Tin cuối cùng về cơn bão số 11; không khí lạnh tăng cường 

(Chinhphu.vn) - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, kết hợp với không khí lạnh ở Vịnh Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa diện rộng, khu vực phía Đông Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, có nơi mưa to như Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 50mm, Móng Cái (Quảng Ninh) 37mm,…

 

Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 11. Ảnh NCHMF

 

 

 

 

 

 

 

Tối 16/10, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.

Hồi 19 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Dự báo trong 6 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km, tiếp tục suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh, Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang tiếp tục có mưa rào và dông, gió tây nam cấp 5, có lúc cấp 6, trong cơn dông có khả năng giật cấp 7-9; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 11.

 

 

 

 

Tin không khí lạnh tăng cường

 

 

 

Sáng sớm 17/10 không khí lạnh đã ảnh hưởng hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và hầu hết các nơi ở trung Trung Bộ.

Dự báo: Ngày và đêm nay, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên trong ngày và đêm nay ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa. Gió đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4.

Các tỉnh miền Bắc trời lạnh, vùng núi trời rét với nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 17-20 độ, vùng núi dưới 17 độ.

Hà Nội trong ngày và đêm nay có mưa. Trời lạnh với nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 18-20 độ.

Ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) ngày hôm nay còn có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động.

Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, trong cơn dông có khả năng giật cấp 7-9; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

 

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo tiếp tục tập trung hỗ trợ tỉnh Hòa Bình và các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

 

Nội dung ý kiến chỉ đạo như sau:  Xét báo cáo và đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình tại các văn bản số 214/BC-UBND ngày 15/10/2017, số 213/BC-UBND ngày 14/10/2017 và của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hòa Bình tại văn bản số 388/BC-BCSĐ ngày 12/10/2017 về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ và sạt lở đất do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

 

 1. Về công tác khắc phục hậu quả thiên tai: Yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình và các bộ, cơ quan có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1560/CĐ-TTg ngày 12/10/2017 về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Hòa Bình, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

 

- UBND tỉnh Hòa Bình bằng mọi biện pháp tiếp cận, tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực bị thiên tai, nhất là các xã vùng cao của huyện Đà Bắc, không để người dân bị đói, rét, bệnh tật; bố trí chỗ ở tạm, có phương án tái định cư cho các hộ bị mất nhà cửa do lũ, sạt lở đất, các hộ phải di dời.

 

 - Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông, sớm thông tuyến vào một số xã còn bị cô lập đường bộ tại khu vực vùng cao của huyện Đà Bắc, phục vụ công tác cứu trợ, khắc phục thiên tai.

 

 - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 3 và các lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức tìm kiếm những người còn mất tích.

 

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau lũ theo đề xuất của các địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình.

 

- Bộ Y tế chủ động xử lý, hỗ trợ cơ số thuốc cần thiết theo đề nghị của các địa phương, chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các khu vực bị ngập lũ.

 

- Các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng và các bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục sản xuất, ổn định sinh hoạt của nhân nhân, nhất là đối với hệ thống giao thông, điện, sản xuất nông nghiệp. 

 

2. Đối với tình trạng sạt lở đất tại đồi Ông Tượng và một số khu vực khác:

 

 - Tiếp tục rà soát, tổ chức di dời ngay các hộ dân, các cơ sở sản xuất-kinh doanh ra khỏi các khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn; chủ động triển khai các phương án di chuyển dân, tái định cư, hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân theo chế độ, chính sách hiện hành.

 

- UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo tiếp tục tăng cường quan trắc, theo dõi giám sát diễn biến sạt lở để chủ động cảnh báo, triển khai các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng của nhân dân và nhà nước.

 

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các cơ quan liên quan và các nhà khoa học tổ chức Đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực tế, phối hợp với địa phương nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, tác động, ảnh hưởng của hiện tượng sạt lở đất tại khu vực trên đến khu dân cư và công trình lân cận trong khu vực để chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

 

3. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng Dự án tổng thể di dời dân cư khẩn cấp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương, nhất là tại các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Hòa Bình, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

 

 

 

 

 

 

72 người chết, 30 người mất tích, nhiều xã vẫn đang bị cô lập

Báo cáo ngày 16/10 của Ban Chỉ  đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 21h00 ngày 15/10, đợt mưa lũ lịch sử đã làm 72 người chết (tăng 4 người so với báo cáo ngày 14/10 do đã tìm thấy thi thể). Trong đó, Sơn La 6 người; Yên Bái 15 người, tăng 1 người; Hòa Bình 23 người, tăng 3 người; Thanh Hóa 16 người; Nghệ An 9 người, Hà Nội 2 người; Quảng Trị: 1 người). Trận mưa lũ cũng làm 30 người mất tích, 33 người bị thương.

