Bài 2: “Giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”...

Bài 3: Đúng là khó thật

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao đổi với người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND quận Hoàn Kiếm. (Ảnh:TH)

Những con số “biết nói”

Trong khi nhiều đơn vị thực hiện tinh giản biên chế đang trong tình trạng “càng tinh giản thì càng… phình to” thì một số địa phương lại nổi lên với cách làm bài bản, mang lại hiệu quả là những con số “biết nói”. Điển hình như tại Quảng Ninh, năm 2014, Quảng Ninh triển khai thực hiện Đề án 25: “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Theo đó, Quảng Ninh đã mạnh dạn sắp xếp, tinh gọn bộ máy; sáp nhập các cơ quan, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hoặc một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm.

Quá trình nghiên cứu, mò mẫm, Quảng Ninh đã phát hiện, tìm được con đường dẫn đến nhất thể hóa với kết quả khả quan. Đến nay, với sự nỗ lực vượt bậc, Quảng Ninh đã thể chế hóa 9 Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, 7 Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra, 5 Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND ở 63 xã, phường.

Trao đổi với báo chí, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, đây là công việc phức tạp, nhưng Quảng Ninh quyết tâm làm được bởi sự đồng lòng của các cấp ủy và nhân dân ủng hộ. Tỉnh đã tiến hành rà soát lại bộ máy tổ chức và biên chế của từng cơ quan để sắp xếp lại, đào tạo và phân công nhiệm vụ phù hợp, đúng với cơ cấu ngạch bậc, vị trí việc làm hiện nay. Quan trọng hơn, tỉnh xây dựng và ban hành quy chế vận hành, quy trình xử lý công việc để gắn kết các nhóm nhiệm vụ của các cơ quan có chức năng tương đồng. Tại Quảng Ninh, ở những huyện đã hợp nhất chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND huyện, các huyện đó đã tiến hành hợp nhất tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ, cơ quan ủy ban kiểm tra với thanh tra, văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND...

Tìm hiểu thực tế tại cơ sở, đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Thị ủy Đông Triều cho biết, khi hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra với thanh tra, quy trình xử lý cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật nhanh gọn hơn vì không phải qua quá nhiều khâu. Đáng chú ý, việc phát hiện các dấu hiệu vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức kịp thời hơn. Do vậy đã có tác dụng tích cực trong ngăn chặn các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực hay bổ nhiệm người thân, người nhà không đủ tiêu chuẩn...

Nhờ sự tiên phong đổi mới hệ thống chính trị, trong thời gian qua, Quảng Ninh đã giảm 1.605 công chức, viên chức và hợp đồng lao động; cắt chi trả phụ cấp thường xuyên đối với 18.919 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở (gồm hàng ngàn tổ trưởng dân phố, trưởng khu dân cư…); giảm 2 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 118 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở - ban - ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương... Hiệu quả từ đề án này đã tiết kiệm chi thường xuyên được gần 300 tỉ đồng/năm và hàng trăm tỉ đồng từ cơ sở vật chất. Chính vì vậy, mà chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi từ top 10, rồi top 5, Quảng Ninh là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Nước ta hiện có trên 3 triệu cán bộ công chức và 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nếu học tập theo Quảng Ninh thì có thể cả 63 tỉnh, thành sẽ giảm khoảng 100.000 biên chế, tiết kiệm khoảng 200.000 tỉ đồng.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã rà soát toàn hệ thống chính trị về tổ chức bộ máy, biên chế. Đến nay, mô hình đổi mới của Quảng Ninh được đánh giá là phù hợp xu hướng phát triển của đất nước, trong thời gian tới, làm tốt 3 mục tiêu: Tinh giản bộ máy; bảo đảm sự giám sát của người dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên; tiết kiệm nguồn lực cũng như sự đóng góp của người dân.

