Tính đến ngày 20/12/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp phần mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,465 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có 3.046 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 17,976 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2017; có 1.169 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,596 tỷ USD, bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2017 và có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính theo phương thức đầu tư: Đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp (M&A) đang gia tăng nhanh chóng. Trong năm 2018, đầu tư dưới hình thức M&A tăng 59,8% so với cùng kỳ và chiếm tới 28% tổng vốn đăng ký, là mức cao nhất so với cùng kỳ (năm 2016 và năm 2017, đầu tư theo hình thức M&A lần lượt chiếm 16,8% và 17% tổng vốn đăng ký). Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là lĩnh vực buôn bán, bán lẻ (với 28,9% tổng giá trị) và công nghiệp chế biến, chế tạo (với 24,5% tổng giá trị).
Đầu tư mới và đầu tư mở rộng giảm cả về quy mô bình quân một dự án và tỷ trọng. Đầu tư vào các dự án mới năm 2018 đạt 17,976 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Về tỷ trọng, vốn đăng ký mới chỉ chiếm 51% tổng vốn đăng ký, giảm so với mức 59% so với năm 2017. Quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án mới giảm từ 8,2 triệu USD năm 2017 xuống còn 5,9 triệu USD năm 2018.
Vốn đăng ký đầu tư mở rộng năm 2018 đạt 7,596 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2017. Về tỷ trọng, vốn đăng ký tăng thêm chỉ chiếm 21% tổng vốn đăng ký, giảm so với mức 23% của năm 2017. Quy mô trung bình của dự án tăng vốn cũng giảm từ 7 triệu USD năm 2017 xuống 6,5 triệu USD năm 2018.
Vốn đăng ký suy giảm ở cả đăng ký mới và tăng thêm; tăng mạnh ở phương thức M&A. Việc suy giảm quy mô vốn đăng ký mới và tăng thêm chưa lập tức ảnh hưởng đến vốn thực hiện năm 2018 nhưng sẽ làm giảm vốn thực hiện của những năm tiếp theo. Tuy đầu tư theo phương thức M&A đang gia tăng nhanh chóng về cả số lượng, quy mô của các thương vụ lẫn tỷ trọng, nhưng các chính sách pháp luật liên quan đến các hoạt động M&A hiện vẫn còn hạn chế và chưa rõ ràng, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước sau khi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp. Trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư dưới dạng M&A sẽ ngày càng trở nên phổ biến và là kênh thu hút đầu tư lớn, bên cạnh các hình thức đầu tư thành lập các tổ chức kinh tế như hiện nay. Vì vậy, việc nghiên cứu phương thức đầu tư này và sự tác động đến nền kinh tế càng trở nên cấp bách để có những điều chỉnh chính sách phù hợp.
Tính theo lĩnh vực đầu tư: Năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký (cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và M&A).
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong lĩnh vực này, chủ yếu các nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư mới với 5,2 tỷ USD, chiếm 79% tổng vốn đăng ký.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực buôn bán, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,67 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, đầu tư theo phương thức M&A là 2,8 tỷ USD, chiếm 78% vốn đăng ký trong lĩnh vực này (cùng kỳ năm 2017 là 75%). Tính chung trong phương thức M&A, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ vẫn tiếp tục là lĩnh vực dẫn đầu về số lượng và quy mô của các thương vụ M&A (43,5% số thương vụ và 28,9% về vốn đăng ký) năm 2018, tương tự với mức của cùng kỳ năm 2017.
Tính theo đối tác đầu tư: Trong năm 2018 có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD (trong đó, dự án thành phố thông minh tại Hà Nội có quy mô đầu tư 4,15 tỷ USD, là dự án lớn nhất năm 2018), chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Các nhà đầu tư Nhật Bản chủ yếu vẫn lựa chọn phương thức đầu tư vào các tổ chức kinh tế mới hoặc mở rộng các cơ sở hiện có, hình thức mua lại sáp nhập chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (7%) trong vốn đăng ký của các nhà đầu tư Nhật Bản năm 2018.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đăng ký năm 2018. Hàn Quốc là đối tác có nhiều dự án nhất, cả về đầu tư mới, đầu tư mở rộng cũng như số các thương vụ M&A.
Xin-ga-po đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 05 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2018. Phương thức M&A chiếm tỷ trọng lớn (35,5%) trong đầu tư của các nhà đầu tư Xin-ga-po với 1,8 tỷ USD đăng ký, xấp xỉ với đầu tư mở rộng là 1,85 tỷ USD (36%).
Tính theo địa bàn đầu tư: Trong năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 7,5 tỷ USD, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2018. Dự án lớn nhất là dự án thành phố thông minh với quy mô đăng ký 4,15 tỷ USD của nhà đầu tư Nhật Bản.
Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 5,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đăng ký. Đầu tư tại thành phố năng động nhất nước này chủ yếu là theo phương thức M&A với 4,9 tỷ USD đăng ký, chiếm tới trên 50% tổng thương vụ M&A và trên 50% tổng vốn đăng ký M&A trong cả nước.
Hải Phòng đứng thứ 3 về tổng vốn đăng ký với 3,1 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư cả nước. Tuy nhiên, Hải Phòng đứng thứ nhất về quy mô vốn đầu tư mở rộng với 1,8 tỷ USD tăng vốn, chiếm 59% tổng vốn đăng ký. Trong đó riêng hai dự án của LG tăng vốn trên 01 tỷ USD.
Dự án mở rộng lớn nhất là dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô tại Thừa Thiên- Huế với quy mô vốn đăng ký tăng thêm là 1,12 tỷ USD, đưa Thừa Thiên- Huế lên vị trí thứ hai về vốn tăng thêm và thứ 7 trong cả nước về vốn đăng ký năm 2018. TL-VPTU