Sáng nay 5/6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần đầu tiên về chuyên đề nông nghiệp “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Báo VnExpress tổ chức, mở màn cho các chuỗi diễn đàn chuyên ngành.
Diễn đàn thu hút đông đảo doanh nghiệp và đại diện các ban, ngành liên quan (Ảnh: K.D)
Diễn đàn gồm 2 phiên: Phiên 1 - Mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam do ông Trương Gia Bình điều phối; Phiên 2 - Doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để chủ động chiếm lĩnh thị trường do ông Srikanth Mangalam (Chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC, Worldbank Group) điều phối.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định, thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là khối kinh tế tư nhân, Việt Nam có khối lượng doanh nghiệp lớn với 13.700 doanh nghiệp, 33.000 hộ trang trại, chưa kể hàng nghìn hợp tác xã, nông sản xuất khẩu tới 180 quốc gia,vùng lãnh thổ, nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc.
Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản đạt 12,3 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu nông sản chính đạt 6,5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ; thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13%; lâm sản 2,7 tỷ USD, tăng 7,9%...Thay vì năm 2017 đạt 36,7 tỷ USD thì năm nay sẽ vượt con số 40 tỷ USD.
Tuy nhiên theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bên cạnh kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp có thể nói còn những hạn chế, tồn tại, lớn nhất hiện nay là tính liên kết 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh và đặc trưng của địa phương, làng, xã và khâu chế biến đang rất hạn chế. Thêm nữa là bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, vấn đề tổ chức sản xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa, chưa tổ chức được thị trường trong nước cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Để giải quyết những bất cập trên, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh phải lấy tiêu chuẩn của thị trường làm thước đo mới mở rộng được thị trường cho nông sản, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Do đó, đây là diễn đàn tư vấn chính sách để Chính phủ có các giải pháp, quyết sách đúng đắn cho nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
“Đề nghị các bộ, ngành có liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến nông nghiệp - nông thôn và phát triển thị trường nông sản theo như cam kết với Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp muốn đầu tư cũng như đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn một cách hiệu quả nhất”, ông Mai Tiến Dũng yêu cầu.
Kiến nghị giải pháp phát triển nông sản Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành cấp cao Central Group cũng nhận định: Những năm gần đây với quyết tâm đổi mới. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Từ nước yếu kém về nông nghiệp, Việt Nam vươn lên là một trong 5 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới với một số ngành hàng nông nghiệp. Nhiều nông sản xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính trên thế giới, ví dụ cao su, tiêu, rau quả…
Cần xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt (Ảnh minh họa: K.D)
Để đẩy mạnh phát triển nông sản Việt, ông Hải cũng đưa ra đề xuất xây dựng phát triển các mô hình đầu tư và canh tác quy mô lớn. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay nhỏ lẻ, làm theo quy mô hộ gia đình, diện tích canh tác giới hạn. Mô hình cánh đồng mẫu lớn, trang trại chưa phổ biến, nên chưa tận dụng được chi phí đầu tư thấp, dẫn đến giá thành cao.
Thứ hai, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật nhiều hơn trong canh tác. Trên thế giới, công nghệ sinh học, tự động hóa, ứng dung công nghệ cao trong sản xuất, chế biến… Nhìn chung, đa phần nông dân Việt Nam ngại thay đổi,trung thành với canh trác truyền thống, ngại rủi ro. Cơ hội hạn chế do quy mô đầu tư nhỏ. Nông dân thường không có cơ hội đầu tư máy móc, cải thiện chất lượng nâng cao năng suất canh tác.
Thứ ba, cần quản lý chất lượng và thương hiệu nghiêm ngặt. Việt Nam đã có kết quả đáng kể, được đánh giá cao về khả năng cung ứng hàng số luộng lớn, giá rẻ, song chất lượng vẫn là thách thức lớn. Thị trường nhập khẩu rất khắt khe, song nhiều doanh nghiệp Việt còn chưa thật sự quan tâm, chưa tìm hiểu thấu đáo về quy định mới dẫn tơi hàng không được thông quan.
Thứ tư, cần gia tăng giá trị cho sản phẩm. Việt Nam là một trong 5 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Tuy được khách hàng đánh giá cao về khả năng cung ưng hàng số lượng lớn, giá rẻ song chủ yếu xuất thô, không có thương hiệu nên lợi nhuân thấp. Doanh nghiệp cần tâp trung nghiên cứu thị trường, tâm lý, đầu tư kỹ thuật để thiết kế, chế biến, đóng gói sản phẩm cho phù hợp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận trong quá trình xuất khẩu để đầu tư bền vững hơn.
Dự kiến, phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ do Thủ tướng trực tiếp đối thoại cùng khu vực kinh tế tư nhân và các bên liên quan dự kiến diễn ra vào tháng 12/2018. Trong khuôn khổ của sự kiện này sẽ có chuỗi 6 diễn đàn chuyên ngành, mở đầu là diễn đàn chuyên đề về nông nghiệp Việt Nam với nội dung trọng tâm được nêu ra là làm cách nào để tìm thị trường bền vững cho nông sản Việt Nam.
Kim Dung