Khi kiểm tra mô hình nhất thể hóa ở Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, mô hình đổi mới của Quảng Ninh là phù hợp với chủ trương của Đảng, đổi mới hệ thống chính trị để bắt kịp với đổi mới kinh tế trong tình hình mới. Đồng chí Tổng Bí thư cho rằng, Trung ương Đảng đã có chủ trương về việc đổi mới hệ thống chính trị rất rõ thông qua các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 và 7 (khóa XI), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, vì vậy tỉnh Quảng Ninh không phải băn khoăn về chủ trương mà tiếp tục làm. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trung ương Đảng đồng ý chủ trương Quảng Ninh tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống chính trị từ việc thực hiện Nghị quyết 19 và Đề án 25 của tỉnh nhưng phải làm chắc chắn, thận trọng, bài bản. Trung ương Đảng tin tưởng Quảng Ninh sẽ làm được và đặt niềm tin ở Quảng Ninh”.

Tương tự, sau Quảng Ninh, thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, mặc dù, tổng biên chế hiện có thấp hơn số biên chế được Trung ương giao, Hà Nội vẫn đặt mục tiêu, đến năm 2020, giảm ít nhất 10%, hoàn thành trước một năm theo lộ trình chung. Đích đến là tinh giản biên chế song hành với nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Đến nay, các cơ quan, đơn vị cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối; tiếp tục hoàn thiện đề án vị trí việc làm làm căn cứ tinh giản biên chế... Sau sắp xếp, kiện toàn, thành phố Hà Nội đã giảm 59 phòng, ban; 39 trưởng phòng, ban và 143 phó trưởng phòng, ban tương ứng; giảm 130 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, 27 Ban quản lý dự án, 2 quỹ và tương ứng giảm 30 vị trí cấp trưởng và 69 vị trí cấp phó. Dự kiến khi hoàn thành, tại cấp quận, huyện giảm thêm 128 đầu mối đơn vị.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, với cách làm thận trọng, bài bản, theo phương châm “năm rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và rõ kết quả, đến nay, bên cạnh việc hoàn thành sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy hành chính của các sở, ngành, quận huyện, Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp từ 70 ban quản lý giảm xuống còn 41 đơn vị. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Thành phố cơ bản sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực và phù hợp với thực tiễn, sau sắp xếp đã giảm từ 229 đơn vị còn 96 đơn vị (giảm 58%). Thành phố đã rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND Thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã từ 630 đơn vị xuống giảm còn 376 đơn vị (giảm 254 đơn vị).

Việc thực hiện xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả của Thành phố Hà Nội đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội vào tháng 4/2017. Phó Thủ tướng cũng cho biết những kết quả, cách làm của Hà Nội sẽ là những kinh nghiệm để nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện đề án về xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của cả nước.

Cần sắp xếp, tinh gọn

Trong lúc nhiều địa phương, đơn vị đang băn khoăn, lúng túng trong việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy. Vậy tại sao các địa phương nêu trên lại làm được? Trả lời câu hỏi này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết, không chỉ giảm đầu mối, bớt biên chế, tăng cường sử dụng chung cơ sở vật chất, tiết kiệm chi phí, điều quan trọng là Quảng Ninh thí điểm mô hình “nhất thể hóa”. Điều này giúp cho công việc thuận lợi hơn, năng suất, hiệu quả công việc cao hơn.

Đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội trao đổi, kinh nghiệm của Hà Nội không giảm cơ học mà giảm nơi thừa, người có năng lực yếu, sáp nhập những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gần nhau; tăng thêm cho nơi thiếu dựa vào khung vị trí việc làm đã duyệt, đồng thời ủng hộ chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thực tế ở cho thấy, trong quá trình tổ chức thực hiện các đơn vị này phát huy rất nhiều hiệu quả. Tự chủ tài chính, tự chủ kinh phí, biên chế và nhà nước không phải bao cấp nữa.Với kinh nghiệm này, năm 2017, Hà Nội chủ trương mở rộng các đơn vị, các lĩnh vực. Tinh thần sẽ tập trung kiên quyết chỉ bao cấp những đơn vị hành chính, quản lý nhà nước, còn lại những đơn vị có thể xã hội hóa được, có thể tạo tự chủ thì Hà Nội kiên quyết tập trung chỉ đạo làm sao đây chính là mấu chốt của tinh giản biên chế và số lượng công chức, viên chức tinh giản ở lĩnh vực này sẽ nhiều, nhanh và hiệu quả.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, việc xây dựng đề án vị trí việc làm gắn với khung năng lực của Thành phố Hà Nội, là nội dung cốt lõi của việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn Hà Nội, bảo đảm mỗi vị trí việc làm đều có khung năng lực cụ thể. Đây cũng chính là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cũng là tiêu chí tuyển chọn đội ngũ công chức, viên chức trong tình hình mới.

