Dự báo vị trí và đường đi của bão số 4 (bão NORU). Ảnh NCHMF
Chiều nay (28/9), áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 4) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.
Hồi 13 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và tan dần.
Cảnh báo mưa lớn: từ chiều ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 180mm.
Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi trong bản tin dự báo mưa lớn tiếp theo.
Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 4.
Khẩn trương ứng phó bão số 4 (bão NORU).
TIN DỰ BÁO MƯA LỚN Ở KHU VỰC TỪ THANH HÓA ĐẾN BÌNH ĐỊNH, BẮC TÂY NGUYÊN, HÒA BÌNH, ĐỒNG BẰNG VÀ VEN BIỂN BẮC BỘ; MƯA DÔNG VÀ MƯA LỚN CỤC BỘ, LỐC, SÉT VÀ GIÓ GIẬT MẠNH Ở KHU VỰC PHÚ YÊN ĐẾN NINH THUẬN, NAM TÂY NGUYÊN VÀ NAM BỘ
Hiện nay (28/9), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định và Kon Tum đã có mưa to đến rất to và có nơi có dông. Lượng mưa tính từ 19h ngày 27/9 đến 08h ngày 28/9 có nơi trên 150mm như: Hương Khê (Hà Tĩnh) 199mm, Lộc Trì (Thừa Thiên Huế) 398mm, Bình Lâm (Quảng Nam) 629mm, Tiên Phước (Quảng Nam) 403mm, Đăk Choong (Kon Tum) 270mm,…
Dự báo: ngày 28/9, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 80mm.
Từ ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 180mm.
Ngày và đêm 28/9, ở khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Khu vực Hà Nội: từ ngày 28/9 đến ngày 29/9 có mưa vừa và dông, có nơi mưa to.
Cảnh báo: Mưa dông ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ còn duy trì trong nhiều ngày tới.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1.
CẢNH BÁO NGUY CƠ LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT RẤT CAO TẠI 60 QUẬN HUYỆN THUỘC 10 TỈNH THÀNH
Độ ẩm đất (lượng nước tích lũy trong đất) tính đến thời điểm 07 giờ ngày 28 tháng 9 năm 2022: Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã bão hòa hoặc đạt trạng thái gần bão hòa (trên 85%).
Diễn biến và dự báo mưa:
Trong 06 giờ qua (từ 01h/28/9 - 07h/28/9), ở khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã có mưa to, có nơi mưa rất to như: Đăk Rông 83 mm (Quảng Trị), Đầu mối hồ Việt An 542 mm (Quảng Nam), Nam Đông 138 mm (Thừa Thiên Huế), Trà Phú 110 mm (Quảng Ngãi), Đắk Glei 134mm (Kon Tum), …
Dự báo trong 06 giờ tới, một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 50-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Cảnh báo: Nguy cơ cao, rất cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc đối với hàng chục huyện tại 10 tỉnh, thành (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum).
Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa, có 7 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao gồm: Lang Chánh, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Sơn.
Tỉnh Nghệ An, 7 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao gồm: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Thanh Chương, Tương Dương, Kỳ Sơn.
Tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO, 3 huyện nguy cơ cao gồm: Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ.
Tỉnh Quảng Bình, huyện Minh Hóa nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO, 2 huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch nguy cơ cao.
Tỉnh Quảng Trị, 2 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO gồm: Hướng Hóa, Đăk Rông, 4 huyện nguy cơ cao gồm: Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Vĩnh Linh.
Tỉnh Thừa Thiên Huế, 4 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO gồm: Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc; 2 huyện thị nguy cơ cao gồm: Hương Thủy và TX Hương Trà.
Thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO; quận Sơn Trà nguy cơ cao.
Tỉnh Quảng Nam, 13 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO gồm: Núi Thành, Thăng Bình, Nông Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Giang, Tây Giang, Phú Ninh, Đông Giang; 3 huyện nguy cơ cao gồm: Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên.
Tỉnh Quảng Ngãi, huyện Trà Bồng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO; 5 huyện nguy cơ cao gồm: Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây, Tây Trà.