Về sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đến chiều ngày 15/10, đã tìm được 13 thi thể nạn nhân bị vùi lấp; còn 5 người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.

Về nhà cửa, 222 nhà bị sập đổ hư hỏng; 2.300 nhà di dời khẩn cấp; 49.402 nhà bị ngập; hiện nay mực nước đang rút, các địa phương tiếp tục tổ chức thống kê, tổng hợp.

Về chăn nuôi, 9.300 con gia súc và 290.523 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về giao thông, tại Yên Bái: Tuyến đường tỉnh lộ 166 đoạn Âu Lâu-Đông An tại Km 42+200 đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông.

Tại Hòa Bình: Quốc lộ 6 đoạn ngã ba Tòng Đậu, huyện Mai Châu hiện đã thông tuyến nhưng lưu thông gặp nhiều khó khăn do nước chưa rút hết.

Tại Sơn La: Đường giao thông đến xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; xã Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ hiện vẫn bị cô lập (cầu Bản Đông xã Tường Phù, cầu gỗ xã Mường Cơi, cầu tại QL37, cầu Bản Kháng bị cuốn trôi; cầu Gia Phù bị trôi 2 mố).

Tại Thanh Hóa: Quốc lộ 16 đoạn qua huyện Thường Xuân Km168-Km190, tỉnh lộ 521B tại Km18+300 xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tuyến đường tuần tra biên giới đoạn qua huyện Thường Xuân, Quan Sơn còn ách tắc, chưa thông tuyến.

Về nông, lâm nghiệp và tiêu úng, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tính đến chiều ngày 15/10 diện tích ngập úng, đổ, ngã còn 75.600ha (giảm 50.915ha so với báo cáo nhanh ngày 14/10), trong đó: Nam Định 22.600ha; Hà Nam 11.640 ha, Ninh Bình 14000ha, Thanh Hóa 27.405ha). Theo dự kiến, tình hình ngập úng nặng sẽ còn tiếp diễn trong 5-6 ngày tới ở các tỉnh Hà Nam và Nam Định; 3-4 ngày ở tỉnh Ninh Bình.

Tỉnh Thanh Hóa còn xã Trung Chính (Nông Cống) và chỉ một phần xã Yên Giang (Yên Định) vẫn bị cô lập.

 

 

Khẩn trương xử lý các sự cố

 

Trong thông báo phát đi sáng 15/10, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện Công điện số 1560/CĐ-TTg ngày 12/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Công điện số 82/CĐ-TW ngày 13/10/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 11.

 

Tập trung cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết bị nạn.

 

Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo; tình hình xả lũ các hồ chứa tại các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ để cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp.

 

Tăng cường tuần tra canh gác, kiểm tra, phát hiện và khẩn trương xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng về đê điều, hồ đập, giao thông, hệ thống điện, nhất là các trọng điểm xung yếu tại các địa phương đã chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua để chuẩn bị ứng phó với bão số 11 và các đợt mưa lũ tiếp theo.

 

Tuyệt đối không được chủ quan

Chiều 14/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì họp ứng phó với bão số 11.

Bộ trưởng nhấn mạnh cần chú ý rằng bão 11 vào trong hoàn cảnh nhiều địa phương vừa trải qua mưa lũ lớn, thiệt hại nặng nề, sẽ làm gia tăng rủi ro thiên tai.

"Mưa lũ đã tàn phá làm thiệt hại về người và kinh tế. Các địa phương đang gồng mình khắc phục hậu quả. Đây là diễn biến bất lợi cho ứng phó với bão 11. Vì vậy công tác ứng phó tuyệt đối không được chủ quan ngay từ bây giờ" - Bộ trưởng lưu ý.

 

* Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 15/10/2017, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 75.145 tầu, thuyền/ 309.279 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển vòng tránh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Cụ thể, hoạt động ở khu vực từ Bắc Vĩ tuyến 17 (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) 74 tàu/ 618 lao động; hoạt động ở các vùng biển khác và neo đậu tại các bến 75.071 tàu/ 308.661 lao động.

 

Dự báo vị trí và đường đi của bão. Ảnh Hải quân Mỹ

Bộ Công an chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 11

 

Ngày 13/10, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Bộ Công an có Công điện số 14 gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và khu vực Bắc Bộ; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN: Tổng cục VIII, K20; Cục C66, C67 về việc ứng phó với cơn bão số 11 (bão Khanun).

 

Công điện nêu rõ: Để chủ động ứng phó với các tình huống của Bão và mưa, lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu Bão gây ra, Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an yêu cầu Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

 

1. Thực hiện nghiêm túc Công điện số 82/CĐ-TW ngày 13/10/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của chính quyền địa phương về công tác ứng phó với bão, mưa, lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu Bão gây ra.