Nhấn mạnh thêm vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quốc Cường cho rằng, nhất thiết phải đẩy nhanh xác định vị trí việc làm. Phải đi theo quy trình từ chức năng đến nhiệm vụ, từ nhiệm vụ đến việc làm, và từ việc làm “đẻ” ra lao động. Đặc biệt phải khoán biên chế, giao trách nhiệm cho người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không để tình trạng “xâu xé” bầu sữa ngân sách bằng việc tăng biên chế một cách "vô tội vạ" như hiện nay. Đặc biệt, phải có chế tài làm thế nào đó khống chế được tham nhũng trong công tác cán bộ khi mà người ta lợi dụng vị trí để trục lợi. Theo đó trong công tác cán bộ phải rõ từng khâu một, từ giới thiệu, đề cử, tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm, thừa cán bộ hay không cũng có những ràng buộc trách nhiệm rõ ràng. Có như vậy biên chế mới không “phình” to và “công cuộc” giảm biên chế chẳng gian nan như hiện nay.

Cán bộ ở Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh tư vấn cho người dân đến làm thủ tục hành chính. (Ảnh: TH) 

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, Đề án xây dựng vị trí việc làm theo khung năng lực là cơ sở căn bản, quan trọng để phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình triển khai, các đơn vị của Thành phố tiếp tục điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội, phù hợp với quá trình cải cách hành chính Hà Nội đang thực hiện. Hà Nội cũng đi trước một bước bởi ngoài bản mô tả khung năng lực còn xác định được số biên chế, số lượng và cơ cấu ngạch công chức của từng vị trí việc làm trong giai đoạn 2017 - 2021. Điều này giúp cho việc tuyển dụng từng vị trí, từng chuyên ngành đều có các tiêu chí rõ ràng, giảm dần tình trạng làm trái ngành, trái nghề.

Nói như thế không có nghĩa là trong quá trình thực hiện, cả Quảng Ninh và Hà Nội chỉ toàn thuận lợi mà không có khó khăn. Hiện cả hai địa phương vẫn còn những vướng mắc, bất cập nảy sinh đang cần sự chung tay, góp sức, vào cuộc của các cấp, các ngành. Đó chính là sự nhất thể hóa chức danh lãnh đạo thì công việc kiểm soát quyền lực để tránh lạm quyền sẽ được thực hiện như thế nào? Trong quá trình tinh giảm, sáp nhập, công tác thực hiện chính sách cán bộ gặp khá nhiều vấn đề… Nhưng cứ nghĩ đến khó khăn mà không thực hiện thì cả Hà Nội và Quảng Ninh đã không đạt được những kết quả bước đầu như đã nêu.

Từ câu chuyện tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả của Hà Nội và Quảng Ninh có thể thấy: Nếu nơi nào thật sự muốn tinh giản biên chế chắc chắn sẽ có biện pháp và sẽ thực hiện được. Không những thế, khi áp dụng các giải pháp phân loại, sàng lọc để loại ra khỏi bộ máy những biên chế không cần thiết, làm cho đội ngũ cán bộ công chức chất lượng hơn, tinh thông hơn thì những người ở lại chắc chắn sẽ làm việc tốt hơn. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, việc tinh giản này sẽ có lợi về nhiều mặt. Nó không đơn thuần là giảm về số lượng cán bộ công chức, giảm chi phí hành chính, giảm ngân sách nhà nước mà là làm cho cơ cấu, số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là chất lượng chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp ngày một nâng cao.

Điều quan trọng nữa trong việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, tinh giản biên chế nữa là chắc chắn chúng ta dần khắc phục được tình trạng bất cập trong tuyển dụng, quản lý cán bộ là “có vào mà không có ra, có lên mà không có xuống”. Và, vượt qua cái khó này chúng ta khắc phục được tâm lý “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới là… trí tuệ” như người ta vẫn nói bấy lâu nay./.

Nguyễn Minh, Thu Hà