Tình cảm của Nhân dân Cuba với đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh 

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã gắn với những kỳ tích trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đã trở nên huyền thoại khi những người Cuba anh em ở bên kia Tây bán cầu trực tiếp tham gia tu sửa và mở rộng con đường ở thời điểm quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày toàn thắng.

Sau khi cách mạng Cu Ba thành công (tháng 1/1959), ngày 2/12/1960, ở vào thời điểm cuộc cách mạng của 2 nước có những bước chuyển mang tính chiến lược, Cuba và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đây, Cuba đã trở thành điển hình của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ. Từ năm 1967, khi chiến lược Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ tại Việt Nam ở giai đoạn gay go, ác liệt, để chia sẻ khó khăn với nhân dân Việt Nam và nghiên cứu thực tiễn cuộc chiến tranh nhân dân, Cuba gọi năm 1967 là năm “Việt Nam anh hùng” và phát động toàn dân theo gương Việt Nam lập thành tích trong sản xuất và bảo vệ Tổ quốc; và Bộ Quốc phòng Cuba chính thức đặt vấn đề về việc cử một đoàn đi thực tế tại đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn. Dưới tên gọi “Gia đình Lê”, Đoàn chuyên gia nông nghiệp gồm chỉ huy trưởng là chiến sĩ Quân khởi nghĩa và 4 sĩ quan Cu Ba đã luồn rừng, lội suối từ tháng 1 đến tháng 12/1967 trên dãy Trường Sơn để khảo sát địa hình và tìm hiểu cuộc sống của chiến sĩ và nhân dân Việt Nam.

Tháng 9/1973, Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô đến thăm vùng giải phòng miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị, đồng chí càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của con đường Trường Sơn trong và đã quyết định cùng với Việt Nam mở rộng đường Hồ Chí Minh.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Cu Ba khẩn trương triển khai 3 yêu cầu của Việt Nam: cung cấp các thiết bị máy móc, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật Việt Nam tại Cuba và cử chuyên gia sang Việt Nam. Với yêu cầu thứ nhất, Cuba đã cử 2 công trình sư sang Nhật Bản mua các thiết bị làm đường hiện đại nhất lúc đó như: các phòng thí nghiệm lưu động, máy cẩu, máy ủi, máy đào, máy xúc, các loại máy ép nhựa đường, các loại xe vận tải tự đổ, các thiết bị khai thác, chế biến gỗ với trị giá 6 triệu USD[1]. Trong điều kiện phức tạp của cuộc chiến tranh lạnh, Cuba đã có những tác động rất khéo léo để Nhật Bản tin rằng, những thiết bị trên giúp nhân dân miền Bắc Việt Nam khôi phục cơ sở hạ tầng sau chiến tranh. Khi các thiết bị cập cảng Hải Phòng, các thiết bị xe vận tải bánh hơi, cần cẩu, máy xúc... được chở bằng đường sắt đến Vinh, sau đó chuyển về Quảng Trị bằng đường bộ; còn những loại xe bánh xích như máy ủi, xe vận tải được vận chuyển bằng đường thủy đến Đông Hà trên 7 chiếc xà lan.

Đi cùng nhiệm vụ trên, phía bạn Cu Ba đào tạo 43 chuyên gia Việt Nam về thiết bị kỷ thuật xây dựng và giao thông trong thời gian 7 tháng (từ tháng 11/1973-5/1974) tại vùng rừng núi Cuba. Những chuyên gia này không chỉ được đào tạo về các kỹ năng sử dụng máy móc, kỹ thuật làm đường hiện đại mà còn phải làm quen với những địa hình hiểm trở có thể sánh với địa hình Trường Sơn.

Một đội xây dựng cầu đường có tay nghề giỏi từ Cuba sang Việt Nam trực tiếp tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh. Tại Quảng Trị, các chuyên gia của bạn và ta đã mở nhiều lớp huấn luyện về kỷ thuật sử dụng các thiết bị máy móc và kỷ thuật làm cầu đường cho 614 người. Khóa học ngắn ngày do bạn đảm nhận, kéo dài 30 ngày với 312 học viên, vừa học lý thuyết vừa thực hành rải 100m đường ở Khe Sanh, 610m ở quốc lộ 42 và 1.710m ở đường Hồ Chí Minh. Khóa học do ta đảm nhận kéo dài từ 3-4 tháng, có sự giúp đỡ của bạn Cuba.

