Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu do đã áp dụng từ năm 2014 - Ảnh minh họa
Liên quan đến việc các doanh nghiệp ngành xăng dầu kiến nghị với Bộ Tài chính về điều chỉnh các khoản chi phí trong công thức tính giá cơ sở, đại diện Bộ Công Thương cho biết từ tháng 2/2022, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
Tháng 7/2022, Bộ Công Thương đã tiếp tục nêu quan điểm với Bộ Tài chính về công thức giá cơ sở, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoản Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.
Điều chỉnh chưa sát thực tế
Gần đây nhất, tháng 8/2022, khi thị trường xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng, một số doanh nghiệp đề xuất với Sở Công Thương về việc tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm lợi nhuận kinh doanh, Bộ Công Thương tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài chính về việc điều chỉnh một số khoản chi phí trong giá cơ sở xăng dầu.
Bộ Công Thương nêu rõ báo cáo tổng hợp về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, qua rà soát của Bộ Tài chính, thực tế chi phí đã tăng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới chỉ điều chỉnh đối với mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế mà chưa điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc đầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế. Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.
Rà soát, điều chỉnh để tính đúng, tính đủ giá cơ sở xăng dầu
Từ thực trạng đó, để mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu được duy trì phù hợp, bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu cho thị trường, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.
Gần đây nhất, ngay tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 (ngày 31/8), ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.
Doanh nghiệp xăng dầu kêu cứu
Đây cũng là vấn đề đã được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.
Đơn cử, ngày 20/7/2022, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có Công văn số 440/HHXDVN-VP gửi Bộ Tài chính phân tích: Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long: Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể chỉ cần thực hiện theo đúng quy định thì thị trường sẽ ổn định. Bộ Công Thương cũng đã khẳng định nguồn cung trong nước đảm bảo thì không có gì đáng lo nữa.
Việc một số DN găm hàng, ngừng bán là bởi chu kỳ điều hành giá dài, dẫn đến giá trong nước và giá thế giới chênh lệch cao. Do vậy, ngoài việc cần rà soát lại định mức chi phí kinh doanh xăng dầu, các cơ quan quản lý Nhà nước cố gắng làm sao điều hành chu kỳ giá linh hoạt hơn, có thể từ 3-5 ngày, để giá xăng dầu trong nước không quá chênh lệch với giá thế giới.
Tuy nhiên, đến thời điểm điều chỉnh định kỳ theo quy định của Thông tư 104, các khoản chi phí trên vẫn giữ nguyên và không được thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.
Xuất phát từ thực tế, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh và phản ánh kịp thời các khoản chi phí tính toán trong công thức giá cơ sở xăng dầu phù hợp quy định của Thông tư 104 để giảm bớt áp lực cho các thương nhân đầu mối, đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu có tích lũy và tái đầu tư.
Trường hợp định kỳ theo Thông tư 104, các khoản mục chi phí áp dụng tính toán trong công thức giá cơ sở xăng dầu vẫn giữ nguyên. Hiệp hội Xăng dầu đề nghị Bộ Tài chính công khai các khoản mục chi phí này để làm căn cứ cho các thương nhân đầu mối thuyết minh với các Cơ quan quản lý Nhà nước lý do khách quan ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Mới đây, ngày 14/9, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng có Công văn số 1429/PLX-CSKD về chi phí kinh doanh xăng dầu gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tập đoàn nêu rõ các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như Premium, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước, chi phí định mức... chưa được kết cấu đủ trong giá cơ sở từ chu kỳ điều hành giá ngày 11/7/2022 đến nay (theo quy định của Nghị định 95/2021/NĐCP ngày 1/11/2021 của Chính phủ) đã tạo ra khó khăn rất lớn đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chia sẻ thù lao/chiết khấu cho các thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân phân phối.
Hệ quả là rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rơi vào tình trạng lỗ, không có đủ nguồn lực để bù đắp chi phí thực tế phát sinh; các thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân phân phối hoạt động cầm chừng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trên thị trường phân phối xăng dầu nội địa, gây bất ổn cho hoạt động sản xuất của nền kinh tế và nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Petrolimex đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh theo hướng phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước, chi phí định mức... mà chưa được phản ánh đủ theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ tại chu kỳ điều hành giá sớm nhất tiếp theo.
Phan Trang