Tình cảm sâu nặng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn với quê hương Quảng Trị 

“Đối với tất cả chúng ta, quê hương là tình sâu nghĩa nặng. Riêng tôi, ngoài công việc chung của cả nước vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay sống như thế nào”. Có thể nói, đối với đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, quê hương Quảng Trị luôn nằm trong tiềm thức và trái tim. Tỉnh cảm sâu nặng của đồng chí Lê Duẩn với quê hương Quảng Trị không chỉ là trách nhiệm của lãnh tụ đối với nhân dân mà còn là tấm lòng của người người con đối với đất mẹ. Từ ngày cách mạng tỉnh nhà còn trong trứng nước, đến lúc giành thắng lợi và vững bước đi lên trên con đường đổi mới, quê hương Quảng Trị luôn đón nhận ở đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn tình cảm cao đẹp và công lao vun đắp to lớn.
Tình cảm sâu nặng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn với quê hương Quảng Trị

Những năm 1936-1939, phong trào đấu tranh cách mạng ở Quảng Trị gặp khó khăn. Với vốn kiến thức phong phú và kinh nghiệm qua thực tiễn đấu tranh trong nhà tù đế quốc, ngay sau khi ra tù, đồng chí Lê Duẩn đã nhanh chóng bắt tay tháo gỡ khó khăn cho phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh, tạo được uy tín và ảnh hưởng lớn trong đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng Quảng Trị. Đồng chí đã nhanh chóng tìm hiểu phong trào, tập hợp được cán bộ cốt cán làm hạt nhân lãnh đạo, chắp nối được các cơ sở Đảng; chỉ đạo cán bộ, đảng viên kịp thời bắt liên lạc với các cơ sở cũ. Bản thân đồng chí đi khắp các địa bàn để nắm tình hình và tổ chức truyền đạt đến các đảng viên về tinh thần của Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất; Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 7-1936; giải thích ý nghĩa của Mặt trận nhân dân đối với cách mạng nước ta, chỉ rõ sự chuyển hướng chỉ đạo và hình thức, phương hướng đấu tranh trong thời kỳ mới. Đồng chí tập hợp thanh niên ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng và Cam Lộ để tuyên truyền, giác ngộ, đưa họ vào tổ chức, tham gia hoạt động cách mạng. Nhờ sự chỉ đạo tài tình, khôn khéo, sáng suốt của đồng chí, cán bộ, đảng viên dần thông suốt, thống nhất trong cả nhận thức và hành động theo chủ trương mới của Đảng.

Về mặt tổ chức, tháng 10-1936, từ nhà tù Côn Đảo trở về Quảng Trị, đồng chí tiến hành ngay việc khôi phục tổ chức cơ sở Đảng, củng cố phong trào cách mạng. Đồng chí trực tiếp đi về các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh kiểm tra tình hình, đề xuất những ý kiến quan trọng về công tác giữ gìn bí mật và nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, uốn nắn những tư tưởng lệch lạc trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Đồng chí cùng với đồng chí Hoàng Thị Ái dùng số tiền ủng hộ của đồng chí Lê Thế Tiết, lên Ba Lòng buôn sắn khô gây quỹ và tìm cách xây dựng cơ sở Đảng; thông qua việc tổ chức cho quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng để xây dựng và củng cố tổ chức. Nhờ vậy, đến cuối năm 1936, Tỉnh ủy lâm thời được lập lại, gồm các đồng chí Lê Duẩn, Hồ Xuân Lưu (Trần Quốc Thảo), Trần Mạnh Qùi, Nguyễn Hữu Khiếu; các cơ sở Đảng được phục hồi nhiều nơi.