 

2. Đối với Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, theo dõi chặt diễn biến của Bão, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền.

 

3. Đối với Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh khu vực Bắc Bộ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của Bão, mưa, lũ sau bão trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản và công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đặc biệt là những địa phương đang chịu ảnh hưởng của đợt mưa, lũ sau áp thấp nhiệt đới vừa qua.

 

4. Tăng cường lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.

 

5. Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ.

 

Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

 

6. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng ngày trước, trong và sau Bão về Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an (qua Văn phòng ƯPT: SĐT 069.23.201.60, 069.23.201.52, Fax 069.23.201.52, 069.23.201.60)./.

 

* Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện hỏa tốc số 82/CĐ-TW ngày 13/10 gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và khu vực Bắc Bộ; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, GTVT, Ngoại giao, TNMT, TTTT, NNPTNT chỉ đạo ứng phó bão.

Theo đó, để chủ động ứng phó bão, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các bộ ngành, địa phương (khu vực trên biển, ven bờ) thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đồng thời, theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.

Đối với khu vực đất liền, kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu hạ du nhất là các hồ xung yếu, hồ nhỏ đầy nước, đặc biệt là ở những địa phương đang chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ sau ATNĐ vừa qua.

Sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu...

Kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm

 

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng có công điện đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng tiếp tục thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão 11 để chủ động đối phó, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. 

 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tiếp tục kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; tập trung hướng dẫn, đôn đốc tàu cá rời khỏi khu vực nguy hiểm; thường xuyên cung cấp tình hình tàu thuyền cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

 

* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

 

Công điện cho biết, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra, thị sát tình hình ngập lụt, thiệt hại, thăm hỏi chính quyền và nhân dân vùng ngập lũ tại tỉnh Ninh Bình và khu vực sạt lở đất tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc tỉnh Hoà Bình. Thủ tướng Chính phủ chia sẻ khó khăn của người dân và chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai vừa qua, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân những người bị nạn; biểu dương và đánh giá cao sự chủ động của các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, các cơ quan, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông và người dân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất.

 

Hiện nay, áp thấp nhiệt đới gần biển Đông đang di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta và có khả năng mạnh lên thành bão. Trong những ngày tới, lũ hạ lưu một số sông còn ở mức cao, thiên tai còn diễn biến phức tạp, tiếp theo Công điện số 1533/CĐ-TTg ngày 11/10/2017, để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, hạn chế thiệt hại tiếp tục xảy ra, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

 

1. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi tiếp tục theo dõi, kịp thời chỉ đạo ứng phó với mọi tình huống, đề phòng xảy ra sạt lở đất sau nhiều ngày mưa lớn, đất bão hoà nước.

 

2. Uỷ ban nhân dân địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua, nhất là các tỉnh: Ninh Bình, Hoà Bình, Yên Bái, Thanh Hoá tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm những người còn mất tích; chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là những hộ gia đình có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương. Hỗ trợ mai táng người bị nạn và tổ chức chu đáo việc mai táng cho những người bị nạn không còn người thân thích; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời. Bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là các khu vực xung yếu. Tiếp tục kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường sau lũ; khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, hệ thống điện để bảo đảm sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. 

 

3. Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các Quân khu 2, 3, 4, Ban Chỉ huy quân sự các địa phương và các lực lượng đóng trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của các địa phương, nhất là tại các tỉnh Hoà Bình, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hoá.

 

4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra khắc phục giao thông trên các tuyến Quốc lộ, đường sắt, hỗ trợ các địa phương kịp thời khắc phục các điểm bị sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông, nhất là trên các trục giao thông chính.

 

5. Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở tập trung cứu chữa miễn phí đối với những người bị thương; hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút và tại các khu vực bị sạt lở, lũ quét, khôi phục cơ sở khám chữa bệnh bị thiệt hại.

 

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, tập trung khắc phục nhanh các sự cố đê điều, hồ đập, tiêu úng bảo vệ sản xuất, có phương án chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất nông nghiệp sau lũ.

 

7. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan bảo đảm an toàn các hồ thủy điện, khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố đối với hệ thống điện, sớm cấp điện trở lại phục vụ tiêu úng chống ngập và đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.

 

8. Các Bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, kịp thời hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.

 

9. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và  địa phương tiếp tục triển khai lực lượng bám sát tình hình, làm tốt công tác truyền thông, đưa tin kịp thời về công tác chỉ đạo, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

 

10. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp đối phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả theo quy định./.

436 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 678
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 679
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87224637