Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ đã báo cáo đánh giá về cơ chế quản lý, tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành trong giai đoạn 2011 - 2016. Theo đó, các Bộ đều đã thực hiện việc phân cấp, thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp thực hiện kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của đội ngũ viên chức. Đồng thời, các đơn vị được chủ động sử dụng nguồn lực và cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao. Số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm kinh phí hoạt động tăng dần. Đơn cử, tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ 52 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí hoạt động năm 2011 đã tăng lên 67 đơn vị năm 2016. Tại Bộ Công thương, năm 2011, có 4 đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên và 53 đơn vị thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên, đến năm 2016 con số này lần lượt là 5 và 57 đơn vị…

Tuy nhiên, hiện các đơn vị sự nghiệp công lập đang chịu áp lực giữa tăng thu nhập khuyến khích người lao động, người tài giỏi gắn bó, phục vụ lâu dài với nguồn thu ngày càng giảm. Đối với việc thực hiện các dự án đầu tư, các đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều khó khăn do ngân sách nhà nước (NSNN) cấp một phần, các đơn vị phải dùng nguồn thu dịch vụ hoặc vốn huy động để tập trung cho đầu tư… Quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo Quyết định 39/2008 của Chính phủ về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN còn nhiều bất cập trong thực hiện hợp đồng đặt hàng; các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp trong từng lĩnh vực chuyên ngành chậm được ban hành…

Từ thực tế này, các Bộ đề xuất, Chính phủ cần sớm ban hành đầy đủ nghị định hướng dẫn cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong những lĩnh vực còn lại, khẩn trương xây dựng và ban hành hướng dẫn việc đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của Luật Đấu thầu 2013. Ban hành các quy định cụ thể về việc xác định đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, bổ sung các quy định cụ thể về các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ cung cấp đầy đủ thông tin về hệ thống mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ quản lý với căn cứ, tiêu chí cụ thể để sắp xếp lại. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh giản bộ máy, biên chế nhưng phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động: “Hướng tới rà soát sắp xếp lại theo hướng giảm đầu mối, tinh giản biên chế bộ máy để giảm kinh phí thường xuyên hàng năm nhưng mục tiêu phải đảm bảo tăng cường cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Sắp xếp lại không phải là bài toán đơn giản chỉ là cắt giảm cơ học mà mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu lực và chất lượng trong cung ứng dịch vụ công, đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được các dịch vụ công.”./.

Mạnh Hùng