Tình hình thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư 

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư “Về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; 10 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Công tác an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quan tâm. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc pháp luật về ATVSLĐ như: xây dựng kế hoạch thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, giám sát thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Doanh nghiệp chủ động đánh giá rủi ro, có biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc; đảm bảo môi trường và cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Công tác quan trắc môi trường lao động đã có những biện pháp mới nhằm cải thiện môi trường lao động theo luật định. Hầu hết người sử dụng lao động đều thực hiện chi trả chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động như thanh toán chi phí y tế, chi trả tiền lương trong thời gian nghỉ việc để điều trị, thực hiện các thủ tục đưa người lao động giám định mức suy giảm khả năng lao động và đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ cho người lao động.

Công tác giải quyết các chế độ tai nạn lao động được đảm bảo. Từ năm 2013-2023, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giải quyết chế độ tai nạn lao động cho 1009 lao động, trong đó: Trợ cấp một lần (có tỷ lệ mất sức lao động từ 5% đến 30%) là 699 lao động; Trợ cấp hàng tháng (có tỷ lệ mất sức lao động từ 31% trở lên): 330 lao động; giải quyết chính sách đối với người bị tai nạn lao động chết: 53 lao động. Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động chết người của tỉnh chủ yếu là do tai nạn giao thông được xem là tai nạn lao động và một số vụ tai nạn xảy ra ở lĩnh vực xây dựng, khai thác đá, vận hành máy công nghiệp, cơ khí...

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thông qua các hình thức như: tuyên truyền trực tiếp, xây dựng pa nô, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nhằm ngăn chặn các vụ tai nạn lao động. Tổ chức các chương trình đào tạo, huấn luyện kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đảm bảo vệ sinh lao động phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất trong từng lĩnh vực. Trung bình mỗi năm có 2.000 lượt người được huấn luyện ATVSLĐ.

Từ năm 2013 - 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn (đã tổ chức 153 cuộc thanh tra, kiểm tra); công tác quản lý đối với máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ được chú trọng hơn.

Đổi mới cơ chế, chính sách trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động theo hướng ưu tiên cho các hoạt động phòng ngừa, quản lý rủi ro, làm rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đầu tư cho công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người lao động, thường xuyên khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Huy động nguồn lực xã hội tham gia vào việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động. Mở rộng các hình thức bảo hiểm, bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp linh hoạt theo ngành, lĩnh vực. Có cơ chế đầu tư cho các hoạt động cảnh báo, phòng ngừa, quản lý rủi ro, phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt các quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Từng bước phát triển các dịch vụ huấn luyện, kiểm định, tư vấn kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động nhằm nâng cao quyền và lợi ích của người lao động.

Nhìn chung, qua 10 năm qua thực hiện, các hoạt động của công tác ATVSLĐ đã góp phần tạo ra những chuyển biến thực sự trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc ở nơi sản xuất. Điều quan trọng hơn cả là nhận thức về tầm quan trọng của ATVSLĐ trong toàn xã hội đã từng bước được thay đổi. Có thể thấy, lao động có chất lượng, năng suất lao động cao, con người được chăm sóc về sức khỏe và được đảm bảo an toàn về tính mạng đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong sự phát triển hài hòa, tiến bộ và bền vững của xã hội cũng như của mỗi doanh nghiệp. Công tác ATVSLĐ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang được quan tâm triển khai, tác động tích cực đến nhận thức của hàng ngàn nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động vẫn còn một số hạn chế như:

- Một số chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ cũng như chưa thấy hết được tác hại và hậu quả nghiêm trọng xảy ra nếu như người lao động làm việc trong môi trường lao động mất an toàn, bị tai nạn lao động; chưa gắn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động; đầu tư chưa đúng mức kinh phí để thực hiện công tác ATVSLĐ tại đơn vị, doanh nghiệp mình.

- Một bộ phận người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu hiểu biết về pháp luật ATVSLĐ dẫn đến chưa nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong công tác ATVSLĐ được pháp luật thừa nhận; chưa tự bảo vệ mình, chưa mạnh dạn bày tỏ chính kiến, đặt ra các yêu cầu đối với người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ cho chính mình.

- Công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu thanh tra, kiểm tra so với yêu cầu thực tế số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, Quảng Trị phấn đấu mỗi năm có thêm 450 - 500 doanh nghiệp thành lập mới, để đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 4.000 - 4.500 doanh nghiệp hoạt động; dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển; toàn tỉnh phấn đấu hằng năm giảm 3,5% tần suất tai nạn lao động chết người, tăng thêm 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động; 90% trở lên số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp huyện và trong các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụm công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về ATVSLĐ; trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; trên 80% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về ATVSLĐ; trên 70% số làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ; trên 90% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, việc hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong xuất khẩu. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm túc các nội dung Chỉ thị số 29-CT/TW, nhất là 6 nhiệm vụ đã xác định; Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động về công tác ATVSLĐ; trong đó, tập trung vào các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATVSLĐ, triển khai Luật an toàn, vệ sinh lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân tham gia và đóng góp nguồn lực và triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động.

Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thí điểm và áp dụng hệ thống quản lý an toàn- vệ sinh lao động tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn lao động.

Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và công bố hoặc sử dụng tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động.

Khuyến khích phát triển và xã hội hóa các hoạt động dịch vụ tư vấn, kiểm định, đào tạo, huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình an toàn vệ sinh lao động.

Đẩy mạnh lồng ghép các hoạt động của chương trình an toàn, vệ sinh lao động với các chương trình giải quyết việc làm, dạy nghề, giảm nghèo; chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và các chương trình khác có liên quan./. Lê Trang

624 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 653
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 654
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87330316