|
Lực lượng chức năng thu giữ số lượng lớn thuốc điều trị COVID-19 không bảo đảm chất lượng. |
Theo Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), sau 5 năm triển khai, Pháp lệnh QLTT đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, xây dựng lực lượng QLTT ngày càng chuyên nghiệp, chính quy, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả công tác. Đồng thời, từng bước đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của của người dân và Chính phủ đối với lực lượng QLTT.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Có thể kể đến như những vụ việc mà Tổng cục QLTT đã thực hiện tiến công vào những "điểm nóng", đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được tại 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh, hay như vụ việc kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TPHCM.
Cụ thể, chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 3 vụ việc liên quan đến vi phạm về cấp C/O tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tầu, Bình Dương và Vĩnh Phúc; chuyên án 117-D của Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận; xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000 m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP. Lào Cai; thu giữ 36.000 viên hồng phiến và 4 kg ma tuý tổng hợp tại Hà Tĩnh; phát hiện gần 1 triệu khẩu trang y tế do Việt Nam sản xuất không hóa đơn, chứng từ tại Quảng Bình; kiểm tra xưởng sản xuất 2.000 m2 sản xuất khẩu trang và gia công găng tay cao su có dấu hiệu đã qua sử dụng với số lượng lớn tại Hòa Bình; tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm nóng và kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành, chợ Ninh Hiệp, quận Hoàn Kiếm...
Lực lượng QLTT còn thể hiện vai trò tiên phong trong trận chiến chống đại dịch COVID-19 khi vừa kiểm tra, kiểm soát thị trường, vừa tham gia túc trực để điều phối các mặt hàng phòng, chống dịch tới tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý.
Không chỉ quyết liệt chỉ đạo trong lực lượng, Tổng cục QLTT cũng chủ động phối hợp các lực lượng chức năng, bộ, ngành để đẩy mạnh hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường. Ở cấp địa phương, lực lượng QLTT quận, huyện đã xử lý nhiều vụ việc, địa bàn nổi cộm.
Đặc biệt, thực tế đã minh chứng việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, trái lại, còn giúp lực lượng QLTT ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp. Đến nay, cả lực lượng chỉ còn 376 đội QLTT (giảm 45%) so với trước đây là 681 đội QLTT.
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cũng được Tổng cục QLTT đặc biệt coi trọng khi phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở chuyên ngành đào tạo chính quy cử nhân QLTT.
"Đây là lần đầu tiên sau 64 năm thành lập mới có trường đào tạo chuyên ngành về công tác QLTT, hướng tới xây dựng lực lượng QLTT chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình mới", Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết.
Bước vào hội nhập, Tổng cục QLTT đã chủ động đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, coi đó là công cụ đi đầu tạo ra bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, lực lượng QLTT đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác QLTT, đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ; cơ sở dữ liệu và quản lý công tác tài chính; hệ thống xử phạt vi phạm hành chính, hệ thống hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu...
Pháp lệnh QLTT số 11/2016/UBTVQH13 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 8/3/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016. Sau 5 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh QLTT đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thực tế đã nảy sinh một số vấn đề, cũng như tồn tại khó khăn, vướng mắc nhất định.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh QLTT. Dự thảo này kế thừa những quy định đang còn phù hợp và khắc phục những vướng mắc về mặt pháp lý trong thực tiễn áp dụng của Nghị định 148/2016/NĐ-CP sửa đổi hiện hành.
Dự thảo bổ sung thêm thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại đối với chức danh cấp trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục nghiệp vụ QLTT; đội trưởng đội QLTT cấp huyện trực thuộc Cục QLTT cấp tỉnh; đội QLTT liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đội QLTT chuyên ngành; đội QLTT cơ động. Quy định này nhằm gia tăng thẩm quyền và tính chủ động của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm hành chính ngày càng tinh vi hiện nay.
Ngoài ra, dự thảo còn có chỉnh lý về ngạch công chức, quản lý công chức để phù hợp với những quy định mới về cán bộ công chức hiện nay; bao gồm 4 ngạch: Kiểm soát viên cao cấp thị trường; kiểm soát viên chính thị trường; kiểm soát viên thị trường và kiểm soát viên trung cấp thị trường.
"Nếu dự thảo Nghị định này được thông qua sẽ góp phần củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công tác QLTT. Đặc biệt, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, đẩy mạnh phát triển lực lượng QLTT theo hướng chính quy, chuyên nghiệp và từng bước hiện đại để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm và lấy thước đo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá chất lượng hoạt động của đội ngũ công chức", ông Trần Hữu Linh bày tỏ.
Ngày 17/6/2021, Bộ Công Thương đã có Quyết định 1594/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh QLTT nhằm đánh giá kết quả 5 năm thi hành Pháp lệnh (2016-2021), những kết quả đạt được, ưu điểm, tồn tại, hạn chế, khó khăn, nguyên nhân; bài học kinh nghiệm trong triển khai thi hành Pháp lệnh, từ đó kiến nghị các nhiệm vụ cho công tác QLTT giai đoạn tiếp theo.
Kế hoạch cũng đánh giá sự thống nhất, đồng bộ của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan; sự phù hợp của Pháp lệnh đối với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, từ đó đề xuất các biện pháp, giải pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về QLTT nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác QLTT trong tình hình mới.
Trên cơ sở kế hoạch này, Quyết định cũng đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh QLTT và xây dựng báo cáo tổng kết gửi về Bộ Công Thương (qua Tổng cục QLTT) trước ngày 30/10/2021.
|
Phan Trang