Tình hình thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ năm 2018 – 2019 

Thực hiện chủ trương của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, trong thời gian qua, Thường trực các huyện, thị, thành ủy đã ban hành công văn chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiếp nhận, bảo quản, sử dụng sách; đồng thời, thông qua các cuộc trực báo hàng tháng, hàng quý, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi kiểm tra việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng sách và các tài liệu ở cơ sở. UBND các xã, phường, thị trấn đã quan tâm đầu tư trang thiết bị để bảo quản sách, bố trí cán bộ phụ trách tủ sách và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ và Nhân dân sử dụng sách. Đã gắn việc tiếp nhận sử dụng sách theo Đề án của Trung ương với tủ sách pháp luật đã trang bị cho các xã, phường, thị trấn.

Hiện nay, đa số các tủ sách đều do công chức văn phòng hoặc Tư pháp quản lý, được bố trí tại các vị trí thuận lợi như tại phòng tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, phòng tiếp dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân có thể tìm hiểu trong thời gian chờ đợi làm thủ tục hành chính. Nhiều xã, phường, thị trấn đã lập hồ sơ, xây dựng danh mục, phân loại các đầu sách được trang bị để thuận tiện cho người dân tra cứu, tìm đọc.

Việc quản lý, sử dụng và khai thác các ấn phẩm tại cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo đúng Quyết định số 1067/QĐ –TTg, ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt dự án xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã phường, thị trấn”. Đến nay, 125 tủ sách của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hàng năm đều được bổ sung thêm các đầu sách, số lượng sách đều được tăng lên. Đã xây dựng quy chế bảo quản, sử dụng sách được cấp phát, có phân công người phụ trách, khi bổ sung thêm sách, cán bộ phụ trách tủ sách có sổ theo dõi. Việc khai thác sử dụng được cán bộ quản lý ghi chép rõ ràng về thời gian, số sách mượn, tên sách, thời gian hoàn trả, trách nhiệm bồi thường khi làm hư hỏng hoặc mất sách, (bình quân mỗi tháng tại một địa phương cơ sở có từ 30 - 50 lượt cán bộ và Nhân dân đến đọc). Có nhiều địa phương đã tổ chức việc luân chuyển sách xuống các tổ dân phố, khu phố, tổ tự quản để phục vụ nhu cầu đọc sách của nhân dân. Hàng năm, kinh phí đầu tư cho tủ sách pháp luật chủ yếu từ nguồn ngân sách xã, phường, thị trấn (phụ thuộc từng địa phương).

Phần lớn các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá tốt Đề án. Mặc dù không có cán bộ chuyên trách, không có nguồn kinh phí cho hoạt động quản lý nguồn sách được trang bị nhưng sau khi tiếp nhận, các đơn vị xã, phường, thị trấn đã có nhiều cố gắng quản lý, sử dụng tốt số sách được cấp phát.

Chủ trương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn” là một chủ trương đúng đắn và thiết thực của Ban Bí thư, đã và đang có tác động rất tích cực trong việc góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã, nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, có ý nghĩa thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Lê Trang

1531 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 847
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 847
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87169803