Tỉnh Kon Tum, 4 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO gồm: Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Ngọc Hồi; 3 huyện nguy cơ cao gồm: Kon Plông, Đăk Tô, Đăk Hà.
Xem chi tiết tại địa chỉ website: https://s.nchmf.gov.vn/Home/IndexSatLo
Bão số 4 (bão NORU) giật trên cấp 17 tiến nhanh vào các tỉnh Trung Trung Bộ. Ảnh Hải quân Mỹ
Thủ tướng: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cấp bách ứng phó bão số 4. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Bão số 4 cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, diễn biến còn rất phức tạp, khó dự báo
Sau những chỉ đạo liên tiếp ứng phó bão số 4 (bão NORU) tại các cuộc họp, trưa 27/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 865/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão nguy hiểm này.
Công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum; các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nêu rõ:
Bão số 4 dự báo với cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta; diễn biến của bão còn rất phức tạp, khó dự báo, trong khi khả năng chống chịu của nhà dân, cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, an toàn khi xảy ra bão mạnh hết sức khó khăn.
Tính đến 8 giờ ngày 27/9, các âu tàu, làng chài do Hải đoàn 129 Hải quân quản lý, vận hành ở các đảo Sinh Tồn, Núi Le, Tốc Tan thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà đã đón 36 lượt tàu cá với hơn 700 ngư dân vào tránh trú bão số 4.
Ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của Nhân dân
Để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của Nhân dân.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại công tác ứng phó, triển khai ứng phó cụ thể phù hợp với diễn biến thực tế của bão trên địa bàn theo chỉ đạo tại Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cấp bách ứng phó bão số 4
Thứ nhất, các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.
- Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đình hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết, cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai chống bão số 4, cần phân công từng đồng chí trong Thường vụ, lãnh đạo trực tiếp xuống từng địa bàn trọng điểm ứng trực để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
- Tập trung rà soát, cương quyết sơ tán triệt để tất cả người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản, khu vực ven biển, cửa sông, trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập sâu trước khi bão đổ bộ vào (cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sơ tán, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân); chủ động bố trí lực lượng bảo đảm an ninh an toàn, bảo vệ tài sản cho người dân; bảo đảm lương thực, nước uống, an toàn phòng chống dịch cho người dân tại nơi sơ tán đến.
Khoảng 350 tàu cá tập trung về neo đậu tại vũng neo đậu Tịnh Hòa (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh Báo Biên phòng
- Tiếp tục rà soát phương tiện, tàu thuyền, không để tàu thuyền hoạt động trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão (kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch, các phương tiện hoạt động ven bờ, vùng cửa sông); hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu.
- Huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản đến kỳ thu hoạch, chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… để hạn chế thiệt hại khi bão, lũ.
- Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ vào bờ để bảo đảm an toàn.
- Tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm tại những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở chia cắt khi mưa lũ.
- Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có tình huống, nhất là cứu hộ cứu nạn trên biển, trên sông và những nơi bị chia cắt.
Kiểm soát chặt chẽ, không để tàu thuyền đi vào vùng ảnh hưởng của bão NORU
Thứ hai, các địa phương khác phải tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, trong đó kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, phương tiện không để đi vào khu vực ảnh hưởng của bão số 4; chủ động triển khai các phương án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất tại vùng núi, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước…
Thứ ba, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, dự báo chính xác nhất, cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan liên quan và người dân để phòng, chống hiệu quả, giảm thiệt hại.
Công an thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế sơ tán những người tàn tật đi tránh bão.
Đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn cho người yếu thế
Thứ tư, các bộ, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó bão số 4, đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn cho các đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, học sinh, phụ nữ và du khách; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng, an toàn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ,…
Thứ năm, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.
Thứ sáu, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân và các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp các ngành để Nhân dân biết, chủ động phòng, chống.
Thứ bẩy, Ban chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ.
