc giết thịt như trước đây.

Tỉnh Quảng Trị đã và đang nỗ lực bảo tồn các loài rùa biển quý hiếm, đồng thời thường xuyên tổ chức cứu hộ, tạo môi trường biển sạch và an toàn cho rùa sinh sống.

Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ là một trong những khu bảo tồn biển có đa dạng sinh học cao, được thành lập vào tháng 10/2009. Khu bảo tồn này nằm ở cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ, có diện tích trên 4.530ha, gồm 3 phân khu gồm bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái và phát triển.

Tại đây có các loài rùa biển quý hiếm và là nơi có các điều kiện sống rất tốt cho rùa, nhất là 2 khu vực có rạn san hô, rong cỏ quanh đảo Cồn Cỏ và vùng bãi ngang từ thị trấn Cửa Tùng ngược ra phía Bắc đến xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, cách bờ khoảng 5km có rạn đá ngầm rất phù hợp với đặc tính sinh học của rùa vì có nhiều thức ăn.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn có đường bờ biển dài 75km; trong đó có 67,5km bờ biển bãi ngang cát trắng, thích hợp cho các loài rùa biển lên đẻ trứng.

Ở vùng biển Việt Nam có 5 loài rùa được chia thành 2 họ chính là họ vích (gồm vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng) và họ rùa da (chỉ có một loài rùa da).

Trong 5 loài rùa này, có 2 loài quý nhất là đồi mồi và rùa da thì chủ yếu sinh sống ở vùng biển, đảo của Quảng Trị.

Năm 2010, một con rùa da nặng 450kg vào đẻ trứng ở bờ biển thôn Một, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Ðây là con rùa có trọng lượng lớn nhất từng được phát hiện, cứu hộ ở Quảng Trị.

Năm 2014, tại vùng bờ biển thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, các tình nguyện viên bảo vệ rùa, phát hiện một con rùa da nặng hơn 300kg đẻ được 132 quả trứng.

Kể từ khi được thành lập, Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện chương trình “Bảo tồn, cứu hộ rùa biển” nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt, mua bán rùa biển; đồng thời cứu hộ kịp thời rùa, điều tra thu thập mẫu vật, phân loại các loài sinh vật, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của khu bảo tồn.

Theo IUCN, việc bảo vệ các bãi đẻ của rùa biển chính là một trong những ưu tiên của IUCN, trong quá trình thực hiện kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển tại Việt Nam, tong đó, dải bờ biển Quảng Trị chính là một trong những khu vực ưu tiên bảo tồn rùa biển và là nơi có thể phát hiện thêm loài rùa da quay về đẻ trứng.

Vùng biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh là một trong những nơi ngư dân phát hiện, cứu hộ được nhiều rùa biển nhất ở Quảng Trị. Tại vùng biển này, ngư dân thường dùng lưới để khai thác hải sản. Do đó, nhiều cá thể rùa bị mắc vào lưới.

Hơn 10 năm về trước, ngư dân phát hiện rùa biển mắc lưới thường mang về bán hoặc giết thịt, nhưng những năm trở lại đây, tình trạng này hầu như không còn xảy ra.

Khi phát hiện rùa bị mắc lưới, ngư dân đã chủ động báo cho chính quyền địa phương, tình nguyện viên bảo vệ rùa biển để cứu hộ và thả lại rùa về biển.

Ngư dân Nguyễn Đình Kiên, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đã có nhiều năm đi biển. Trong quá trình đánh bắt hải sản, năm 2019, ông Kiên bắt gặp hai con rùa biển mắc vào lưới; trong đó một con có trọng lượng lên đến 100kg, một con còn nhỏ có trọng lượng khoảng 8kg.

Theo ngư dân Nguyễn Đình Kiên, ngay sau khi phát hiện rùa mắc vào lưới, ông đã nhanh chóng báo cho cán bộ Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đến cứu hộ rùa và thả về lại biển.

Nhờ cứu hộ kịp thời mà hai cá thể rùa không bị thương khi được thả lại về biển.

Thời gian qua, ngư dân ở Quảng Trị đã cùng với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, cứu hộ và thả hàng chục con rùa về biển. Có được điều này là do ngư dân đã nhận thức được việc bảo vệ rùa biển là bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ biển và bảo vệ chính môi trường sống của con người.

