TÌNH CẢM CỦA BÁC HỒ VỚI PHỤ NỮ VIỆT NAM 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Người từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ ... Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng... Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại".

Có thể nói, ngay từ buổi đầu dựng nước phụ nữ Việt Nam đã đóng một vai trò to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong diễn ca “Lịch sử Việt nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời”.

Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước vất vả khôn cùng, vấn đề luôn canh cánh trong lòng Bác đó chính là vấn đề về trẻ em và phụ nữ ở những nước thuộc địa nói chung, Việt Nam nói riêng. Người cho đó là những lớp người khổ nhất trong những người khổ cực. Họ không những phải chịu đựng nỗi đau của người dân mất nước, bị tước đoạt hết các quyền tự do, dân chủ mà còn bị ngược đãi, chà đạp lên cả phẩm giá con người. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bản chất của thực dân Pháp đó là chế độ “ăn cướp và giết người”, “hãm hiếp đàn bà và trẻ nhỏ”. Mỗi một phụ nữ, một trẻ em bị đánh, bị giết đều làm Người đau đớn. Người đã từng thốt lên: "Một em bé bị lột trần truồng, một thiếu nữ ruột gan lòi ra, cánh tay trái cứng đờ giơ nắm tay lên chĩa vào ông trời vô tình" và lên tiếng tố cáo những hành động phi nhân tính của bọn thực dân xâm lược đối với phụ nữ: "Một người Âu mắng phụ nữ An Nam là con đĩ, con bú dù là một việc thông thường. Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn... bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh người phụ nữ bản xứ bắt họ tránh không làm nghẽn lối đi".

Xuất phát từ lòng nhân ái bao la và sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ tột cùng mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến nên Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”. Đây chính là một trong những động lực giúp Người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cùng với toàn Đảng và toàn dân ta lật đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm thực hiện “nam nữ bình quyền”.

Trong tác phẩm "Ðường Kách mệnh", Bác cũng từng viết: "Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi”; "Ông Lê-nin nói: Ðảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công...". Trong cuộc Tuyển cử phổ thông đầu phiếu ngày 6-1-1946, Người vui sướng nhận ra rằng "Phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất". Sau khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn luôn hướng tình cảm của mình đối với những người phụ nữ. Từ bà cụ bán hoa ngày Tết, đến nữ phóng viên, các nữ chiến sĩ Miền Nam, vợ của các cán bộ, chiến sĩ… Bác đều dành sự ưu ái, ân cần. Năm 1952, nhân kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ, Người đã gửi thư ngợi khen: "Non sông gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ". Bác cũng thường xuyên động viên, nhắc nhở chị em phải cố gắng vươn lên để “tự giải phóng mình” chứ không được trông chờ vào Đảng và Chính phủ. Một lần, tới một hội nghị, thấy phụ nữ ngồi hết ở dãy ghế cuối. Bác nói: Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải đợi Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh, phấn đấu giành lấy. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải chủ động quyết tâm, khắc phục, khó khăn, tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ti. Phải gắng học tập chính trị, học tập văn hóa kỹ thuật; nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa; hăng hái thi đua thực hiện "Cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình” để xứng đáng là người làm chủ nước nhà.

Người đã dành trọn vẹn cả cuộc đời mình cho dân, cho nước. Trước khi “vĩnh biệt ánh mặt trời” để về với Mác - Lê nin, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bản Di chúc lịch sử. Trong đó, Người không quên nhắc tới phụ nữ Việt Nam.  Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác kể lại rằng: "Vào tháng 5-1968, Bác Hồ đọc lại bản Di chúc và thấy cần phải viết thêm mấy điểm về phụ nữ". Thế rồi, trong Di chúc Bác viết: "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ" (Di chúc). Chỉ thế thôi, nhưng đó vừa là tình cảm, vừa là huấn thị thiêng liêng mà Bác dành cho phụ nữ Việt Nam.

Đáp lại niềm tin tưởng và tình cảm trân quý của Người, trong những năm qua, phụ nữ Việt Nam đã không quản ngại khó khăn vất vả, luôn can trường chiến đấu, kề vai sát cánh cùng nam giới trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Không chỉ trên tiền tuyến mà ở cả hậu phương, chị em phụ nữ cũng luôn phấn đấu thi đua tăng gia sản xuất, xứng đáng với  8 chữ vàng mà Bác Hồ khen tặng: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.

Ngày nay, vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Họ không chỉ làm tốt thiên chức “ làm vợ, làm mẹ” mà còn hoàn thành vai trò của một người công dân với xã hội. Ngày nay, trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, phụ nữ đều góp mặt, họ cũng là những chính trị gia, nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học… điển hình có các đồng chí Phó Chủ tịch nước: Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan hay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… Đó là những minh chứng cho sự nỗ lực và vươn lên của Phụ nữ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Minh Huyền – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

2579 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 786
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 788
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77498897