Thứ tám, Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ; cập nhật kịp thời, bám sát diễn biến thực tế để chủ động báo cáo Ban chỉ đạo tiền phương và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền./.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thời gian không còn nhiều, phải khẩn trương ứng phó bão NORU với tinh thần quyết liệt nhất, đặt mục tiêu đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng: Phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống "cao hơn 1 cấp"
Từ 7h sáng 27/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (Noru). Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Cuộc họp được kết nối trực tiếp đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố, trụ sở UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn có liên quan.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, theo dự báo của các cơ quan chức năng, cơn bão số 4 diễn biến phức tạp, tăng 2 cấp so với ngày hôm qua, cường độ mạnh, di chuyển nhanh trong khi khả năng ứng phó còn có những hạn chế.
Thủ tướng nhất trí với quan điểm công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động chuẩn bị, nếu chuẩn bị tốt thì khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến thì vẫn bảo đảm an toàn, ngược lại nếu bão đổ bộ mạnh hơn dự kiến mà không chuẩn bị tốt thì thiệt hại sẽ lớn.
Những ngày qua, các địa phương đã hướng dẫn gần 58.000 tàu thuyền với khoảng 300.000 lao động di chuyển, tránh trú; gia cố, di dời 4.500 lồng bè thủy sản; lên kế hoạch và tiến hành sơ tán trên 100.000 hộ với gần 400.000 dân tại các vùng nguy cơ cao.
Thủ tướng hoan nghênh tinh thần của các tỉnh, thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo. Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời tiết thế nào, như khi trước bão thì có thể trời quang, mây tạnh. Đồng thời cũng không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng và tài sản người dân, không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh.
Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã triển khai các phương án, lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão số 4 (bão Noru). Ảnh QĐND
Thời gian không còn nhiều, phải khẩn trương ứng phó bão NORU với tinh thần quyết liệt nhất, đặt mục tiêu đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Vừa phòng tốt, vừa chống đỡ có hiệu quả với phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là bảo vệ tính mạng người dân, cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm; trong đó hết sức chú ý bảo vệ các đối tượng yếu thế, học sinh, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch phải ở lại do bão…
Thủ tướng yêu cầu, thời gian không còn nhiều, các bộ ngành, địa phương liên quan từ tỉnh tới cấp huyện, cấp xã phải rà soát lại và tiếp tục triển khai ngay các công việc. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo chính xác nhất có thể, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan, người dân.
Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, đình hoãn các cuộc họp không cấp bách để tập trung chỉ đạo ứng phó bão; phân công các đồng chí trong đảng ủy, thường vụ đảng ủy xuống kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trọng điểm, ứng trực, chỉ đạo ứng phó tại cơ sở.
Thủ tướng: Cương quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Cương quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Thủ tướng yêu cầu cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, ven biển, cửa sông, nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu. Việc sơ tán dân, nhất là vùng ven biển phải hoàn thành sớm nhất thể, trước khi bão đổ bộ.
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, cần thiết thì cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân. Không để người dân ở lại trên lồng bè, tàu thuyền, khu vực không an toàn, rất khó khăn khi ứng cứu trong lúc bão đổ bộ và nguy cơ cao thiệt hại.
Các địa phương, các lực lượng chức năng như công an, quân đội bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn để người dân yên tâm sơ tán, bố trí lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, chuẩn bị y tế cho người dân.
Rà soát tàu thuyền, liên hệ tới từng chủ tàu, không để tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn; rút kinh nghiệm từ ứng phó các cơn bão trước đây khi hàng trăm tàu thuyền hư hỏng do va chạm trong lúc neo đậu.
Huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão. Ảnh QĐND
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập
Bộ Xây dựng hướng dẫn các biện pháp bảo vệ, hạn chế tình trạng đổ sập, tốc mái các công trình. Chủ động kiểm soát hoạt động đi lại, phân luồng, hướng dẫn giao thông bảo đảm an toàn; hạn chế người dân ra đường khi bão đổ bộ. Kiểm tra lại các cây lớn dễ đổ, gãy để có biện pháp xử lý an toàn phù hợp.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập. Bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, nhất là trên biển, trên sông và các khu vực bị cô lập, chia cắt.
