|
Chính phủ họp phiên thường ký vào ngày 2/6. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/6, khái quát tình hình tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các chỉ tiêu tốt hơn hẳn tháng 4.
Xác định việc sớm kiềm chế được dịch bệnh là cơ hội rất quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế.
Trong tháng 5, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp và làm việc với các tỉnh, thành phố để cùng với các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một điều đáng mừng là nhiều tỉnh, thành phố đều có quyết tâm rất cao trong phát triển, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020.
Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như Nghị quyết số 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 68 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đánh giá tình hình tháng 5 đã “khởi sắc trở lại” trong bối cảnh nhiều nước tuy còn dịch bệnh nhưng đã bước đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tuy còn ở mức thấp, đặc biệt là sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng cao hơn nhiều so với tháng 4, tới 11,2%. Bên cạnh các ngành bị tác động mạnh như ô tô, điện tử, dệt may, da giày thì cũng có những ngành tăng khá như thực phẩm tăng 3,3%, hóa chất tăng 9,1%. Như vậy, theo Bộ trưởng, vẫn có những lĩnh vực có thể tập trung đầu tư và khôi phục sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng cải thiện hơn. Mặc dù tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 1,7%, nhưng riêng tháng 5 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với đà giảm rất sâu của tháng 4.
Các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, trong tháng 5, hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh trở lại, do cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng khá.
Cùng với đó, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản đã trở về trạng thái bình thường. Hầu hết các dự án, công trình được triển khai đúng tiến độ, một số dự án quan trọng đã được chỉ đạo quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ (vốn đầu tư thực hiện 5 tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 15,6% so với cùng kỳ; đạt 24,9% kế hoạch năm).
Từng bước phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng
Theo đánh giá tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 5, các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chỉ thị số 11/CT-TTg tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Trong tháng, các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại, góp phần giải quyết việc làm, từng bước phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội.
“Tình hình kinh tế-xã hội trong tháng đã có những tín hiệu tích cực hơn so với tháng 4, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Báo cáo nhắc tới một số chỉ tiêu như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng giảm 0,03% so với tháng trước, tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,39% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu, thanh khoản thị trường. Tính đến ngày 20/5, huy động vốn tăng 1,85%; tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Trong tháng, tiếp tục điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. So với các nước trong khu vực, Việt Nam thực hiện mức giảm lãi suất lớn nhất.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sang tháng 5 đã sôi động hơn nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thiết lập trạng thái bình thường mới.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng đạt trên 122.200 tỷ đồng, bằng 25,98% kế hoạch giao (cùng kỳ đạt 23,25%), trong đó giải ngân vốn nước ngoài có chuyển biến tích cực, đạt 12,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách 5 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm trước dù vẫn chưa đạt yêu cầu.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do xâm nhập mặn và hạn hán diễn ra gay gắt tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng năng suất lúa bình quân cả nước và diện tích một số cây màu vẫn tăng so với cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ từng bước được khôi phục sau giãn cách xã hội, đặc biệt là du lịch nội địa, vận tải. Hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng có dấu hiệu tăng trở lại, tuy nhiên vẫn chưa thực sự sôi động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng tăng 26,9% so với tháng trước; tính chung 5 tháng giảm 3,9% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ tăng 8,5%). Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng nhẹ nhờ bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Các hãng hàng không đã khai thác trở lại các chặng bay nội địa như thời điểm trước khi có dịch, vận tải đường bộ cũng thuận lợi hơn sau nới lỏng cách ly. Hoạt động du lịch hướng tới thị trường nội địa với các gói sản phẩm ưu đãi để đảm bảo nhu cầu du lịch của người dân và tiết kiệm chi phí.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng được cải thiện hơn so với tháng 4, với hơn 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ, nhưng chỉ bằng 87% so với tháng 3 năm 2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao (tăng 32,7% so với tháng trước và tăng 105,4% so với cùng kỳ). Doanh nghiệp đã bắt đầu mạnh dạn trong việc nắm bắt những cơ hội, đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh trong 4 tháng đầu năm là rất lớn, các chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp tháng 4 ở mức thấp nên chưa thể lạc quan ngay với tình hình đăng ký doanh nghiệp có tăng trưởng trong tháng 5. Tính chung 5 tháng, cả nước có trên 48.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,5% về số doanh nghiệp và giảm 16,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng với đó, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua như áp lực về tăng chỉ số giá (đặc biệt trong bối cảnh giá thịt lợn chưa giảm, giá dầu có tín hiệu phục hồi). Ccác khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thương mại vẫn còn tồn tại do dịch bệnh... Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) đạt thấp.
Tình hình lao động, việc làm vẫn chịu nhiều ảnh hưởng do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Còn nhiều doanh nghiệp ở các địa phương khác đang rất khó khăn để duy trì hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh do thiếu chuyên gia người nước ngoài…
Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội, theo dõi sát tình hình quốc tế, đánh giá các nguy cơ, thách thức phải vượt qua, đề ra biện pháp, đối sách mạnh mẽ, cụ thể với quyết tâm cao để phát triển đất nước trong tháng 6 để làm đà cho kế hoạch 6 tháng cuối năm.
Hà Chính