Được trang bị nhiều xe, máy hiện đại và được chuyên gia Cuba hướng dẫn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 515 dần dần sử dụng thành thạo các trang thiết bị và làm quen với kỹ thuật làm đường tiên tiến. Điều mà cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn vô cùng cảm phục là các chuyên gia Cuba từ khi vào Trường Sơn, thường xuyên có mặt trên công trường, cùng kề vai sát cánh cùng bộ đội ta; không quản nắng mưa, gió bụi, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần… Có những khâu kỹ thuật thi công bằng xe đặc chủng cỡ lớn, thợ của Bạn lái xe, thao tác nhẹ nhàng; còn với ta không đơn giản chút nào.

Khi những công việc chuẩn bị đã hoàn tất, từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, tinh thần lao động hết mình, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy, thiếu thốn của những người lính Công binh Trường Sơn và đội ngũ chuyên gia Cuba đã bảo đảm cho trục đường 9 từ Sa Mưu lên Khe Sanh được rải nhựa. Tiếp đó, Bạn giúp mở rộng và thảm nhựa mặt đường 14 đoạn từ cầu Đăk Rông vào A Sầu - A Lưới; kịp thời bảo đảm cho những đoàn xe cơ động các Binh đoàn chủ lực của ta thần tốc tiến về Nam, tham gia Tổng tiến công Xuân 1975, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Sau này, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh đường Đoàn 559 trả lời phỏng vấn Đại sứ Cuba tại Việt Nam: “Sự gúp đỡ của Cuba đã góp phần tích cực cho bộ đội Trường Sơn xây dựng những con đường đủ tiêu chuẩn ở vùng Trường Sơn. Khi đã đến lúc phải chuẩn bị khẩn trương cho chiến dịch Hồ Chí Minh, nhờ những phương pháp tốt xây dựng những chiếc cầu, đã chuyển hướng đúng lúc các phương pháp và chỉ trong 20 ngày, chúng tôi đã có thể xây dựng một loạt các cầu dã chiến bị địch phá hủy khi chúng rút lui theo đường quốc lộ miền Trung vào Đông Nam Bộ và như vậy, chúng tôi đã tạo điều kiện cho các cuộc hành quân được nhanh chóng của các quân đoàn chủ lực trong cuộc tấn công và đảm bảo việc đi lại bình thường của nhân dân”.

Sau ngày miền Nam giải phóng, để lưu giữ tình bạn chiến đấu Việt Nam - Cuba, khắc ghi sự ủng hộ chí tình, chí nghĩa của Lãnh tụ Fidel và Cuba đối với Bộ đội Trường Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung, Chỉ huy Trung đoàn 515 đã cho dựng bia lưu niệm ở đoạn đường 14 phía nam cầu Đắk Rông. Trên bia khắc dòng chữ: “Con đường hữu nghị Việt Nam - Cuba”. Điều kiện khi đó chưa cho phép dựng bia bề thế, hoành tráng, nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 515 đều chung một ý nghĩ: Bia nhỏ, nhưng ý nghĩa tình bạn chiến đấu Việt Nam - Cuba vô cùng to lớn. Nhân kỷ niệm 60 năm hai nước Việt Nam - Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao (2.12.1960 - 2.12.2020), Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam quyết định đầu tư nâng cấp Bia lưu niệm “Con đường hữu nghị Việt Nam - Cuba”. 

Hình ảnh người đồng chí, người bạn Cuba trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với nhân dân Việt Nam nói chung và trên con đường Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết quốc tế trong thời đại ngày nay đang được các thế hệ hai nước hôm nay tiếp tục củng cố phát huy. Thu Hà

 

[1] Về sự hợp tác giữa Cu Ba và Việt Nam trong việc sửa chữa và mở rộng đường Hồ Chí Minh; Hồ sơ số 1576; Phong BQP; Tài liệu lưu trữ tại TTLTBQP.

198 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 985
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 985
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86997884