Các bộ ngành triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, an toàn hồ đập, các công trình sản xuất, dịch vụ, dầu khí trên biển…
Lực lượng vũ trang chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị hỗ trợ các địa phương ứng phó bão. Các cơ quan báo chí – truyền thông phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền về ứng phó bão, nhất là các kỹ năng ứng phó bão, bằng mọi biện pháp có thể để thông tin nhanh nhất về thiên tai tới người dân.
Qua cuộc họp, có thể thấy thông tin liên lạc cơ bản được kết nối tốt, cần tiếp tục duy trì thông suốt thông tin liên lạc trong mọi tình huống. Ban Chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ lụt. Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai theo dõi, cập nhật diễn biến kịp thời để báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
Còn 177/ 1.398 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 4 (bão NORU)
KHẨN!!!!!! Còn 177 tàu cá/1.398 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm
Sáng 26/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai có văn bản hỏa tốc số 76/QGPCTT gửi Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định về việc đảm bảo an toàn ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Văn bản nêu rõ, bão số 4 (bão NORU) đang hoạt động trên khu vực biển Đông. Đây là cơn bão rất mạnh (cường độ cấp 13-14, giật cấp 16), di chuyển nhanh và đổ bộ vào đất liền nước ta trong ngày 28/9/2022.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h00 ngày 26/9/2022, hiện có 177 tàu cá/1.398 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 4.
Trong đó: Đà Nẵng 07 tàu/45 ngư dân; Quảng Nam: 18 tàu/213 ngư dân; Quảng Ngãi 87 tàu/684 ngư dân; Bình Định 65 tàu/456 ngư dân.
Cảnh sát giao thông đường thủy Công an thành phố Đà Nẵng tuần tra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy không để xảy ra bất cứ sự cố nào đáng tiếc khi có bão.
Bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 177 tàu cá thoát ra khỏi vùng nguy hiểm
Để đảm bảo an toàn tàu thuyền, không để xảy ra thiệt hại trên biển, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND – Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá nêu trên di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Báo cáo công tác triển khai và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo trước 6h30 và 17h00 hàng ngày để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Ảnh VGP/Nhật Bắc
THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH: TẬP TRUNG ỨNG PHÓ BÃO NORU THEO PHƯƠNG CHÂM "BỐN TẠI CHỖ" VỚI TINH THẦN KHẨN TRƯƠNG, QUYẾT LIỆT NHẤT
Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Phát biểu mở đầu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian chỉ đạo về công tác ứng phó cơn bão số 4.
Trước lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc cơn bão Durian (hay bão số 9 tại Việt Nam) cuối năm 2006 đã gây thiệt hại rất lớn về người và của (khoảng 10.000 tỷ đồng ở thời điểm đó).
Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của người dân
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã họp và có các chỉ đạo ứng phó bão số 4; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đang có mặt ở miền Trung để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó bão.
Thủ tướng cho biết ông vừa gọi điện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung và được báo cáo là ở nhiều nơi vẫn "trời quang mây tạnh". Điều này có thể khiến nhiều người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Ông nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến của bão.
Trong đó, hết sức quan tâm một số nhiệm vụ: Khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…
Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Hải quân Mỹ dự báo vị trí và đường đi của bão NORU.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO KHẨN CẤP ỨNG PHÓ BÃO NORU
Triển khai các biện pháp khẩn trương, quyết liệt nhất, ứng phó Bão NORU (Bão số 4)
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan và các địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 (bão NORU).
Công điện nêu rõ: Cơn bão có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông (và sẽ trở thành cơn bão số 4 hoạt động trên Biển Đông từ đầu năm 2022), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi vào Biển Đông bão số 4 có thể vẫn duy trì sức gió rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 16 (khi đến Nam quần đảo Hoàng Sa), khi vào gần bờ có thể vẫn mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.
Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo từ ngày 26/9 bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và bắc Biển Đông.
Chiều tối ngày 27/9 bão NORU sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.
Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Căn cứ diễn biến bão NORU, các địa phương chủ động cấm biển, cho học sinh nghỉ học
Thứ nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.
Thứ hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ;
Phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở;
Căn cứ diễn biến và dự báo bão, ban hành Lệnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn;
Khẩn trương rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch);
Rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét,…;
Chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
Kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trước và trong khi bão đổ bộ và mưa lũ,…
Bão NORU
Triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tàu thuyền, hệ thống điện,…
Thứ ba, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tàu thuyền, hoạt động thủy sản, hệ thống điện, bảo đảm an toàn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, …
Thứ tư, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vận tải hoạt động trên biển, vùng cửa sông, trên sông, đặc biệt lưu ý những khu vực đã từng xảy ra các sự cố tàu vận tải khi có bão, lũ; phối hợp với Bộ Công an và các địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các trục giao thông chính.
Thứ năm, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hệ thống hạ tầng thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai trong mọi tình huống.
Thứ sáu, các Bộ: Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành khác có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão số 4 và mưa lũ do bão, đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn cho học sinh, khách du lịch khi xảy ra bão, lũ.
Thứ bẩy, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình, chủ động liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho người dân và tàu thuyền của Việt Nam vào trú tránh bão khi có yêu cầu của địa phương.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn
Thứ tám, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị đóng trên địa bàn rà soát phương án, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thứ chín, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục theo dõi, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp các ngành để Nhân dân biết, chủ động phòng, chống.
Thứ mười, giao Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức trực ban, nắm chắc tình hình, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, địa phương triển khai công tác ứng phó cụ thể sát với diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Khẩn trương, quyết liệt ứng phó bão NORU theo phương châm 4 tại chỗ.
Ứng phó bão Noru: Bộ Y tế yêu cầu trực cấp cứu 24/24h, duy trì chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết
Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, Bộ Y tế đã ban hành công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lớn kéo dài ở khu vực miền Trung, Bộ Y tế (Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh - Bình Thuận, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Công điện số 29/CĐ-QG ngày 24/9/2022 và các văn bản liên quan về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ.
Các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống; tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân.
Các tỉnh ven biển, khu vực miền núi đề phòng nguy cơ úng lụt, sạt lở đất do mưa bão gây ra; rà soát kế hoạch phòng chống lụt bão, các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động, sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cùng đó, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức phòng, chống lụt bão.
Bộ Y tế nêu rõ, nhận được Công điện này, đề nghị Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các đơn vị có liên quan khẩn trương, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế.
Phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận phòng, chống thiên tai
CÔNG ĐIỆN SỐ 14/CĐ-V01 CỦA BỘ CÔNG AN CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ BÃO NORU
Ngày 24/9, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 14/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về việc chủ động ứng phó với bão NORU và mưa lớn kéo dài.
Nội dung Công điện nêu rõ: Dự báo đêm ngày 25/9, bão Noru vào biển Đông với sức gió cấp 9-10, giật cấp 13 và có xu hướng mạnh thêm; đến ngày 27/9, sáng ngày 28/9 bão đổ bộ khu vực miền Trung với sức gió vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông: Cấp 3.
Ngoài ra, khu vực Bắc Trung Bộ hiện nay đã có mưa lớn từ 100-200mm và dự báo còn tiếp tục mưa trong những ngày tới.
Với yêu cầu chủ động ứng phó bão và mưa lớn kéo dài ở khu vực miền Trung, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó bão và mưa lớn.
Thứ hai, căn cứ vào diễn biến của bão, mưa lớn khẩn trương triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận phòng, chống thiên tai: Đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa phương, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra thiên tai; chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.
Thứ ba, đối với khu vực ven biển các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận: Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội.
Thứ tư, đối với trên đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi: Huy động lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch.
Thứ năm, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại; kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai.
Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai.
Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323; Fax: 069.2341044).
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức họp trực tuyến thảo luận về diễn biến cơn bão gần Biển Đông Noru.
NORU là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, còn phức tạp khi đi vào Biển Đông
Sáng 24/9, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức họp trực tuyến thảo luận về diễn biến cơn bão gần Biển Đông Noru và tình hình mưa lớn, lũ ở miền Trung. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp các chuyên gia nhận định cơn bão Noru là một cơn bão mạnh với cường độ có thể đạt cấp 11-12, tốc độ di chuyển nhanh và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn cả khu vực Trung Bộ và còn phức tạp khi đi vào Biển Đông.
Các chuyên gia cũng lưu ý, các khu vực ven bờ, theo dõi cập nhật liên tục các bản tin khi bão.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường đề nghị Trung tâm Dự báo tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục những thông tin mới nhất về cơn bão Noru để các đơn vị có phương án ứng phó kịp thời, khi bão vào biển Đông, khu trú các khu vực trọng điểm ảnh hưởng của cơn bão này.
Phối hợp chặt chẽ với các Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng cập nhật các thông tin ứng phó và các phương án tổ chức di dân khi bão gần bờ.
Các đơn vị Tổng cục Khí tượng thủy văn đảm bảo hoạt động trạm quan trắc ổn định từ hệ thống trạm đo gió, radar.., đường truyền và xử lý số liệu thông suốt đảm bảo phục vụ công tác dự báo cảnh báo.
Tiếp tục theo dõi và tổ chức các phiên thảo luận trực tuyến tiếp theo về diễn biến của cơn bão.
Sáng 24/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 29/CĐ-QG chỉ đạo ứng phó bão NORU và mưa lớn kéo dài.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn kéo dài ở khu vực miền Trung, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với khu vực ven biển các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận:
- Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
- Sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển.
2. Đối với trên đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi:
- Khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao.
- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt.
- Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
- Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
- Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
- Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
3. Đối với các Bộ, ngành:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
- Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân và tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
- Bộ Quốc phòng chỉ đạo kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền; rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
- Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan tại địa phương đảm bảo an toàn cháy nổ và trật tự xã hội tại các khu neo đậu, tránh trú; hướng dẫn, điều tiết giao thông khu vực dự kiến bão đổ bộ, mưa lớn, ngập lụt.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu cá, khu nuôi trồng thủy sản; an toàn đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công.
- Bộ Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, nhất là các thủy điện nhỏ; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, hệ thống lưới điện.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng đảm bảo thông tin liên lạc và sẵn sàng tổ chức nhắn tin đến thuê bao trong khu vực bị ảnh hưởng; chỉ đạo các các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.
- Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
CÔNG ĐIỆN CỦA BỘ CÔNG AN CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ BÃO NORU, MƯA LỚN KÉO DÀI
Ngày 24/9/2022, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 14/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về việc chủ động ứng phó với bão Noru và mưa lớn kéo dài.
Nội dung Công điện nêu rõ:
Dự báo đêm ngày 25/9, bão Noru vào biển Đông với sức gió cấp 9-10, giật cấp 13 và có xu hướng mạnh thêm; đến ngày 27/9, sáng ngày 28/9 bão đổ bộ khu vực miền Trung với sức gió vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông: Cấp 3. Ngoài ra, khu vực Bắc Trung Bộ hiện nay đã có mưa lớn từ 100-200mm và dự báo còn tiếp tục mưa trong những ngày tới.
Với yêu cầu chủ động ứng phó bão và mưa lớn kéo dài ở khu vực miền Trung, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó bão và mưa lớn.
2. Căn cứ vào diễn biến của bão, mưa lớn khẩn trương triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận phòng, chống thiên tai: Đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa phương, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra thiên tai; chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.
3. Đối với khu vực ven biển các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận: Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội.
4. Đối với trên đất liền các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi: Huy động lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch.
5. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại; kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323; Fax: 069.2341044).
Khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đề điều ứng phó bão NORU
Tổng cục phòng chống thiên tai vừa ban hành Công văn số 963/PCTT-QLĐĐ ngày 24/9/2022 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều ứng phó bão Noru chuẩn bị đi vào biển Đông.
Công văn nêu rõ, theo bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trên khu vực ngoài khơi phía đông Philippines đã xuất hiện cơn bão Noru. Khoảng đêm 25/9 đến sáng 26/9 bão đi vào biển Đông.
Đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống đê điều các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Để chủ động ứng phó với bão, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tổ chức kiểm tra các tuyến đê biển, đê cửa sông; triển khai phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, gia cố các vị trí đê, kè có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ.
Thứ hai, kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đang thi công dở dang, đặc biệt các công trình trực diện biển và có giải pháp đảm bảo an toàn.
Thứ ba, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn đê điều.
Thứ tư, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện./.
Khoảng tối và đêm 25/9 bão đi vào Biển Đông
Ngày 23/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có công văn gửi Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai về việc nhận định khả năng xuất hiện bão trên Biển Đông trong những ngày tới.
Công văn nêu rõ: Sáng 23/9, áp thấp nhiệt đới có vị trí ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc, 132,2 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Philippines) khoảng 1.200km về phía Đông, cường độ cấp 7, giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đi về phía Tây và có khả năng mạnh lên thành bão với xác suất trên 80%.
Đến khoảng tối và đêm 25/9, bão sẽ đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa).
Sau đó, bão còn có khả năng tiếp tục di chuyển nhanh về phía Tây, hướng về đất liền nước ta.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cung cấp thông tin cập nhật về diễn biến cơn bão.
Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai vừa ban hành văn bản hỏa tốc số 495/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên về việc chủ động ứng phó với với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong những ngày tới.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Thứ hai, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thứ ba, trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Hải quân Mỹ dự báo vị trí và đường đi của bão Noru.
Áp thấp ngoài khơi Philippines mạnh lên thành bão Noru, hướng về Biển Đông
Chiều 23/9, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Noru - Báo Tiền phong đưa tin.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiều khả năng đêm 25/9 đến sáng 26/9, bão Noru sẽ vượt qua Philippines đi vào phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành bão số 4 của mùa mưa bão năm nay.
Khi vào Biển Đông, bão có khả năng mạnh thêm, hướng về phía đất liền nước ta và gây ra đợt mưa lớn ở miền Trung trong khoảng 27-29/9. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn đang theo dõi chặt chẽ và cập nhật diễn biến mới nhất về bão Noru.
Ông Lâm cũng cho biết, đêm nay (23/9) đến đêm mai (24/9) sẽ là đỉnh điểm của đợt mưa lớn đang diễn ra ở miền Trung, miền Bắc. Trong đó lượng mưa phổ biến khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị từ 200-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thừa Thiên Huế từ 60-120mm, có nơi trên 150mm.
Dự báo mưa dông ở miền Bắc kéo dài đến khoảng 25/9. Từ 26/9 mưa giảm. Tuy nhiên ngay sau đó, miền Bắc, miền Trung có thể đối mặt với mưa rất lớn do bão số 4 gây ra. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Ông Lâm cho biết thêm, miền Trung đang bước vào cao điểm của mùa mưa bão năm nay, trong đó đỉnh điểm là tháng 10 và 11. Khu vực này có thể đối mặt với nguy cơ mưa bão dồn dập, kéo dài theo khả năng xảy ra lũ lụt và sạt lở đất.
Dự báo trong tháng 10, tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực trên cả nước đều cao hơn hẳn trung bình nhiều năm, trong đó miền Bắc có thể cao hơn từ 20-40%, Nam Bộ có thể cao hơn 10-20%, miền Trung có thể cao hơn từ 20-50%. Đáng kể nhất là Tây Nguyên, lượng mưa trung bình trong tháng 10 năm nay ở khu vực này có thể cao hơn trung bình nhiều năm từ 40-80%.