Đầu tư nước ngoài đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ, chiếm 42% tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp theo là vùng đồng bằng Sông Hồng, chiếm 28%, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chiếm 18%, vùng đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 6%, trung du miền núi phía Bắc là 5% và Tây Nguyên khoảng 1%.
Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Châu Á chiếm 71% vốn đăng ký; Châu Âu và Bắc Mỹ chiếm 16%. Đầu tư nước ngoài từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hiện chiếm khoảng 42%, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 2/3 tổng số vốn của khối OECD.
Phải khẳng định rằng, khu vực đầu tư nước ngoài là một động lực quan trọng cho tăng trưởng với tốc độ tăng cao nhất trong nền kinh tế. Năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp 2,5% trong mức tăng trưởng GDP 6,8% của toàn nền kinh tế. Tỷ trọng trong GDP tăng dần từ 2,1% năm 1989 lên 21,8% năm 2017 và khoảng 20% năm 2018.
Đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng vào việc phát triển thị trường quốc tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế. Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tăng nhanh, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ mức 26,3% giai đoạn 1989 – 1996 lên 71,7% giai đoạn 2016 – 2018, năm 2018 chiếm 71,3% (đạt gần 174 tỷ USD), góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, gấp 04 lần so với năm 1998.
Khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Năm 2018, khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp gần 298 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2017, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thu hút khoảng 4,51 triệu lao động trực tiếp và 5 - 6 triệu lao động gián tiếp.
Giá trị thặng dư thương mại ngày càng cao của khu vực đầu tư nước ngoài là nguồn bù đắp thâm hụt thương mại trong nước, dần tạo cân bằng và thặng dư thương mại cho nên kinh tế. Năm 2018, khu vực đầu tư nước ngoài thặng dư 32 tỷ USD (kể cả dầu thô), bù đắp 25,2 tỷ USD thâm hụt của khu vực trong nước, giúp cán cân thương mại thặng dư 6,8 tỷ USD.
Đầu tư nước ngoài góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực mới như viễn thông, khai thác, chế biến dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin... và một số ngành dịch vụ chất lượng cao như ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, tư vấn luật, vận tải biển, logistic, giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao...
Đầu tư nước ngoài góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hình thành hoàn thiện hệ thống luật pháp ngày càng minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Tuy nhiên, những mặt trái trong thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, trật tự xã hội và quốc phòng - an ninh:
Hiện tượng chuyển giá gia tăng về số lượng và mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp. Tốc độ tăng quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ cao hơn tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài báo lỗ nhưng vẫn mở rộng kinh doanh, “lỗ giả, lãi thật” ngày càng gia tăng. Trong năm 2017, trong tổng số 16.718 doanh nghiệp báo cáo, có 2.673 doanh nghiệp lỗ mất vốn; trong 2.673 doanh nghiệp lỗ mất vốn có đến 1.590 doanh nghiệp (chiếm 60%) vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hiện tượng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng’ phổ biến ở nhiều địa phương. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật đầu tư thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dưới hình thức bên nước ngoài 49% vốn điều lệ trở xuống; hoặc thông qua các cá nhân, tổ chức Việt Nam đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan đến quốc phòng - an ninh có thời hạn sử dụng đất lâu dài, để lách Luật Đầu tư và Luật Đất đai, sau đó mua lại phần vốn góp của phía Việt Nam; hoặc thông qua việc nhà đầu tư nước ngoài là người cư trú tại Việt Nam cho cá nhân người Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp, mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, gây sự cố và hậu quả nghiêm trọng; sử dụng lao động nước ngoài trái phép, ảnh hưởng an ninh trật tự; sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai quốc phòng - an ninh.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động Việt Nam, tuyển dụng lao động không đúng quy định của pháp luật. Hiện tượng chấm dứt hợp đồng với lao động ngoài tuổi 35 vẫn xảy ra ở một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tình trạng chủ doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, chiếm dụng bảo hiểm xã hội hoặc bỏ trốn còn nhiều và diễn biến khá phức tạp.
Xu hướng gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp các vụ khiếu kiện, tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan quản lý nhà nước và với Chính phủ. Đây là thực tế khi phân cấp cho các địa phương cấp giấy phép đầu tư nhưng do hạn chế về năng lực, kiến thức pháp luật quốc tế, sơ hở trong quản lý gây tranh chấp quốc tế. Thanh Lan