|
Nhiều địa phương và các vườn quốc gia đã hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, kết quả thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ở các địa phương năm 2019 như sau:
Tỉnh Lào Cai đã xây dựng và phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững; thành phố Hải Phòng phê duyệt Kế hoạch triển khai, các tỉnh còn lại đang triển khai đến các chủ rừng là tổ chức rà soát diện tích rừng và xây dựng dự toán kinh phí để Sở NN&PTNT tổng hợp báo cáo tỉnh cân đối bố trí nguồn vốn.
Có 24 công ty đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững (trong đó: 19 Công ty lâm nghiệp xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và được cấp Chứng chỉ rừng của FSC với tổng diện tích 176.880,5 ha; 05 công ty xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững theo Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT gồm: 03 Công ty thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam và 02 Công ty Lâm nghiệp của tỉnh Quảng Bình).
Đã có 3 Vườn quốc gia đang triển khai lập đề cương, dự toán kinh phí xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, trong đó 2 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Ba Vì, Bạch Mã), 1 Vườn của địa phương là Vườn Quốc gia Hoàng Liên, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1288/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng bằng cách thành lập Hệ thống chứng nhận rừng quốc gia về hợp tác quốc tế với Chương trình phê duyệt các quy trình chứng chỉ rừng (PEFC).
Điều này khẳng định tầm nhìn và nhận thức của chính phủ Việt Nam về Quản lý rừng bền vững (SFM) và chứng chỉ rừng hoàn toàn được kết nối thông suốt và cần thiết đảm bảo sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Mục đích của Chính phủ là mở rộng hơn gấp đôi diện tích rừng hiện có là 235.000 ha, tăng thêm 300.000 ha vào năm 2020, nâng tổng số diện tích lên hơn nửa triệu ha.
Chứng nhận bảo vệ rừng FSC là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương).
Chứng nhận này do Hội đồng quản lý rừng FSC (Forest Stewardship Council) - tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới. Hiện nay chứng chỉ đã có mặt tại hơn 50 quốc gia với hơn 850 thành viên bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các tổ chức quản lý chứng nhận quốc tế, trung tâm phát triển cộng đồng, các doanh nghiệp…
|
Đỗ Hương