Tình hình thế giới, khu vực và hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua 

Diễn biến chuyển động của tình hình thế giới trong thời gian qua có thể khái quát với những đăc trưng nổi bật là: Thế giới đang đứng trước thời điểm bước ngoặt, dịch chuyển nhanh hơn sang cục diện mới theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc; về tổng thể là hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh; tổng thể là ổn định nhưng cục bộ có xung đột; các nước lớn và nhỏ đều phải điều chỉnh chính sách nhằm nâng cao tự chủ chiến lược để thích ứng với tính chất khó lường ngày càng gia tăng của cục diện thế giới.

Điều này rất đúng với đánh giá về tình hình thế giới mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhận định “thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”. Đây là giai đoạn chuyển đổi từ cục diện “nhất siêu đa cường” trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh sang cục diện mới “đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc” đang định hình. Cục diện này sẽ còn tác động đến mọi mặt đời sống quốc tế trong những năm tới. Cục diện thế giới hiện nay được định hình bởi 05 nhân tố chính, đó là:

- Thay đổi nhanh chóng trong tương quan so sánh lực lượng, đặc biệt là sự thu hẹp về khoảng cách sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc và sự nổi lên của các trung tâm quyền lực khác, đặc biệt là một số nước tầm trung.

- Cách mạng công nghiệp 4.0 (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, lượng tử) và các xu thế phát triển mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển dịch chuỗi cung ứng) được thúc đẩy mạnh mẽ, mở ra tiềm năng, không gian phát triển mới và là nhân tố mới quyết định sức mạnh tổng hợp quốc gia;

- Sự nổi lên của các chủ thể “phi nhà nước” và xu hướng “tán quyền”.  Các lực lượng này ngày càng có nhiều ảnh hưởng đến sự vận động của chính trị, an ninh, kinh tế toàn cầu. Trong đó nổi lên vai trò của các lực lượng chính trị và vũ trang “bán chính thức” và các tổ chức, tập đoàn, nhất là các tập đoàn công nghệ và tài chính (Nhiều tập đoàn như Microsoft, Apple có vốn hóa đến 3.000 tỷ USD, lớn hơn nhiều nền kinh tế, đặc biệt các BigTech đang ngày càng can thiệp, chi phối sâu hơn vào đời sống xã hội với các công nghệ mới. Các chủ thể phi nhà nước và lực lượng bán chính thức như Houthi, Hezbulah, ISIS… có thể gây bất ổn chính trị, kinh tế toàn cầu).

- Yêu cầu của việc cải tổ, đổi mới các khuôn khổ, cơ chế, quy định truyền thống trong quản trị toàn cầu, đồng thời việc xây dựng các khuôn khổ, “luật chơi” trên các lĩnh vực mới.

- Sự biến đổi sâu sắc nhiều mặt trong đời sống xã hội, trong đó nổi lên là cơ cấu dân số, lao động…đang làm thay đổi cơ bản phân công lao động quốc tế (già hóa dân số, thay đổi về nhân khẩu học, kinh tế “tóc bạc” (Nền “kinh tế tóc bạc” là tổng hòa của một loạt các hoạt động kinh tế như cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho người cao tuổi và chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số), ứng dụng trí tuệ nhân tạo thay thế lao động truyền thống, tầng lớp trung lưu toàn cầu gia tăng...

Từ những nhân tố tác động lớn nêu trên, tình hình thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thể hiện 05 đặc điểm chính:

Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược nước lớn bước vào giai đoạn gay gắt, toàn diện nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, song các nước lớn vẫn duy trì đối thoại, tránh đối đầu, xung đột

Thứ hai, các điểm nóng gia tăng, thậm chí xung đột bùng phát ở một số khu vực, tính chất bất ổn, bất trắc trong môi trường quốc tế ở mức cao nhất từ sau Chiến tranh Lạnh.

Thứ ba, các thách thức an ninh phi truyền thống (như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh mạng…) ngày càng gia tăng

Thứ tư, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn đoạn trước, tăng trưởng kinh tế có khả năng chậm hơn, tiềm ẩn nhiểu rủi ro hơn.

