Tỉnh Quảng Trị nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị  

Thực tiễn công tác tư tưởng, lý luận và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở tỉnh Quảng Trị những năm qua có sự đóng góp rất lớn của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị (BDCT) cấp huyện.

Tỉnh Quảng Trị hiện nay có 9 Trung tâm BDCT các huyện, thị, thành phố (sau đây gọi là trung tâm BDCT cấp huyện) có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Những năm qua nhờ sự nổ lực của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở, công tác đào tạo của các trung tâm đã xây dựng được một đội ngủ cán bộ cơ sở có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cán bộ trong thời đại mới.

Có thể nói các trung tâm BDCT cấp huyện chính là những trường học chính trị gần gũi, xâu sát với cơ sở nhất, mang lại hiệu quả lớn trong việc đào tạo đội ngủ cán bộ ở cơ sở. Các chương trình đào tạo ở các trung tâm bao gồm: Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp đảng; Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới; Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo cơ sở; Bồi dưỡng nghiệp vụ Công tác Mặt trận và các đoàn thể; Bồi dưỡng các chương trình chuyên đề; Tập huấn công tác Xây dựng Đảng; Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh; Sơ cấp lý luận chính trị; Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở…vv ngoài ra hàng năm các trung tâm BDCT còn phối hợp liên kết đào tạo với Trường Chính trị Lê Duẩn để tổ chức các lớp Trung cấp lý luận chính trị tại địa phương.

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm BDCT cấp huyện, năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện giai đoạn 2012 - 2020, tiếp đó năm 2012, Ban Thường vụ ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện giai đoạn 2012 - 2020. Theo đó, hàng năm trích kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa khác để nâng cấp, cải tạo các trung tâm. Thực hiện Đề án đến nay, 04 Trung tâm đã xây dựng trụ sở mới và đưa vào sử dụng: Hướng Hóa (2012), Triệu Phong (2012), Thị xã Quảng Trị (2013), năm 2016 Trung tâm BDCT huyện Hải Lăng đã được UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng công trình với tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng, hiện đã đưa vào sử dụng.

Cùng với đó, việc lựa chọn, sắp xếp đội ngủ cán bộ, giảng viên chuyên trách của các trung tâm BDCT được các cấp ủy đảng đặc biệt quan tâm. Đội ngũ này bao gồm các đồng chí lãnh đạo của huyện cùng một số đồng chí lãnh đạo các ban, ngành trong huyện luôn có phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực và khả năng truyền đạt. Đến nay, các Trung tâm BDCT trên địa bàn tỉnh đã có đội ngũ giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức thuộc nhiều lĩnh vực đảm bảo phục vụ giảng dạy nhiều loại hình chương trình đào tạo.

Cùng với việc thực hiện tốt các chương trình theo quy định, trong những năm qua, các Trung tâm BDCT cấp huyện đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhờ đó, hoạt động của các Trung tâm ngày càng phát triển, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, các loại hình đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng. Trong giảng dạy, từng đồng chí giảng viên của Trung tâm thường xuyên đổi mới phương thức truyền đạt, lấy người học làm trung tâm. Kết cấu nội dung chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng bám sát những nội dung trong giáo trình đảm bảo ngắn gọn, thiết thực, lý luận gắn với thực tiễn. Nhờ đó, chất lượng bài giảng và ý thức học tập của học viên được nâng cao, 100% học viên các lớp đều hoàn thành chương trình học tập…

Kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, chỉ tính trong vòng hơn 5 năm từ 2011 đến 6/2017 các trung tâm BDCT cấp huyện đã đào tạo được 231 lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng với trên 18.000 học viên; 109 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới với trên 8.300 học viên; 14 lớp bồi dưỡng cấp ủy và Bí thư chi bộ với hơn 150 học viên; 5 lớp bồi dưỡng công tác tuyên giáo cơ sở với trên 400 học viên; 49 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng với trên 1.200 học viên; 52 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho đối tương 4 với trên 4.000 học viên; 12 lớp sơ cấp lý luận chính trị với trên 750 học viên; 150 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận và các đoàn thể như phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội nông dân... với trên 14.900 học viên; 43 lớp tập huấn các chương trình chuyên đề với trên 4300 học viên; 6 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở với trên 470 học viên; ngoài ra cho đến nay hàng năm, các trung tâm BDCT còn phối hợp với trương Chính trị Lê Duẩn mở được 14 lớp trung cấp lý luận chính trị tại địa phương với trên 1200 học viên... .

