Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Nguồn: phunuvietnam.vn)
Cụ thể, tính đến 6h00 ngày 11/8, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 35.377 phương tiện/123.437 lao động diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển phòng, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình: 9.841 tàu/37.665 lao động; neo đậu tại bến: 25.536 tàu/85.772 lao động.
Về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, cũng theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hồi 13 giờ ngày 12/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 13 giờ ngày 13/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km.
Đến 13 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới: cấp 3.
Về tình hình thủy văn, lúc 07h00 ngày 12/8, mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 6,40m, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại là 2,48m. Dự báo: mực nước trên sông Hồng tiếp tục lên, sau đó biến đổi chậm đến 7h ngày 13/8 mực nước tại Hà Nội có khả năng ở mức 6,60m; hạ lưu các sông trên hệ thống sông Thái Bình tiếp tục biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thủy triều, đến 19h ngày 12/8, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng ở mức 2,65m.
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Lúc 7h00 ngày 12/8, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,45m (dưới báo động 1 là 0,05m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,83m (dưới báo động 1 là 0,17m). Dự báo: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 15/8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 3,85m (dưới báo động 2 là 0,15m); tại Châu Đốc lên mức 3,25m (trên báo động 1 là 0,25m), các trạm cuối nguồn sông Cửu Long lên mức báo động 1, báo động 2.
Về tình hình hồ chứa, hiện nay mực nước thượng lưu ở các hồ Sơn La, Hòa Bình và Tuyên Quang đang cao hơn so với mực nước cho phép. Lúc 7h00 ngày 12/8, mực nước thượng lưu các hồ như sau: Sơn La: 205,50m, Hòa Bình: 105,92m, Tuyên Quang: 106,97m. Theo dự báo trong 5 ngày tới, dòng chảy đến các hồ chứa có khả năng tăng, từ ngày 14- 15/8, trên thượng lưu sông Hồng có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 - 5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông có khả năng đạt mức báo động 2 đến báo động 3, lưu lượng trung bình đến hồ Sơn La là 4.220m3/s, hồ Hòa Bình là 5.920m3/s, lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La là 5.500m3/s, hồ Hòa Bình là 10.000m3/s.
Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện theo Công điện số 34/CĐ-TW ngày 10/8/2018 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động các biện pháp phòng tránh. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố đầu nguồn sông Cửu Long triển khai ứng phó với lũ.
Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại khu vực du lịch ven biển, trên các đảo, trên các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.
Đặng Hiếu