Thứ năm, Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiếp tục là trung tâm phát triển năng động hàng đầu trên thế giới, song cũng địa bàn cạnh tranh, tập hợp lực lương giữa các nước lớn và tiềm ẩn nhiều tranh chấp, bất ổn rất dễ bùng phát.

Trước tình hình phức tạp của tình hình thế giới và khu vực trong thời gian qua, trên cơ sở theo sát diễn biến tình hình, phân tích một cách khoa học, khách quan, Đảng, Nhà nước ta đã chủ động, tích cực cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII bằng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận để đáp ứng yêu cầu đạt được những mục tiêu của công tác đối ngoại và thích ứng với tình hình mới, nổi bật nhất là nước ta đã tự chủ về chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là xu hướng lựa chọn của các nước hiện nay.

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt hiện nay, việc Việt Nam hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại, tự chủ chiến lược qua đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, cân bằng quan hệ với các nước lớn giúp đất nước giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại, vừa khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, tin cậy và có trách nhiệm, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vững vàng, nhất định chúng ta sẽ bảo đảm tự chủ chiến lược (với phương châm là kiên định)  trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước những biến động của thời cuộc, đưa nước ta thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.  

Đường lối đối ngoại của Việt Nam đã được nêu rất rõ trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII, Nghị quyết 34-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như trong phát biểu kết luận quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 và Hội nghị Ngoại giao 32 năm 2023, được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết, Chỉ  thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại.

Trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, phương châm đối ngoại, trong thời gian qua, Đảng và Nhà ta đã triển khai công tác đối ngoại với những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đó là “an ninh, phát triển và ảnh hưởng”,tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trong thời gian qua, Đảng ta triển khai các chủ trương lớn về đối ngoại và đạt những kết quả quan trọng, đó là: Đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, trong đó, về định hướng triển khai: “Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng”“Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy”, “xử lý linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn”. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta cũng chú trọng nâng tầm đối ngoại đa phương. Cụ thể là:

 - Về chính trị: “Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể”;

- Về quốc phòng, an ninh:“Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc”;

- Về kinh tế, khẳng định:“Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết”.

Đảng và Nhà ta, tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ đối ngoại trong bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo.Trong đó nhấn mạnh chủ trương “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước. Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc và Luật biển năm 1982. Củng cố đường biên giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng”. Đồng thời chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại; đề cao vai trò của ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đều đánh giá kết quả của công tác đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay là “những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, là điểm sáng nổi bật”1. Đối ngoại đã góp phần tạo dựng cục diện đối ngoại thành công ấn tượng, góp phần quan trọng vào việc đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.

Đáng chú ý, dư luận quốc tế cũng đánh giá rất cao chính sách và việc triển khai đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là chính sách đối ngoại năng động, cân bằng, linh hoạt và khôn khéo của Việt Nam giúp Việt Nam duy trì tốt quan hệ với tất cả các nước lớn trong bối cảnh các nước này cạnh tranh gay gắt. Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta đã thiết lập được quan hệ ngoại giao với 193 nước, khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, bao gồm toàn bộ các nước Ủy viên thường trực HĐBA/LHQ, toàn bộ các nước G7, 17/20 nước G20, toàn bộ các nước ASEAN. Mạng lưới đối tác chiến lược/ đối tác toàn diện (ĐTCL/ĐTTD) chiếm 59% dân số; 61% GDP, 68% thương mại toàn cầu, đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và phát triển của ta. Các đối tác này chiếm 8/10 thị trường xuất khẩu chính, với 60,7% tổng giá trị xuất khẩu; 9/10 thị trường nhập khẩu chính với 74,7% tổng giá trị nhập khẩu; 76,7% tổng lượng du khách; đóng góp 74% FDI tại Việt Nam.

- Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của ta phù hợp với luật pháp quốc tế

+ Về biên giới đất liền, việc quản lý tốt đường biên giới chung, bao gồm công tác phân giới, cắm mốc, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa ta với các nước láng giềng gồm Lào, Campuchia và Trung Quốc.

