Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 2/2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Chăn nuôi phát triển tốt, cung ứng đủ sản phẩm chăn nuôi trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Công tác trồng rừng vụ xuân và “Tết trồng cây” đầu xuân diễn ra ở nhiều địa phương. Sản xuất thủy sản phát triển ổn định, giá tôm đang ở mức cao do nhu cầu của ngành chế biến; khai thác biển được khởi động lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
|
Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế (Ảnh: PV) |
Sản xuất công nghiệp tháng 2/2021 ước tính giảm so với tháng 1/2021 và so với cùng kỳ 2020 do số ngày làm việc của tháng 2 năm nay ít hơn 8 ngày và ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại một số địa phương. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tháng 01/2021 tăng khá so với tháng 1/2020 (22,5%) nên tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ 2019. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2021 ước tính giảm 21,1% so với 1/2021 và giảm 7,2% so với cùng kỳ 2019. Nhưng tính chung 2 tháng đầu năm 2021, IIP ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ 2019 trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ 2019 tăng 7,1%)...
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 2/2021 giảm so với 1/2021 và cùng kỳ 2020, nguyên nhân do tháng Hai trùng với thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, số vốn đăng ký trong tháng 2/2021 tăng 15,9% so với tháng trước và tăng 85,6% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 80,1% và giảm 21,3%; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể giảm 53,5% và giảm 32,2%. Đây là những tín hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
|
Infographic sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Trong tháng 2/2021, cả nước có 8.038 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 179,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 56,9 nghìn người, giảm 20,3% về số doanh nghiệp, tăng 15,9% về vốn đăng ký và giảm 50,9% về số lao động so với tháng 01/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 22,4 tỷ đồng, tăng 45,5% so với tháng 1/2021 và tăng 111,6% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% về vốn đăng ký và tăng 9,7% về số lao động so với cùng kỳ 2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ 2020.
Bên cạnh đó, còn có hơn 11 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng năm 2021 lên 29,2 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
|
Infographic về đăng ký kinh doanh và vốn đầu tư (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/02/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 126 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3,31 tỷ USD, giảm 74,8% về số dự án và giảm 33,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2020; 115 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,61 tỷ USD, tăng 151,8%; 445 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 543,1 triệu USD, giảm 34,4%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng có 5 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 21,6 triệu USD; giảm 28,6% so với cùng kỳ 2020.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước tính đạt 439,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5,4% so với tháng 1/2021 và tăng 8,2% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 904,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ 2020, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 01/2021 đạt 28.546 triệu USD, cao hơn 846 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 02/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20 tỷ USD, giảm 29,9% so với tháng trước và giảm 4,7% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 11,48 tỷ USD, tăng 4,4%, chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,07 tỷ USD, tăng 30,5%, chiếm 76,4%. Trong 2 tháng có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 01/2021 xuất siêu 2,09 tỷ USD; tháng 2 ước tính nhập siêu 800 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ 2020 xuất siêu 1,8 tỷ USD), trong đó khu vực trong nước nhập siêu 4,14 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,43 tỷ USD.
Tổng cục Thống kê khẳng định, dịch COVID-19 với biến thể mới tái bùng phát trở lại từ cuối tháng 1 đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư. Trước tình đó, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTN về việc tặng quà cho các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu với tổng kinh phí thực hiện trên 538 tỷ đồng; tặng quà cho gần 5.384 trẻ em với tổng kinh phí trên 3,3 tỷ đồng từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Ngoài ra, tính đến ngày 22/02/2021 đã hỗ trợ cứu đói giáp hạt cho hơn 222,2 nghìn nhân khẩu với tổng lượng gạo là 3.333,7 tấn. Tính từ tháng 6/2020 đến nay, đây là tháng thứ 9 liên tiếp không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây khó khăn cho nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới thời gian qua.
Việt Nam cũng hoàn toàn đồng tình với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới đều thống nhất chung rằng, để vực dậy đà tăng trưởng trong năm 2021, thế giới cần sự chung tay, đoàn kết giữa Chính phủ các nước để đưa ra các kế hoạch cụ thể và hiệu quả./.