Để thống nhất sự lãnh đạo, tạp điều kiện cho phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển ngày càng cao hơn, từ ngày 29-6 đến 1-7-1937, đồng chí đã chủ trì Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (tại Chòi Pheo, làng Phù Long, Hải Lăng) để  phân tích phong trào cách mạng Quảng Trị; chỉ rõ nhiệm vụ và yêu cầu sắp tới nhằm đưa phong trào cách mạng của tỉnh ngày càng phát triển đi lên. Đồng chí và các thành viên dự hội nghị đã thảo luận kỹ và đi đến thống nhất nhiều nội dung quan trọng như: chú trọng nhiệm vụ củng cố, phát triển Đảng, tổ chức Đảng theo lối bí mật, bất hợp pháp; quyết định thành lập một số huyện ủy và xây dựng các chi bộ Đảng ở làng, xã; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các tổ chức quần chúng theo hình thức công khai hợp pháp và nửa hợp pháp; quyết định xuất bản báo Tranh đấu, mỗi tháng ra 2 kỳ và bầu Ban Chấp hành gồm 7 đồng chí 1, do đồng chí Hoàng Hữu Chấp làm Bí thư Tỉnh ủy. Nhờ đó, phong trào cách mạng Quảng Trị tiếp tục dâng cao, cơ sở Đảng phát triển rộng khắp. Đến cuối năm 1937, Huyện ủy Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh đều được thành lập, toàn tỉnh có 100 đảng viên sinh hoạt trong 12 chi bộ Đảng. Năm 1938, mặc dù bị địch khủng bố, đàn áp, phong trào đấu tranh vẫn được duy trì rộng khắp ở các địa bàn trong tỉnh, số lượng đảng viên của Đảng bộ được tăng lên, toàn tỉnh có 40 chi bộ với 200 đảng viên. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở Trung kỳ chính thức lập lại Tỉnh ủy. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, các đảng viên Cộng sản vô cùng tin tưởng, phấn khởi tỏa về cơ sở phát động phong trào đấu tranh rầm rộ, sôi nổi. Các cuộc đấu tranh đòi giảm thuế, đòi tự do báo chí, chống chiêu bài cải cách hương thôn, bầu cử dân biểu, chống khủng bố, đàn áp... liên tiếp diễn ra khắp các địa phương, nhất là các vùng nông thôn.

Đầu năm 1937, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của nhân dân Việt Nam và Đông Dương phát triển sôi nổi, trước áp lực của dư luận, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp cử một phái đoàn do Đại sứ Lao công của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp là Gôđa dẫn đầu sang Đông Dương điều tra tình hình. Trung ương Đảng phát động một phong trào đấu tranh với danh nghĩa đón phái bộ Gôđa. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đồng chí Lê Duẩn chủ trương nhân cơ hội này phát động phong trào quần chúng rộng rãi biểu dương lực lượng trong toàn tỉnh, lấy cớ thu thập nguyện vọng nhân dân chuyển tới Gôđa. Với vai trò là Trưởng ban đón tiếp Gôđa tại trung tâm thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị, đồng chí đã cùng với đội ngũ đảng viên trong toàn tỉnh tuyên truyền, vận động, lãnh đạo quần chúng nhân dân các địa phương trong tỉnh biểu dương lực lượng, biểu tình đòi thả tù chính trị, bỏ thuế thân, giảm thuế điền thổ, đòi ban hành các quyền tự do, dân chủ... Phong trào đón Gôđa trao bản dân nguyện ở Quảng Trị gây tiếng vang lớn, lan rộng trong toàn xứ Trung Kỳ, để lại dấu ấn sâu sắc trong phong trào cách mạng Quảng Trị thời kỳ 1936 - 1939.

Từ năm 1939, tình hình thế giới dần có những chuyển biến bất lợi. Ở Đông Dương, bọn phản động thuộc địa trở mặt, thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ, bắt bớ cán bộ. Là người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trong đấu tranh và tổ chức hoạt động bí mật, đồng chí đã kịp thời chỉ đạo Đảng bộ Quảng Trị chuyển hướng công tác, đề ra sách lược quan trọng là tập trung bảo vệ, che giấu an toàn lực lượng cán bộ, giữ gìn cơ sở Đảng, bảo đảm không để cán bộ bị bắt. Cán bộ huyện, tỉnh phải sẵn sàng thoát ly, tạm ẩn náu trong lúc địch ráo riết khủng bố. Nhờ chủ trương nhạy bén, kịp thời và sáng suốt đó mà hầu hết cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Trị được bảo vệ. Quảng Trị thời kỳ này không những có đủ đội ngũ cán bộ bảo đảm cho phong trào mà còn bổ sung cho Xứ ủy và các tỉnh bạn khá đông cán bộ cốt cán. Phong trào cách mạng Quảng Trị tiếp tục phát triển cho đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Trong kháng chiến chống Pháp, mỗi lần ra Bắc, vào lại Nam, đồng chí đều nghỉ lại chiến khu Ba Lòng. Dừng chân ở quê nhà, đồng chí dường như quên hết mệt nhọc, tranh thủ thời gian trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu về chiến tranh nhân dân, về đấu tranh chống địch ở vùng tạm chiếm, về tổ chức và xây dựng lực lượng chính trị, và công tác Đảng của các tỉnh Nam Bộ; có nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng để củng cố và phát triển phong trào kháng chiến ở Bình Trị Thiên nói chung và Quảng Trị nói riêng. Nói chuyện với cán bộ, đảng viên, đồng chí căn dặn phải rèn luyện ý thức giai cấp, xây dựng tình cảm giai cấp. Có ý thức giai cấp sâu sắc mới có lập trường cách mạng triệt để, có nhiệt tình công tác, biết yêu thương đồng bào, đồng chí. Trước cảnh đói nghèo, những áp bức bất công của xã hội; trước những bất hạnh của mỗi con người, một số bộ phận nào đó mà người đảng viên vô cảm, không xúc động, không suy nghĩ, đó đều là biểu hiện của ý thức giai cấp kém.