+ Về biên giới trên biển, các lực lượng liên quan đã phối hợp theo dõi sát tình hình, đặc biệt trước các diễn biến phức tạp ở Biển Đông, và triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

- Phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, coi đây là một định hướng chiến lược quan trọng

Đặt trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực biến động nhanh chóng cùng nhu cầu tăng cường vai trò của Việt Nam trong ứng phó với các thách thức chung để bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, chúng ta đã chuyển từ chủ trương tham dự, sang phát huy vai trò “thành viên có trách nhiệm” trên các diễn đàn khu vực và toàn cầu, hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế lớn, góp phần tạo lập nhiều dấu ấn riêng của Việt Nam trong các sân chơi toàn cầu. Trong thời gian qua, công tác đối ngoại góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ 2020 - 2021. Đặc biệt vừa qua, ta đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021 - 2025, đang thực hiện vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế với số phiếu cao, thể hiện uy tín ngày càng cao của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia sâu hơn vào các cơ chế hoạch định chính sách khác của Liên hợp quốc. Đồng thời các hoạt động được mở rộng ra nhiều lĩnh vực về an ninh, quốc phòng. Từ năm 2014, ta bắt đầu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hiện ta đã triển khai 520 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại nhiều quốc gia như Trung Phi, Nam Xu-đăng.... Từ tháng 10/2022, Tổ công tác sỹ quan công an của ta cũng tham gia gìn giữ hòa bình LHQ. Từ 2023, ta bắt đầu tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, chúng ta không chỉ giữ vững độc lập chủ quyền của Tổ quốc mà còn đang chủ động, tích cực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.

- Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước

 Việc tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam (khoảng gấp đôi mức trung bình của thế giới và cao hơn mức trung bình của ASEAN), kể cả khi các nền kinh tế lớn vẫn gặp khó khăn. Tuy tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhưng về tổng thể kinh tế Việt Nam tiếp tục được coi là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.  Ngoại giao phục vụ phát triển có bước chuyển biến mạnh mẽ với tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nhạy bén hơn, tranh thủ được cơ hội, nhờ đó thu hút được nhiều nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, tiêu biểu là sự thành công của chiến lược ngoại giao vắc-xin, ngoại giao y tế vừa qua.

 - Đồng thời, công tác đại đoàn kết, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương đạt những bước đột phá quan trọng. Ta đã thúc đẩy các hoạt động gắn kết kiều bào với quê hương, đồng thời tiếp tục vận động những cá nhân còn định kiến, tạo chuyển biến tích cực về thái độ và nhận thức đồng thuận. Cộng đồng gần 6 triệu kiều bào ta tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ ngày càng tin tưởng và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhiều kiều bào có bài viết và phát ngôn tích cực về đất nước.

- Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

 Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp giữa các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân ngày càng chặt chẽ, kiện toàn và triển khai hiệu quả cơ chế phối hợp quốc phòng - an ninh - đối ngoại, góp phần nâng cao hiệu quả và sức mạnh tổng thể trên mặt trận đối ngoại. Triển khai Quy chế 272 về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại, sự phối hợp, trao đổi giữa các cơ quan, bộ, ngành liên quan ngày càng chặt chẽ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đặc biệt trong chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, tham mưu chung, xây dựng đồng thuận nội bộ, xử lý các vấn đề vướng mắc, phức tạp nảy sinh. Công tác đối ngoại Đảng tiếp tục được đổi mới theo tinh thần Chỉ thị 32 ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới”; thúc đẩy quan hệ của ta với chính đảng các nước ngày càng thực chất hơn, phù hợp với tình hình mới./. Phan Văn Lãn (tổng hợp từ nguồn tài liệu TTM của Bộ Ngoại giao)

-----------------

1.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại giao 32 tháng 12/2023 là “nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng nổi bật trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV là “Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới để phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế”.

 

158 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 564
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 564
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88176161