|
Công ty CP XKLĐ và DVTM Biển Đông đào tạo tiếng Nhật cho các học viên |
Đây là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) quay trở lại sau dịch COVID-19 với những đơn hàng sang các thị trường chủ lực.
Sau khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế ở trong nước, nhiều DN XKLĐ tại TP. Hồ Chí Minh đã khẩn trương khởi động lại công tác XKLĐ.
Ông Trần Tiến Duy - Phó giám đốc Công ty TNHH Nhật Huy Khang chia sẻ: “Có lẽ chưa khi nào, các DN và người lao động (NLĐ) trong lĩnh vực XKLĐ lại rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay. Từ khi có dịch COVID- 19, hơn 600 NLĐ của Công ty bị dừng không được xuất cảnh. Trong quá trình chờ đợi, Công ty phải bỏ chi phí để tiếp tục đào tạo NLĐ. Hiện có 10% trong tổng số 600 NLĐ huỷ hợp đồng để tìm công việc khác”.
Theo ông Duy, hiện Công ty ông chưa có các đơn hàng mới, nhưng khi hay tin Lãnh sự quán Nhật tại Việt Nam sẽ ưu tiên cấp lại visa cho các LĐ, Công ty sẽ tái khởi động, xin lại visa cho những LĐ đang chờ xuất cảnh. Nếu suôn sẻ, trong tháng 10/2020 sẽ đưa chuyến đi đầu tiên.
“Tình cảnh ngặt nghèo hiện nay cũng là cơ hội để các DN và NLĐ tự làm mới mình. Trong "cái khó ló cái hay". Theo đó, DN có thời gian tăng cường chất lượng đào tạo, đẩy mạnh tìm kiếm thêm đối tác mới ở Miền tây Nam Bộ với các đơn hàng chủ yếu trong ngành thực phẩm, dịch vụ, linh kiện điện tử… Còn đối với NLĐ có thời gian để nâng cao, trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng ứng xử, để có thể tham gia ngay vào thị trường lao động quốc tế khi dịch bệnh được đẩy lùi”- ông Duy chia sẻ.
|
Thực tập sinh Công ty Nhật Huy Khang chờ phỏng vấn. |
Ông Nguyễn Thế Đại - Phó Tổng giám đốc Công ty CP XKLĐ và DVTM Biển Đông thông tin: “Đáng lẽ, tháng 3-4/2020 gần 300 NLĐ của Công ty (chủ yếu đơn hàng điện tử) được phép xuất cảnh nhưng do dịch bệnh COVID- 19 nên phải tạm ngưng”.
Ông Đại so sánh, so với cùng kỳ, năm nay số lượng NLĐ xuất cảnh của Công ty chỉ bằng 1/10 năm 2019. Dù khó khăn, nhưng hầu hết các công ty tại TP. Hồ Chí Minh đều chấp hành nghiêm chỉ đạo của Bộ LĐ-LĐ-TB&XH, UBND TP. Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch bệnh.
“Các Công ty đều duy trì các biện pháp phòng chống dịch để khi đi học trở lại, học viên được an toàn. Chúng tôi không đặt ra mục tiêu tăng trưởng như năm trước. Năm nay, Công ty chỉ cần duy trì hoạt động, cùng học viên cố gắng để vượt qua đại dịch COVID-19. Đối với những LĐ sắp tới được xuất cảnh, chúng tôi đặt tiêu chí đảm bảo an toàn sức khỏe về thể chất cho học viên là yếu tố quan trọng nhất” - ông Đại cho biết.
Ông Đại trăn trở, các đối tác Nhật chủ yếu sang Việt Nam để tuyển dụng trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh, người được cấp phép cho nhập cảnh là quản lý, chuyên gia người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Ông Đại mong muốn trong thời gian sớm nhất, các đối tác Nhật Bản sẽ được phép sang tuyển dụng trực tiếp để gỡ khó cho DN.
Không chỉ nhiều DN tại TP. Hồ Chí Minh đang gặp khó mà nhiều địa phương, DN hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ trong khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đang chờ để tái khởi động hoạt động XKLD.
Tại TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2020, XKLĐ TP Cần Thơ đã sụt giảm 30,47% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, có rất nhiều lao động đã trúng tuyển nhưng vẫn đang chờ để xuất cảnh.
Trung tâm dịch vụ việc làm TP Cần Thơ đã có nhiều giải pháp giúp những người đang chờ XKLĐ trong thời gian nhà nước đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch COVID-19: Trong thời gian chờ đợi, những lao động này có thể tiếp tục trau dồi thêm ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa của đất nước mà mình sẽ đến làm việc, ngoài ra các bạn sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch COVID – 19 của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. Sau khi dịch bênh được khống chế thì nhu cầu sử dụng nhân lực nước ngoài của các nước phát triển trên thế giới là rất lớn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực thì phải chuẩn bị tốt công tác tạo nguồn từ thời điểm này.
|
NLĐ Công ty CP XKLĐ và DVTM Biển Đông xuất cảnh khi chưa bùng phát dịch COVID-19. |
Tại tỉnh Hậu Giang, dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Hai thị trường tiếp nhận NLĐ lớn nhất của Hậu Giang là Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Đến thời điểm này số LĐ đã xuất cảnh chỉ đạt 8/100 LĐ so với chỉ tiêu đề ra. Khi dịch bệnh bùng phát, Hậu Giang đã kịp thời có những giải pháp để đảm bảo sinh kế cho LĐ thạo nghề chờ xuất cảnh.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tống Hải Nam - Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TB- XH) cho biết: Để NLĐ được xuất cảnh đến các nước sau khi Việt Nam mở lại các đường bay quốc tế còn phụ thuộc vào kế hoạch tiếp nhận, chính sách tiếp nhận của các quốc gia, như yêu cầu thời hạn cách ly, yêu cầu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm… Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và NLĐ, chúng tôi sẽ phối hợp với các quốc gia tiếp nhận LĐ có chính sách hỗ trợ việc cấp visa và các giấy tờ khác cho NLĐ tiếp tục xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thông thoáng về hồ sơ, thủ tục để DN nhanh chóng khôi phục lại hoạt động.
Ông Tống Hải Nam thông tin thêm, do dịch bệnh kéo dài nên mục tiêu đưa 130 nghìn LĐ đi làm việc nước ngoài trong năm nay là không thể thực hiện được./.