Bên cạnh những đạt được, tình hình, công tác đào tạo bồi dưỡng tại các trung tâm BDCT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập…

Giữ một vai trò rất lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng viên ở cơ sở, tuy nhiên trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội địa phương còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học tại các trung tâm còn ít nhiều chưa được đảm bảo. Theo khảo sát, hiện nay nếu đối chiếu với các tiêu chí tại Đề án “Phát triển Trung tâm BDCT cấp huyện giai đoạn 2012-2020”, ngày 19/12/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì các trung tâm BDCT cấp huyện đã số chưa đáp ứng được theo yêu cầu.

Trong số 9 trung tâm BDCT cấp huyện chỉ có 4 trung tâm đã được xây mới theo Đề án còn 5 trung tâm đang sử dụng trụ sở cũ, trong đó có 3 Trung tâm BDCT đã được cấp đất xây dựng trụ sở mới: Gio Linh, (4.137m2),  thành phố Đông Hà (2.600m2), Hải Lăng (4.284 m2), nhưng chưa được cấp vốn. Hiện có 6/9 Trung tâm có nhu cầu nâng cấp, cải tạo, xây mới các công trình như nhà để xe, tường rào, cổng, sân, nhà nghỉ cho giáo viên, học viên, bếp ăn, phòng đọc, phòng lưu trữ, hội trường, bàn ghế phục vụ giảng dạy, làm việc...(Đakrông, Cam Lộ, Triệu Phong, Hướng Hóa, Gio Linh, Đông Hà). Trung tâm BDCT huyện Vĩnh Linh đang sử dụng chung với Trung tâm Dân số - KHHGĐ của huyện. Hiện tại diện tích đất của Trung tâm BDCT huyện Cam Lộ chưa đáp ứng với yêu cầu của Đề án Tỉnh ủy (chỉ có 1.800m2), trong khi yêu cầu của Đề án là 3.000 m2 .

Về cơ sở vật chất kỷ thuật, hiện có 02/9 Trung tâm có máy phát điện: Cam Lộ, Vĩnh Linh; 8/9 Trung tâm chưa có máy photocopy; 9/9 Trung tâm đã có máy chiếu; Phần lớn máy in, máy vi tính, bàn ghế phục vụ giảng dạy của 7/9 Trung tâm đã cũ hoặc hư hỏng (Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hóa).

Bên cạnh đó, đội ngủ cán bộ giảng viên chuyên trách và kiêm chức tại các trung tâm BDCT còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Đến nay tổng số cán bộ, viên chức, hợp đồng của 9 trung tâm BDCT cấp huyện là 33 người, trong đó: Biên chế: 30 người; Hợp đồng: 03 người (Cam Lộ: 01; Vĩnh Linh: 01; Hướng Hóa: 01). Toàn tỉnh chỉ có 4 trung tâm có đủ 4 biên chế đúng theo Đề án hiện nay của tỉnh bao gồm 1 giám đốc, 1 phó giám đốc, 1 giảng viên chuyên trách và 1 kế toán (Đông Hà, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Hướng Hóa). Các trung tâm còn lại chỉ có từ 2-3 biên chế, có trung tâm kế toán là kiêm nhiệm từ kế toán Thị ủy (Thị xã Quảng Trị).

Cùng với những khó khăn trên thì chất lượng đội ngủ giảng viên chuyên trách tại các trung tâm BDCT còn chưa đảm bảo, chưa đáp ứng đúng theo yêu cầu của Trung ương. Theo Quyết định số 1853 – QĐ/BTGTW, ngày 4/3/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “ban hành quy chế giảng dạy và học tập của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh” thì cán bộ giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức phải có trình độ lý luận chính trị cao cấp trở lên. Song, trong tổng số 21 giảng viên chuyên trách của các trung tâm BDCT cấp huyện, chỉ có 16 đồng chí đáp ứng về trình độ cao cấp lý luận chính trị, số còn lại chưa đạt. Một số trung tâm, giảng viên kiêm chức vẫn có trình độ lý luận chính trị trung cấp, sơ cấp.

Một bất cập lớn nữa tại các trung tâm BDCT cấp huyện hiện nay là tình trạng quản lý chồng chéo thiếu thống nhất. Theo nhiều lãnh đạo trung tâm BDCT, thực trạng chung của các trung tâm BDCT hiện nay là việc được ví như “một ngôi nhà có hai nóc”. Về chức năng nhiệm vụ, trung tâm BDCT đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - một nhiệm vụ trọng yếu của Đảng. Nhưng, về mặt công nhận tư cách pháp nhân của trung tâm BDCT lại là nhà nước, trực tiếp là UBND cấp huyện. Điều này thể hiện ngay trên các băn bản, báo cáo bất kỳ: tên cơ quan chủ quản trực tiếp ghi “Huyện ủy – UBND huyện…”, cơ quan ban hành văn bản ghi: “trung tâm BDCT”, đóng con dấu có ký hiệu trực thuộc UBND. Điều đáng nói là toàn bộ nhân sự, các hoạt động đảng, đoàn thể của trung tâm BDCT đều thuộc về đầu mối huyện ủy. Tổng biên chế của trung tâm nằm trong tổng biên chế của huyện ủy.

