Tình nguyện sáng tạo vì cộng đồng 

(ĐCSVN) - Với chủ đề: “Thanh niên tình nguyện sáng tạo vì cộng đồng”, rất nhiều công trình, phần việc trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2018 đã khắc họa rõ nét dấu ấn sáng tạo, hàm lượng trí tuệ của lực lượng thanh niên tình nguyện.

 

Mùa hè năm nay, những đồi chè ở hai xã Minh Tiến và Phú Cường (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) xuất hiện những màu áo thanh niên với cách trồng chè mới. Mô hình kinh tế tập thể sản xuất chè khô được Tỉnh đoàn Thái Nguyên làm điểm tại hai xã với mục tiêu thay đổi phương thức sản xuất khác với truyền thống để sản xuất chè sạch.

Nắm bắt được tâm lý e ngại của người tiêu dùng khi thưởng thức chè không rõ nguồn gốc, tồn dư thuốc trừ sâu, phân bón độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe; mặt khác, qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, thói quen sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học của các hộ dân thiếu khoa học khiến đất không còn màu mỡ, gây ô nhiễm môi trường, Tỉnh đoàn Thái Nguyên đã quyết định triển khai mô hình này.


Tỉnh đoàn Thái Nguyên khánh thành công trình thanh niên Tưới tự động cho mô hình chè sạch 
 Ảnh: Tỉnh đoàn Thái Nguyên cung cấp.

Phó ban Thanh niên công nhân, nông thôn và đô thị (Tỉnh đoàn Thái Nguyên) Lê Minh Hiếu cho biết, muốn trồng và sản xuất chè sạch phải bắt nguồn từ đất sạch, vì vậy, triển khai mô hình, Tỉnh đoàn đã mời các nhà khoa học tham gia tư vấn, hướng dẫn bà con cải tạo toàn bộ 2,5 ha đất bằng kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học mục đích là làm sạch và tăng độ phì nhiêu cho đất, an toàn cho chính người sản xuất, chất lượng chè khi thu hoạch cũng đảm bảo. Ngoài ra, hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước cũng được kêu gọi nguồn xã hội hóa.

Để mô hình triển khai hiệu quả, Tỉnh đoàn Thái Nguyên đã thực hiện vai trò là cầu nối giữa nhà khoa học với nông dân dựa trên điều kiện, thổ nhưỡng khí hậu của địa phương để tư vấn kỹ thuật, tập huấn cho người trồng chè từ bỏ thói quen sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học thay thế các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ an toàn cho chính người sản xuất và lá chè khi thu hoạch.

Dù mới là thí điểm nhưng khi áp dụng trên thực tế, diện tích trồng chè thí điểm phát triển vượt trội so với khu vực canh tác truyền thống. Theo ước tính của nông dân và đánh giá của các nhà khoa học, năng suất sẽ tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đây.

Như vậy, không chỉ tạo ra sự khác biệt nổi trội cả về số lượng và chất lượng chè, mô hình mang dấu ấn của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè đã giúp người trồng chè nhận thức được giá trị của ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất để cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, không chỉ giúp họ tăng năng suất, thêm thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống.

Không chỉ ở Thái Nguyên, năm học 2018 – 2019 này, giáo viên và học sinh Trường mầm non thôn Bản Kim (xã Thanh Kim, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) không còn lo cảnh vừa dạy, học vừa phải đối phó với những cơn mưa bởi mái nhà dột nữa. Các phòng học đã được lợp lại bằng mái tôn mới từ bàn tay, công sức của tình nguyện viên Chi đoàn lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại TP Irkutsk, Liên bang Nga.

Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, Bí thư Huyện đoàn Sa Pa Đặng Văn Thắng cho biết, thực hiện chủ đề Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm nay, Huyện đoàn đã quyết tâm đổi mới cách lựa chọn công trình, phần việc thanh niên tình nguyện. Theo đó, Đoàn Thanh niên các xã chủ động khảo sát thực tế, nhu cầu từ thanh niên, người dân địa phương để có phương án hỗ trợ. Sau khi thẩm định, Huyện đoàn sẽ giới thiệu chi tiết các công trình, phần việc để đưa lên mạng xã hội tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ. Trong số nhiều dự án đưa lên, đại diện Chi đoàn lưu học sinh Việt Nam tại TP Irkutsk (Nga) đã lựa chọn xã Quang Kim để triển khai các hoạt động tình nguyện trong tháng 8 vừa qua. Bằng nguồn kinh phí trên 30 triệu đồng tự kêu gọi tài trợ, nhóm du học sinh đã thay mới toàn bộ mái tôn cho các phòng học và xây dựng tặng người dân ở các thôn 3 lò đốt rác thải.


Biến điểm tập kết rác thải thành vườn hoa là công trình thanh niên được Thành đoàn Hà Nội
triển khai một cách sáng tạo nhận được sự ủng hộ của chính quyền và người dân Thủ đô - Ảnh: Minh Châu.

Công trình thanh niên tình nguyện ở huyện Đại Từ hay Sa Pa là một trong số rất nhiều những công trình khắc họa rõ nét dấu ấn sáng tạo, hàm lượng trí tuệ của lực lượng thanh niên tình nguyện.

Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các hoạt động tình nguyện đã phát huy thế mạnh chuyên môn của sinh viên, trí thức trẻ, cán bộ công chức trẻ, gắn với phát huy chuyên môn của từng đối tượng để có những công trình, sản phẩm hay đợt hoạt động tình nguyện tương đối bao phủ trên một địa bàn, từ đó nâng cao giá trị của các công trình, phần việc thanh niên.

Cụ thể, người có thế mạnh về nông nghiệp đã biết kết hợp với y dược, kinh tế…để giải quyết một vấn đề của địa phương. Các đội hình tình nguyện chú trọng phát hiện nhu cầu tình nguyện ở từng địa bàn, địa phương gắn với nhu cầu giúp đỡ của người dân và thống nhất với cấp ủy, chính quyền địa phương để sát việc. Cũng chính từ nhu cầu thực tiễn đặt ra, các đội hình tình nguyện để có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo.

Năm nay, tính sáng tạo trong hoạt động tình nguyện cũng được phát huy bởi lực lượng du học sinh. Có nhóm du học sinh lựa chọn vùng sâu, vùng xa gắn với câu chuyện dạy tiếng Anh, làm sân chơi cho trẻ em; có nhóm tổ chức hoạt động chăm sóc người già, nhóm làm cầu nối đưa các dự án của các tổ chức phi chính phủ đến với cộng đồng, thực hiện các công trình nước sạch, phát triển du lịch cộng đồng ở Mai Châu (Hoà Bình); Mộc Châu (Sơn La) hay miền Tây Nam bộ rất hiệu quả./.

Minh Châu

423 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 981
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 981
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87192357