Ngư dân Nguyễn Văn Lam, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, người đã từng cứu hộ và thả về biển 2 con rùa chia sẻ, ông được cán bộ, tình nguyện viên bảo vệ rùa biển thường xuyên tuyên truyền, giải thích về tầm quan trọng của việc bảo vệ rùa biển.

Thực tế cho thấy, rùa biển cần môi trường biển sạch và an toàn để sinh sống. Do đó, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ rùa biển cũng là bảo vệ môi trường sống cho người dân.

Để nâng cao nhận thức về bảo vệ rùa biển, Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã thành lập các đội tình nguyện viên bảo vệ rùa ở 12 xã, thị trấn vùng ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ, với 26 thành viên; đồng thời phối hợp với lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương, thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống cho rùa biển.

Các đơn vị còn phối hợp với trường học, tổ chức chương trình ngoại khóa cho học sinh tìm hiểu về rùa biển; tổ chức chiến dịch làm sạch bờ biển, giám sát rác thải nhựa vùng ven biển, tạo môi trường sạch cho rùa sinh sống.

Theo đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, đến tháng 6/2020, đơn vị đã phát hiện, cứu hộ và thả trên 80 con rùa biển về lại đại dương.

Rùa biển có đặc tính chỉ sinh sản ở bãi biển sạch, yên tĩnh, ít có sự tác động con người. Do đó, việc phát hiện ngày càng nhiều rùa ở vùng biển Quảng Trị thời gian gần đây là tín hiệu vui, cho thấy môi trường biển đang được cải thiện, sau sự cố môi trường biển năm 2016.

Tuy nhiên, nguy cơ rùa biển bị suy giảm vẫn luôn hiện hữu bởi các hoạt động đánh bắt, mua bán bất hợp pháp.

Ngoài ra, còn do hoạt động xây dựng các công trình ven biển, rác thải, hoạt động du lịch ở bãi biển, nuôi trồng thủy sản… làm mất bãi đẻ của rùa.

Theo ông Trần Khương Cảnh thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị cần sớm quy hoạch bãi đẻ tự nhiên cho rùa, dài từ 3-5km ở bờ biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh để hạn chế hoạt động của con người.

Ngoài ra, nếu bãi đẻ tự nhiên cho rùa được thiết lập, khi phát hiện rùa đẻ trứng rải rác ở vùng bờ biển khác, lực lượng chức năng có thể mang trứng rùa tập trung về khu vực này để tăng độ an toàn và hiệu quả bảo vệ loài rùa.

Năm 2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đã phê duyệt kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển giai đoạn 2019-2025, nhằm quản lý, bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng.

Theo đó, 100% cán bộ, nhân viên, cộng tác viên, tình nguyện viên làm việc liên quan đến bảo tồn rùa biển được tập huấn kiến thức chuyên sâu về rùa biển, kỹ năng, kỹ thuật bảo tồn, bảo vệ và cứu hộ rùa biển.

Đội tình nguyện viên quan sát, bảo tồn, bảo vệ và cứu hộ rùa biển được duy trì tại 12 xã, thị trấn ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ. Chương trình nói không với túi nylon, nhựa dùng một lần, ống hút nhựa được triển khai tại huyện đảo Cồn Cỏ.

50% cộng đồng dân cư, sinh sống tại các xã ven biển đã được tập huấn về công tác bảo tồn rùa biển.

Có 70% trường Trung học cơ sở tại các xã, thị trấn ven biển, có chương trình ngoại khóa về rùa biển; đồng thời tổ chức các chiến dịch làm sạch bờ biển để học sinh tham gia.

Có 50% thuyền trưởng, chủ tàu thuyền nghề cá, được tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn rùa biển và kỹ năng bảo vệ, bảo tồn rùa biển.

70% các xã, thị trấn ven biển triển khai chương trình giám sát chất thải nhựa đại dương; nghiên cứu, thiết lập, phục hồi, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển…

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này là hơn 4 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa./.

Nguyên Lý (TTXVN/Vietnam+)
559 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 769
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 770
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87328383