Nhân ngày thương binh, liệt sĩ đầu tiên (27/7/1947), qua Ban Thường trực Bác Hồ gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương của Người, tiền một bữa ăn của Người và của nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch, tổng cộng số tiền là 1.127 đồng. Món quà tuy nhỏ nhưng vô cùng quý giá, vì đó là sự quan tâm, chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương binh, bệnh binh; là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn đối với thương, bệnh binh làm ấm lòng người chiến sĩ.
Sau này, cứ đến ngày 27-7 hàng năm, Bác vẫn đều đặn gửi thư và tặng quà cho thương binh và gia đình liệt sĩ. Lời lẽ trong thư của Người giản dị, chân thành, mộc mạc, nhưng chan chứa tình yêu thương.
Không chỉ dừng lại ở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kêu gọi chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân và đoàn thể hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất đối với thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Chẳng hạn như: Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã cần tổ chức phong trào "đón anh em thương binh về làng" bằng cách trích một phần ruộng công để gặt hái. Hoa lợi để nuôi thương binh, tạo công ăn việc làm cho anh em thương binh. Anh em thầy thuốc và chị em khán hộ, cứu thương phải hết lòng săn sóc thương binh một cách chu đáo. Các cháu nhi đồng toàn quốc thi đua giúp đỡ các thương binh và gia đình liệt sĩ.
Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực, nhiều thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động, sản xuất, học tập và cuộc sống. Họ không những đã tạo ra việc làm cho mình và gia đình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng bào và con em của họ, tạo dựng nên cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn. Họ đã làm đúng theo lời Người dạy: "Thương binh tàn mà không phế".
Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn: “Mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét"[1].
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở trại điều dưỡng Bắc Ninh
Thực hiện lời dạy của Người, với truyền thống và đạo lý của dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, động viên các đối tượng là thương binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sỹ, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ... ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Điều này không chỉ góp phần ổn định và nâng cao mức sống của thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ mà còn góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; có tác dụng giáo dục toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta; về lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lệ Thu
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 2, tr.503