Ngày 15/7, tại Văn phòng Chính phủ, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Hình ảnh điểm cầu Hà Nội tại Văn phòng Chính phủ (Ảnh: P.V)

Tại Hội nghị lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo quan trọng về về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Thực tế cho thấy, việc ban hành Luật Quy hoạch đã tạo ra khung pháp lý quan trọng nhằm đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch theo hướng tổng hợp, đa ngành, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả về công tác quy hoạch trước đây.

Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, với tầm quan trọng và ý nghĩa của Luật Quy hoạch, ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 ngày 05/02/2018 để giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Được biết, để giúp cho các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương bố trí vốn từ nguồn dự phòng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch; một số Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch ngành.

Đến nay, Hội đồng quy hoạch quốc gia đã tổ chức 02 phiên họp và đã có kết luận chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ để sớm trình Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch vùng.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp trình Chính phủ ban hànhDanh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở thực hiện bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, có 02 bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã ban hành Quyết định bãi bỏ 58 quy hoạch sản phẩm và 17 địa phương đã ban hành Quyết định bãi bỏ 238 quy hoạch sản phẩm; có 02 bộ (Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư) đang triển khai nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện quản lý nhà nước khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực.

Mặc dầu vậy, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11 cho thấy, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn chậm và có những vướng mắc, khó khăn do việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và còn có cách hiểu chưa thống nhất về một số quy định của Luật. Vì vậy, việc triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều lúng túng, nhất là việc triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu.

Bởi vậy, để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11 và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các bộ, ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và xử lý dứt điểm quy định chuyển tiếp quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Thứ hai, tập trung triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch để phục điều hành của các bộ, ngành và địa phương và làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong vận hành, khai thác và sử dụng chung, trước mắt để đáp ứng cho nhiệm vụ triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Thứ ba, đảm bảo kinh phí lập quy hoạch và hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán kinh phí.

Một nội dung cũng được đề cập đến đó là, để bảo đảm tính thống nhất của các loại quy hoạch, Khung định hướng phát triển quốc gia (bao gồm quan điểm, mục tiêu phát triển và định hướng bố trí tổng thể và các ngành then chốt) sẽ được soạn thảo làm căn cứ bước đầu cho việc lập quy hoạch. Đây cũng là lần đầu tiên ở nước ta lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo yêu cầu của Luật Quy hoạch. “Cần xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai thực hiện lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, đồng thời làm căn cứ phân công trách nhiệm cụ thể đối với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong quá trình lập, thẩm định và quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh./.

 

Lê Anh