Ngày 21/6, tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức họp báo thông tin điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021.
|
Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P) |
Theo thống kê của NHNN mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0 - 6,0%/năm.
NHNN nhất quán chủ trương điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, duy trì thanh khoản hệ thống; đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản góp phần ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng trước các tác động khó lường của dịch COVID-19. Đến ngày 15/6, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong điều hành tín dụng, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân. Với các giải pháp điều hành đồng bộ, đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%).
Đặc biệt, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID - 19.
Theo thống kê tính đến ngày 31/5, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ hơn 1,277 triệu tỉ đồng.
|
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo (Ảnh: M.P) |
Tại buổi họp báo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ nay tới cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phục hồi sản xuất kinh doanh; tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất cho ảnh hưởng COVID-19; kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.
Trước thắc mắc tại buổi họp báo từ báo chí liên quan đến tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro như: Chứng khoán, bất động sản (BĐS), ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, nhìn vào xu thế tăng trưởng BĐS trong 3 năm đang có xu hướng giảm dần. Tính đến 30/4 tín dụng BĐS tăng 4,83%, dự kiến hết tháng 6 tăng 5,5%.
Ông Tuấn Anh khẳng định, tăng trưởng BĐS vẫn trong tầm kiểm soát chặt chẽ của NHNN. Đến thời điểm hiện tại giá đất nền tại các địa phương giảm nhiều, thị trường đã ổn định. Tuy nhiên, NHNN đánh giá tín dụng BĐS vẫn còn nhiều rủi ro, vì vậy chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực này.
Về chứng khoán, đến hết tháng 6 dự kiến tỷ trọng cho vay chứng khoán nằm trong khoảng 0,48% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, chiếm khoảng 46.700 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này không thay đổi nhiều so với tháng 4, tháng 5.
Tới đây NHNN sẽ có các giải pháp tiếp tục chỉ đạo các TCTD giám sát chặt chẽ cho vay ở lĩnh vực này, tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát, người vay sử dụng đúng mục đích.
Về trái phiếu doanh nghiệp, đến hết tháng 4 có khoảng 257,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dự báo đến hết tháng 6 tăng khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm nên NHNN cũng đề nghị các TCTD giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Tại buổi họp báo NHNN cho biết, trong điều hành tín dụng, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.
Về phía TCTD cần tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn./.