Tình hình dịch bệnh trên thủy sản sẽ còn diễn biến phức tạp trong năm 2022 

(ĐCSVN) - Năm 2022, dự báo dịch bệnh trên thủy sản sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó, Cục Thú y đề nghị các địa phương cần tập trung theo dõi tình hình dịch bệnh, đặc biệt đối với dịch bệnh trên các đối tượng nuôi chủ lực, đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao.

 

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản vẫn tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Điều này có thể thấy qua diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh khoảng 5.608 ha, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2020.

Về cơ bản, các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tiếp tục được kiểm soát, đặc biệt không để các bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập vào trong nước. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (bao gồm 5.608 ha do dịch bệnh) gồm hơn 21.190 ha, giảm 54,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Về tình hình một số dịch bệnh lưu hành chính trên thủy sản nuôi, trong năm 2021, đối với tôm, một số loại mầm bệnh nguy hiểm như: AHPND (hoại tử gan tụy cấp), WSD (bệnh đốm trắng), IHHND (bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu),…vẫn xuất hiện ở nhiều vùng nuôi, kết hợp các yếu tố nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường nhanh, mạnh, cực đoan tác động đến sức khỏe tôm, làm cho tôm chậm lớn, kém phát triển, sức đề kháng yếu, đồng thời điều kiện môi trường biến đổi tiêu cực tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Đối với dịch bệnh trên cá tra, trong năm 2021, chủ yếu vẫn là bệnh xuất huyết.

Ngoài ra, đối với các loài thủy sản khác, các bệnh nguy hiểm như: bệnh xuất huyết trên một số loài cá nước ngọt vẫn thường xuyên xuất hiện và gây thiệt hại cho người nuôi; bệnh hoại tử thần kinh trên cá biển (ở Kiên Giang), bệnh do ký sinh trùng giáp xác chân tơ (trên cua Cà Mau),.. gây thiệt hại nặng cho người nuôi.

Dự báo tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2022
(Ảnh minh họa: B.T) 

Theo Cục Thú y, trong năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh thủy sản và thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp do ảnh hưởng khó lường của dịch bệnh COVID-19 sẽ có tác động xấu đến việc tổ chức sản xuất và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản. Hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; diễn biến thời tiết phức tạp, tiêu cực khó lường, ô nhiễm môi trường,.. tác động xấu đến môi trường sống của thủy sản nuôi, gây thiệt hại và có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh. Đồng thời, một số mầm bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành rộng tại một số vùng nuôi.

Do đó, để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, Cục Thú y đề nghị các địa phương tập trung đôn đốc, hướng dẫn tổ chức triển khai "Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thuỷ sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030" (theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ), Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản năm 2022 của Bộ NN&PTNT,…

Bên cạnh đó, tập trung theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh thuỷ sản ở các địa phương, đặc biệt đối với dịch bệnh trên các đối tượng nuôi chủ lực (tôm và cá tra), đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao (tôm hùm, cá nước lạnh), thủy sản truyền thống nuôi phổ biến như: cá biển, cá nước ngọt, nhuyễn thể,... để tham mưu các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, kiểm soát được dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại.

Tùy thuộc vào yêu cầu của công tác phòng chống dịch COVID-19 để tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại một số vùng nuôi, hỗ trợ bảo đảm mục tiêu sản xuất nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT và các địa phương.

Chú trọng tổ chức giám sát chủ động một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản, đồng thời triển khai công tác truyền thông phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ ở an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, Cục Thú y đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực thú y các cấp theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 – 2030 để bảo đảm các nguồn lực phòng, chống dịch bệnh động vật. Khẩn trương chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2022 theo quy định của Luật Thú y./.

 
BT
422 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 863
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 863
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78148858