Những năm đầu của kháng chiến chống Mỹ, trước sự đàn áp khốc liệt của Mỹ và chính quyền tay sai, lực lượng cách mạng Quảng Trị bị tổn thất nghiêm trọng. Tại Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tổ chức tại Hà Nội (10-1957), đồng chí Lê Duẩn đã đến thăm, động viên những người người đồng chí, đồng đội của quê hương; trực tiếp truyền đạt Đề cương cách mạng miền Nam. Đồng chí thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại của phong trào, phân tích tình hình và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng chí chỉ rõ nhiệm vụ trước hết là mỗi Tỉnh ủy viên, Huyện ủy viên phải về nơi mình am hiểu nhất để xây dựng cơ sở Đảng. Đồng chí dặn dò, phải luôn luôn đảm bảo nguyên tắc bí mật, chú trọng chất lượng, đặc biệt là phải tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân. Đồng chí truyền đạt kinh nghiệm vận động quần chúng cho toàn thể hội nghị. Được sự chỉ bảo ân cần của đồng chí Lê Duẩn, mỗi cán bộ, đảng viên của tỉnh càng thêm quyết tâm, tin tưởng vào ngày thắng lợi.

Cùng với sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến trường Trị - Thiên nói chung và Quảng Trị nói riêng trở thành là “tâm điểm” của chiến tranh, là nơi “đụng đầu quyết định về mặt chiến lược” giữa ta và địch như: Tà Cơn-Khe Sanh (1968), Đường 9-Nam Lào (1971), cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trên cương vị là Bí thư thứ Nhất BCHTW Đảng, đồng chí luôn theo sát diễn biến của chiến trường để cùng với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đưa ra các chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các chiến dịch giành thắng lợi. Đồng thời không quên gửi lời động viên, thăm hỏi, chia sẻ những hy sinh, mất mát; gửi gắm tình cảm, niềm tin đối với Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh nhà quyết tâm “đánh cho Mỹ cút - đánh cho ngụy nhào”, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nước nhà thống nhất, giang sơn Tổ quốc nối liền một dải, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, bên nỗi lo chung cho đất nước, đồng chí vẫn hướng về quê hương với bao trăn trở, lo toan và để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Ngày 23-3-1976, đồng chí về thăm quê hương Quảng Trị. Với giọng nói trầm ấm, nụ cười hiền hậu, đồng chí đã ôm vào lòng những đồng chí, đồng đội, bà con, anh em. Nước mắt hòa trong nước mắt, nụ cười hòa trong nụ cười, nhìn những gương mặt hao gầy vì chiến tranh, đồng chí bắt tay từng người, đến từng gia đình động viên thăm hỏi, và không quên căn dặn bà con phải tích cực lao động sản xuất để ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương. Đồng chí căn dặn các đồng chí lãnh đạo các cấp: “Bây giờ tất cả đều làm chủ chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới, phải đảm bảo đời sống mới của mọi người no đủ. Nếu có một gia đình nào đó không có áo mặc thì tôi không chịu và không cho phép làm chuyện đó. Nếu không có lòng ưu ái đối với những người nghèo khổ, không quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội ấy thì chúng ta nói chủ nghĩa cộng sản, nói lý tưởng cách mạng chỉ là nói suông mà thôi”.

