Tìm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ. (Ảnh minh họa: HH)

Theo đánh giá của Bộ Công thương, dù năng lực sản xuất các sản phẩm hỗ trợ trong nước trong những năm vừa qua đã dần được cải thiện, nhưng khả năng cung ứng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp rất thấp. Thí dụ, tỷ lệ này của các ngành dệt may mới đạt khoảng 40 đến 45%. Ngành vải may hiện đạt sản lượng 2,3 tỷ m2/năm, mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu trong nước. Ðiểm nghẽn chủ yếu của CNHT ngành dệt may là công nghệ nhuộm vải cũng như công tác xử lý môi trường cho công nghệ này chưa được quan tâm đúng mức, đã hạn chế các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dệt vải.

Hay đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ mới đạt 7 đến 10%, trong khi mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010. Ðáng chú ý là ngành điện tử cũng đang phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%; điện tử chuyên dụng hay công nghiệp công nghệ cao là 5%. Tuy nhiên, hầu hết các linh kiện nội địa hóa lại đều do các công ty FDI cung cấp, còn doanh nghiệp Việt Nam chỉ chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn,… với giá trị rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng nguyên nhân của tình trạng này một phần là do nguồn lực đầu tư cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước cho các ngành công nghiệp ưu tiên, CNHT còn khiêm tốn, chưa đủ mạnh và hiệu quả, chưa tương xứng với quy mô và vai trò vốn có. Các chính sách phát triển CNHT còn chậm ban hành và thiếu đồng bộ, nhất quán mặc dù quan điểm của Ðảng, Nhà nước đã xác định rất rõ vai trò của ngành này trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhận định năng lực tổ chức sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn doanh nghiệp CNHT trong nước rất yếu. Ðến nay, các doanh nghiệp nội địa mới chỉ cung ứng khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT. Việc phần lớn linh kiện và phụ tùng phải nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra do ngành công nghiệp chế biến - chế tạo của Việt Nam rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Mặc dù chiếm đến gần 90% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, nhưng năm 2017, công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đóng góp gần 15% GDP so với mức hơn 20% của phần lớn các quốc gia trong ASEAN và khu vực Ðông Á.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới

Báo cáo tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam cho thấy, từ năm 1949, Nhật Bản đã ban hành Luật về hợp tác với doanh nghiệp nhằm xúc tiến các hoạt động "thầu phụ", cũng chính là hoạt động sản xuất CNHT. Trong những năm tiếp theo, Nhật Bản tiếp tục ban hành hàng loạt bộ luật cũng như danh sách những sản phẩm được ưu tiên hỗ trợ rất chi tiết và cụ thể, trong đó chú trọng đến CNHT. Ðến nay, nước này đã có hàng triệu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chỉ có quy mô dưới 50 người, nhưng tham gia rất sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thậm chí các ngành công nghệ cao như hàng không, vũ trụ.

Ma-lai-xi-a cũng bắt đầu áp dụng chính sách ưu đãi các ngành công nghiệp tiên phong từ năm 1958. Mặt khác, Ma-lai-xi-a rất nỗ lực trong việc phát triển và tăng cường kết nối công nghiệp giữa các doanh nghiệp lớn với các nhà cung cấp phụ kiện trong nước. Không những vậy, doanh nghiệp CNHT của nước này còn được hỗ trợ, ưu đãi thông qua các tổ chức, chương trình, dự án,… rất hiệu quả của Nhà nước. Nhờ đó, CNHT ở Ma-lai-xi-a đã phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực gia công, chế tạo linh kiện cơ khí và điện tử. Từ những thí dụ nêu trên, bài học kinh nghiệm mà Việt Nam cần rút ra là phải đánh giá đúng vai trò của CNHT trong phát triển kinh tế đất nước. Từ đó, có chính sách đồng bộ, kiên trì, dài hạn, đầu tư nguồn lực thích đáng nhằm gấp rút nâng cao năng lực của các doanh nghiệp CNHT thông qua các chương trình mục tiêu cụ thể.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đã đến lúc cần xem xét, đánh giá khả năng xây dựng chính sách đặc thù để phát triển CNHT. Thêm nữa, do phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, có trình độ hạn chế về nhiều mặt. Vì vậy, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của Nhà nước. Nhà nước phải đứng cạnh, đồng hành cùng doanh nghiệp để giúp họ nâng cao năng lực để đạt tới trình độ khu vực và toàn cầu trong quá trình phát triển.

Thực tế, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và dưới tác động cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt, nhiều hạn chế về chất lượng của nền kinh tế đang dần lộ diện. Vấn đề cấu trúc lại nền kinh tế, lựa chọn mô hình tăng trưởng mới, cơ cấu lại các ngành công nghiệp,… đang trở nên cấp bách nhằm phát huy cao nhất lợi thế của Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Trong đó, vai trò của các ngành công nghiệp và nhất là CNHT được xác định là những trụ cột quan trọng nhất. Tuy nhiên, phát triển CNHT cần quá trình tích lũy kỹ năng quản lý và sản xuất lâu dài, không thể có bước nhảy vọt nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước. Nhà nước cần có chủ trương nhất quán, dài hạn, phân bổ nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đạt tới trình độ khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, về phía các doanh nghiệp, không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải chủ động trong đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và sản xuất để từng bước giành được chỗ đứng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay. Ðây mới là những giải pháp căn cơ để bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành CNHT, từ đó tạo nền tảng quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn…/.

An Nguyên