Cơ quan chủ quản không rõ ràng, chồng chéo, dẫn đến không thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và việc thực hiện các chế độ đối với đội ngủ cán bộ giảng viên tại các trung tâm.

Ngoài ra việc thực hiện một số chương trình đào tạo bồi dưỡng vẫn còn nhiều bất cập, nội dung chương trình chậm được đổi mới, việc có sự không thống nhất giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thực hiện chương trình Sơ cấp lý luận chính trị… cũng gây nhiều khó khăn trong việc đào tạo bồi dưỡng của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Bên cạnh những khó khăn mang tính khách quan, thì tại một số nơi, thường trực cấp ủy chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc sắp xếp, bố trí đội ngủ cán bộ giảng viên chuyên trách cũng như công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của các trung tâm BDCT cấp huyện.

Để các trung tâm BDCT phát huy hơn nữa vai trò của mình trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là: Cấp ủy cấp huyện phải chú trọng hơn nữa trong việc lựa chọn, xây dựng, bố trí hợp lý đội ngủ giảng viên chuyên trách, kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức cho các trung tâm BDCT; đồng thời tích cực tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên kiêm chức được tập huấn về kỹ năng sư phạm, đảm bảo xây dựng được một đội ngủ cán bộ, giảng viên trung tâm BDCT“vừa hồng vừa chuyên”.

Hai là: Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện cần quan tâm chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cùng cấp đầu tư xây dựng bổ sung cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học, cải tạo trụ sở làm việc cho các trung tâm; song song với đó, trong khi chờ kinh phí đầu tư, các trung tâm cần bố trí, sắp xếp hợp lý cơ sở vật chất hiện tại, thực hiện việc mở lớp theo cụm xã để tiết kiệm kinh phí, thời gian đi lại cho học viên và giải quyết vấn đề thiếu phòng nội trú.

Ba là: Ban Tuyên giáo, trung tâm BDCT cấp huyện cần tăng cường công tác quản lý, đánh giá chất lượng giảng dạy, tổ chức thao giảng, dự giờ nhằm tạo điều kiện để các giảng viên giao lưu, rút kinh nghiệm, bổ sung phương pháp, kỷ năng truyền đạt kiến thức.

Bốn là: Cần thiết có một sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa trung tâm BDCT cấp huyện với các ban, phòng, ngành liên quan trong việc khảo sát đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm sát thực với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của học viên. Nội dung chương trình đào tạo bồi dưỡng cần tập trung nâng cao trình độ lý luận chính trị, phương pháp kỷ năng công tác, cập nhật bổ sung các kiến thức mới cho cán bộ công chức, nhất là cán bộ chủ chốt cơ sở.

Năm là: Các trung tâm BDCT cần tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, tập trung rèn luyện cho học viên về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống trong thực tiễn, “học đi đôi với hành”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống với phương pháp hiện đại.

Sáu là: Cán bộ, giảng viên các trung tâm BDCT cần phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động tham mưu thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ công chức trên địa bàn. Thường xuyên phối hợp xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên (kể cả giảng viên kiêm chức) có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu, có năng lực và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỷ năng nghiệp vụ sư phạm, gương mẫu và trách nhiệm cao trong công tác. Đây là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng đạo tào bồi dưỡng cán bộ, nên bản thân mỗi cán bộ giảng viên phải tự ý thức việc thường xuyên trau dồi, cập nhật bổ sung kiến thức mới, chịu khó nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, kỷ năng giảng dạy, gương mẫu rèn luyện tác phong, phương pháp công tác.

Bảy là: Các đảng bộ, chi bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị lựa chọn và cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng phải đúng đối tượng, gắn tiêu chuẩn theo quy hoạch và cơ cấu vị trí việc làm của từng chức danh. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác, chủ động của học viên  tiếp thu kiến thức trong quá trình tham gia đào tạo bồi dưỡng. Tăng cường công tác quản lý lớp học, đánh giá nhận xét chất lượng sau đào tạo bồi dưỡng để kịp thời điều chỉnh, bổ sung chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp

Phát huy kết quả và truyền thống 20 năm qua, tin tưởng rằng đội ngủ cán bộ, giảng viên của các trung tâm BDCT cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên để khẳng định chức năng, vai trò trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh nhà, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Châu Minh
 

1630 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 869
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 869
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87014369