Tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 27/2, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do các quy định để thu hút người dân tham gia phát triển điện mặt trời áp mái vẫn còn thiếu và chưa đủ hấp dẫn. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy loại hình năng lượng tái tạo này phát triển hơn trong những năm tới.
|
Toàn cảnh Hội thảo " Thúc đẩy điện mặt trời áp mái tại Việt Nam". Ảnh: VGP/ Toàn Thắng |
Đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng
Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020, khi cả nước không có nguồn khai thác mới thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái, được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.
Nhấn mạnh tới yêu cầu cấp thiết phải ưu tiên phát triển điện mặt trời áp mái, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, sau năm 2020, khả năng thiếu hụt nguồn điện là rất lớn. Là tập đoàn được Chính phủ giao thực hiện vai trò chính trong bảo đảm cung ứng điện của cả nước, EVN luôn chú trọng tìm nguồn năng lượng mới để bù đắp thiếu hụt, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Thực tế cho thấy, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời phát triển như Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Đặc biệt, để gỡ vướng cho điện mặt trời áp mái về các vấn đề liên quan thuế, bù trừ điện năng, cách thức thanh toán…, ngày 8/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 11. Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đã gửi dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 xin ý kiến các bộ, ngành. Các chính sách này đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam.
Tuy nhiên cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận việc phát triển điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời áp mái trong thực tế vẫn còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.
Tính tới cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc EVN đã lắp đặt được 54 công trình điện mặt trời áp mái với tổng công suất 3,2 MWp. Đối với khách hàng (công sở, hộ gia đình, doanh nghiệp…), các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1.800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái với tổng công suất 30,12 MWp, sản lượng điện năng lũy kế phát lên lưới là 3,97 triệu KWh.
Ông Trần Đình Nhân cho rằng, con số này còn quá nhỏ bé so với tiềm năng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, do Việt Nam còn thiếu quy định thanh toán tiền bán điện của khách hàng khi đấu nối lên lưới điện. Lãnh đạo EVN cũng đặt ra câu hỏi: Giá điện mặt trời áp mái đã đủ hấp dẫn để người dân cảm thấy có lợi mà tham gia tiếp cận?
“EVN cam kết hỗ trợ tối đa các yêu cầu lắp đặt của người dân, doanh nghiệp, các thủ tục đấu nối, mua bán điện sẽ được thực hiện nhanh chóng. EVN sẽ triển khai nhanh việc đấu nối, các công tơ 2 chiều và chịu toàn bộ chi phí đo phần sản lượng, bán lên lưới điện đồng thời sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về điện mặt trời áp mái”, ông Nhân khẳng định.
Theo báo cáo của EVN, những khó khăn mà điện mặt trời áp mái vướng phải khá nhiều, bao gồm: Việc EVN và các đơn vị điện lực chưa thể ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện cho khách hàng. Chi phí thiết bị và chi phí lắp đặt điện mặt trời áp mái vẫn còn cao, chưa khuyến khích khách hàng đầu tư, lắp đặt; chưa có các giải pháp, mô hình đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy phát triển thị trường điện mặt trời áp mái.
Chính những nguyên nhân này đang khiến cho khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, chế độ vận hành, bảo hành thiết bị.
Đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy điện mặt trời áp mái
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, điện mặt trời áp mái đem lại rất nhiều lợi ích cho cả xã hội, doanh nghiệp... Đối với xã hội, người sử dụng sẽ có thể cắt giảm chi phí điện và có thêm thu nhập. Tại nhiều nước, đây là một ngành công nghiệp phát triển tạo ra việc làm và thu nhập cho nhiều người.
Đối với ngành điện, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn điện và là nguồn điện phân tán để bổ sung cho tải tại chỗ, giải quyết tình trạng quá tải có thể xảy ra vào giờ cao điểm. Đặc biệt, điện mặt trời áp mái có thể giúp tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng hệ thống điện truyền tải, phân phối (đường dây, trạm biến áp...) và các hệ thống phụ trợ; giảm gánh nặng cho bộ máy vận hành hệ thống truyền tải, phân phối.
|
Một gian trưng bày mô hình điện mặt trời áp mái của EVN. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng |
Ông Đào Minh Hiển, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2 cho rằng, những lợi ích này là vô cùng lớn, khó có thể đong đếm bằng tiền cụ thể. Tuy nhiên, đầu tư một hệ thống điện mặt trời áp mái đòi hỏi chủ đầu tư phải có sẵn nguồn vốn ban đầu, thường tương đối cao và đây là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển rộng rãi của hệ thống điện mặt trời áp mái.
Hiện có rất nhiều mô hình để hỗ trợ người dân triển khai điện mặt trời áp mái. Vì chi phí đầu tư khá lớn, nên mô hình hiện đại sẽ là các công ty điện lực có thể tài trợ thuê/hoặc cho thuê mái nhà, thuê/cho thuê hệ thống điện mặt trời... Tất cả các mô hình này đều có thể hỗ trợ thúc đẩy sử dụng năng lượng mặt trời áp mái trong thời gian tới, ông Đào Minh Hiển nêu giải pháp.
Thực tế triển khai điện mặt trời áp mái tại TPHCM đang rất hiệu quả. Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết, đã thực hiện lắp đặt gần 1.130 kWp và đang tiếp tục triển khai 2.658 kWp điện mặt trời áp mái tại các trụ sở.
Đại diện EVNHCM cho rằng, cần có các chương trình hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời tương tự như chương trình hỗ trợ 1 triệu đồng cho khách hàng lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời trước đây. Đồng thời, các bộ, ngành cần hướng dẫn cách thức quyết toán lượng điện mặt trời dư phát ngược lên lưới đối với các dự án điện mặt trời nối lưới trên mái nhà...
Theo ông Trần Viết Nguyên, Phó ban Kinh doanh EVN, nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu; đề xuất Bộ Công Thương sớm ban hành thông tư thay thế Thông tư 16/2017/TT-BCT; tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái; cơ chế mới khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái.
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho hay, hiện Bộ đang phối hợp với các đối tác và EVN xây dựng một chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tổng thể và toàn diện.
Toàn Thắng