Tìm hướng đi cho trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam 

(ĐCSVN) - Trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động lên các ngành kinh tế trên toàn thế giới, mang lại cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian xử lí, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 

Các chuyên gia cùng tham luận trong phiên tọa đàm tại Hội thảo

Đó là những nội dung chính được bàn thảo tại Phiên hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế năm 2019 diễn ra trong hai ngày 16-17/1, tại Hà Nội, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban cán sự Đảng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ quốc hội đồng tổ chức với tiêu đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”.

Tại chuyên đề này, các ý kiến đã tập trung đánh giá xu hướng phát triển và tác động của trí tuệ nhân tạo lên nền kinh tế thế giới; tác động đến các nhóm ngành kinh tế; đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng cho việc đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; những vấn đề về thể chế, chính sách cần được tháo gỡ để thực hiện chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh mới; đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo vào quản lý và sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương nhận định: “Một cách đơn giản nhất, nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu và phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong giai đoạn mới. Kinh tế số đang và sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia trên thế giới phát triển nhanh hơn để hướng tới xã hội thịnh vượng và văn minh”. Tuy nhiên, theo đồng chí, phát triển kinh tế số cũng đòi hỏi những điều kiện không đơn giản và tạo ra không ít những thách thức như: vấn đề lao động, việc làm, nhất là giảm dần lợi thế lao động giá rẻ do bị thay thế bởi máy móc và người máy robot; nhiều kỹ năng lao động hiện tại sẽ dư thừa trong tương lai; gia tăng thất nghiệp, bất bình đẳng, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo…

 Phiên hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”.

Chúng ta đang ở trong mùa xuân của trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence), ông Jeong Min-seong – Chuyên gia Kinh tế Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey nhận định, khi đầu tư vào AI nhận được sự quan tâm nhiều hơn bao giờ hết. Sự lớn mạnh của AI được thể hiện rõ ở việc chi phí lưu trữ thông tin giảm, lượng dữ liệu được gia tăng theo cấp số nhân, công nghệ thông tin đang được chú trọng phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Ông cũng đưa ra những dẫn chứng để làm sáng tỏ những luận cứ này. Trước kia, sở hữu chiếc máy tính với ổ cứng 20MB đã là rất tự hào. Nhưng hiện nay, chỉ với vài trăm ngàn, bạn đã có thể có cả trăm Terabite trong lòng bàn tay, gói gọn trong một chiếc USB. Trước đây, máy móc dù có hiện đại đến đâu cũng không thể đạt đến trình độ của kỹ sư tạo ra nó. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm từ 2011-2016, máy móc thậm chí còn làm tốt hơn con người. Nó đã có thể tự học và tự dạy cho chính mình thông qua việc thu thập dữ liệu và thực hiện các thuật toán – ông Jeong Min-seong cho hay.

Dưới góc độ của Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Bùi Thế Duy  cũng bày tỏ kỳ vọng đưa Việt Nam xếp thứ 29 vào năm 2030, xếp thứ 20 vào năm 2050 theo GDP. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đưa ra những kịch bản có thể xảy ra đối với nền kinh tế số Việt Nam. Có kịch bản theo hướng truyền thống và hiện đại, có thể theo hoặc trái với ý chí của các nhà quản lý nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu số hóa nền kinh tế một cách toàn diện nhất.

Nhiều tham luận khác cũng cho rằng, xu hướng số hóa, sự phát triển của AI cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam. Theo đó, một số giải pháp được các đại biểu đưa ra là: Tăng cường đầu tư vào giáo dục đào tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực AI; cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi hoàn chỉnh, tiếp thu các thành tựu về AI trên toàn thế giới để áp dụng vào thực tế Việt Nam một cách chọn lọc; xây dựng hệ sinh thái để góp phần thúc đẩy chuyển đổi phát triển AI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp... Các ý kiến đều khẳng định, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng và là tất yếu trong quá trình chuyển đổi nền sản xuất với việc ứng dụng những công nghệ số hóa nêu trên vào hoạt động sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp...

Hội thảo cũng đã nhận được sự chia sẻ thiết thực từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo về việc xây dựng nền tảng chia sẻ công nghệ; sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn và kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo./.

Tin, ảnh: Kim Dung

432 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1377
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1377
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87156434