Lần về thăm làng Hậu Kiên vào dịp Tết Đinh Tỵ năm 1977, đồng chí vui mừng khi thấy những kết quả mà xã đạt được sau gần 2 năm giải phóng; thấy các cháu nhỏ hồng hào, khỏe mạnh, bà con đón Tết vui tươi. Ngắm nhìn ngôi nhà nhỏ vừa được địa phương dựng lại, chiếc giường mà lúc nhỏ đồng chí thường nằm và đọc sách, đồng chí xúc động trào nước mắt. Đến thăm huyện miền núi Hướng Hóa, đồng chí giành lời khen ngợi đồng bào Vân Kiều, Pa Cô về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng trong trong kháng chiến, về niềm tin và tình cảm “trước sau như một” của đồng bào đối với Đảng, cách mạng và Bác Hồ. Đồng chí động viên Đảng bộ và nhân dân Hướng Hóa phải phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, tích cực xây dựng đời sống tiến bộ, quyết tâm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no cho đồng bào, xây dựng huyện Hướng Hóa trở thành huyện miền núi kiểu mẫu của cả nước: “Tiềm lực của người Hướng Hóa rất to lớn, đồng bào dân tộc ở đây có tinh thần yêu nước, nhiệt tình cách mạng, lao động cần cù và đoàn kết, thương yêu nhau. Nếu biết phát huy, khai thác những tiềm năng, thế mạnh đó thì tương lai không xa Hướng Hóa sẽ trở thành một huyện miền núi kiểu mẫu”.

Đồng chí nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà ra sức phát huy truyền thống bất khuất của quê hương, không cam chịu đói nghèo, tìm mọi cách đi lên từ đất đai, tiềm năng và lao động: “Đi đôi với phát triển nông nghiệp phải phát triển ngư nghiệp, lâm nghiệp thành những ngành quan trọng. Tổ chức và phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, mở mang nhiều ngành nghề, không ngừng sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng xuất khẩu. Mỗi làng, mỗi xã đều phải đi sâu vào khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất lao động, ra sức học tập nâng cao trình độ văn hóa”.

Với tấm lòng đau đáu với quê hương, mỗi dịp về thăm quê chứng kiến những cánh đồng khô hạn vì “đói nước”, đồng chí trăn trở: “80% dân số Quảng Trị sống bằng nghề nông, trong lúc đó khí hậu quá khắc nghiệt, ruộng vườn lại thiếu nước sinh hoạt thì làm sao bà con đủ ăn?”. Từ ý tưởng đó, tháng 3/1977, đồng chí đã chỉ đạo các bộ, ngành và các đơn vị liên quan khởi công xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn - Một trong những công trình trọng điểm của đất nước lúc bấy giờ. Những lần về thăm quê, đứng trên kênh dẫn nước của công trình, nhìn những dòng nước mát đổ về cánh đồng Triệu Hải vốn khô hạn từ bao đời, cảm nhận cuộc sống tương lai no ấm, hạnh phúc của bà con quê hương, đồng chí không khỏi bồi hồi xúc động: “Lần này tôi về mừng nhất là làng ta có nước không đói nữa. Bây giờ có nước của công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, ông bà chúng ta chưa bao giờ nghĩ ruộng đất đồng làng ta có nước đầy đủ như hiện nay. Hạnh phúc có rồi, dân ta cần cù nhất định làm nên giàu có”.

Tháng 3-1985, lần cuối cùng về thăm quê, đồng chí đã gửi gắm nhiều tâm huyết với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, động viên, nhắc nhở mọi người phải phát huy hơn nữa những đức tính tốt đẹp của con người Quảng Trị, vươn lên trong phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống, xây dựng con người mới biết yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải.

Năm tháng đi qua nhưng tình cảm sâu nặng và những “trăn trở với quê hương” của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn lắng đọng trong tiềm thức và tâm khảm của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Trị; là nguồn động viên to lớn đối với quê hương Quảng Trị trong hành trình xây dựng và phát triển hôm nay. Với niềm tin và khát vọng xây dựng quê hương thời kỳ mới, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “…phát huy ý chí, khát vọng vươn lên và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững... Phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước”. Thiết nghĩ, hiện thực hóa khát vọng phát triển mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đề ra, xây dựng tỉnh nhà phát triển sánh vai cùng cả nước là cách để Quảng Trị hôm nay và mai sau tri ân tình cảm của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn.

                                                                                                                                                                     Nguyễn Ngọc Tuấn

                                                                                                                                                                  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

1 Bảy đồng chí gồm: Trần Mạnh Qùi, Hoàng Thị Ái, Hồ Xuân Lưu (Trần Quốc Thảo), Nguyễn Mực, Nguyễn Vực, Hoàng Hữu Chấp và Dương Đậu.

1724 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 848
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 848
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87206340