Đó là đánh giá của ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) tại cuộc họp báo thông tin về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2019 diễn ra ngày 30/7 tại Hà Nội.

Ông Đàm Thanh Thế cho biết, tại tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ với đặc điểm đường biên giới trải dài, địa hình phức tạp, tiếp giáp với 3 nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Hình ảnh tại buổi Họp báo (Ảnh: M.P)

Trên tuyến biên giới phía Bắc, trọng điểm là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang,… với các mặt hàng như: Hàng hóa tiêu dùng, đồ điện tử, ma túy, pháo nổ… Đáng chú ý tình trạng lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan để buôn lậu. Mới đây, tại Lào Cai, lực lượng chức năng đã phát hiện 16 container chứa 440 tấn hạt dẻ có dấu hiệu lợi dụng chính sách hàng tạm nhập-tái xuất thẩm lậu vào nội địa.

Trên tuyến biên giới miền Trung, trọng điểm là các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép chủ yếu là các mặt hàng: Rượu, bia, nước giải khát, động vật hoang dã… và buôn bán, vận chuyển ma túy diễn biến rất phức tạp.

“Có nhiều vụ việc đối tượng liều lĩnh chống trả lực lượng thi hành công vụ như trường hợp Thiếu tá Vi Văn Nhất - Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa hy sinh khi đang làm nhiệm vụ truy bắt tội phạm ma túy” - ông Thế cho hay.

Trên tuyến biên giới Tây Nam bộ, với đặc điểm biên giới phẳng, chủ yếu vận chuyển hàng hóa qua sông, rạch, địa bàn trọng điểm là các tỉnh: An Giang, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang.... các đối tượng buôn bán, vận chuyển chủ yếu là các mặt hàng như: Phế liệu, thuốc lá, đường cát, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng.

Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế trong đó địa bàn trọng điểm là các cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng; bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm bị là hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu như vàng, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà,...

Tuyến đường biển, cảng biển, địa bàn trọng điểm là các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh.... Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn xảy ra phức tạp, trọng điểm tại vùng biển Đông Bắc, biển miền Trung và vùng biển phía Nam. Bên cạnh đó, tình trạng lợi dụng chính sách hàng tạm nhập tái xuất, trung chuyển để thẩm lậu hàng hóa vào thị trường Việt Nam.

Đáng chú ý, tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong Danh mục Cites: cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi,... có chiều hướng gia tăng, các lô hàng nhập khẩu khai là mặt hàng gỗ, tuy nhiên trong các lô hàng lại cất giấu các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp.

Kết quả cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm (giảm 16% so với cùng kỳ 2018), thu nộp Ngân sách Nhà nước đạt trên 6.165 tỷ đồng. Khởi tố 1.311 vụ (tăng trên 47% so với cùng kỳ), với 1.546 đối tượng (tăng trên 56%) so với cùng kỳ 2018.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm tình hình cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trên cơ sở đó dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao công tác điều hành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách, điều chuyển, đề xuất điều chuyển thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Chỉ đạo kiểm tra các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, bắt giữ. Quá trình kiểm tra cần xác định trách nhiệm, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra vụ việc vi phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 địa phương lựa chọn đơn vị trọng điểm lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm để chỉ đạo kiểm tra, thực hiện các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, đồng thời tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chủ động nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan liên ngành thành lập các tổ công tác để thu thập thông tin về các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ; báo cáo đề xuất lãnh đạo Ban chỉ đạo xử lý nghiêm./.

Minh Phương