Tín hiệu tích cực từ vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi 

(Chinhphu.vn) – Bước đầu thử nghiệm vaccine vô hoạt phòng chống dịch tả lợn châu Phi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy hiện đàn lợn được tiêm vẫn khỏe mạnh. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Học viện, và đề nghị các doanh nghiệp sớm vào cuộc cùng Học viện thương mại hóa vaccine sớm nhất.

 

Ảnh: VGP/Đỗ Hương.

Tại cuộc họp về dịch tả lợn châu Phi chiều ngày 13/6 tại Bộ NN&PTNT, GS.TS. Nguyễn Thị Lan,  Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, quá trình thử nghiệm bước đầu của loại vaccine vô hoạt phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên đàn vật nuôi cho kết quả khả quan.

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Lan, trong bối cảnh thế giới nghiên cứu cả trăm năm nhưng chưa có kết quả, việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu vaccine được đánh giá là vô cùng mạo hiểm, nhưng đây không phải là việc của riêng Học viện Nông nghiệp Việt Nam mà còn vì trách nhiệm với ngành nông nghiệp, với đất nước. "Chỉ trong một thời gian ngắn, chưa đến nửa năm, với tình thần quyết tâm, huy động mọi nguồn lực, chúng tôi đã đạt được kết quả bước đầu rất khả quan", bà Lan nói.

Theo đó, chỉ sau gần nửa năm, nhóm nghiên cứu của Học viện đã nghiên cứu, chế tạo được loại vaccine vô hoạt phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi do nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Văn Phan triển khai.

"Bước đầu thử nghiệm ở quy mô thí nghiệm cho thấy kết quả tích cực, đàn lợn được tiêm vacvine vẫn tồn tại khỏe mạnh", bà Lan thông báo kết quả. Tuy nhiên, theo bà Lan, đây là kết quả bước đầu, để có  thể nghiên cứu, thương mại hóa của vaccine cần sự tham gia, vào cuộc của doanh nghiệp lớn.

Theo thống kê, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 9/6/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.980 xã, 407 huyện của 55 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 2.490.449 con với trọng lượng là 147.260 tấn. Thời gian qua, đã có 55 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó phát sinh lợn bệnh.

Tại 5 tỉnh Đông Nam Bộ (có tổng đàn lợn khoảng 3,4 triệu con). Dịch bệnh xảy ra tại 50 xã, 14 huyện, 4 tỉnh, thành phố (Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, TPHCM), tiêu hủy 16.960 con, trọng lượng 909 tấn. Còn 2 tỉnh:  Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh chưa có dịch.

Tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (có tổng đàn lợn khoảng 3,2 triệu con): Dịch bệnh xảy ra tại 191 xã, 63 huyện, 11 tỉnh, thành phố, tiêu hủy 9.995 con, trọng lượng 916 tấn. Còn 2 tỉnh Long An và Bến Tre chưa có dịch.

Do mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, đến nay Việt Nam đã có trên 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trong đó có những văn bản quan trọng của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NNPTNT… bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó có những tín hiệu tích cực bước đầu trong nghiên cứu, sản xuất vaccine.

 

Đỗ Hương

 
306 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 832
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 832
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87121366