Tìm giải pháp đẩy lùi nguy cơ thiếu điện 

(ĐCSVN) - Hiện nhiều dự án trong Tổng sơ đồ điện 7 điều chỉnh đang chậm tiến độ dẫn tới có khả năng từ những năm 2020 đến năm 2025, việc thiếu điện sẽ xảy ra.

 

 

Hội thảo "Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam"
(Ảnh: K.D)

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam" do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức sáng 29/11, tại Hà Nội.

Theo Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh, để đáp ứng nhu cầu điện các năm tới, cả nước cần tới 60.000 MW vào năm 2020, năm 2025 cần 96.500 MW và đến năm 2030 là 129.500 MW. Như vậy, tổng công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành từ nay đến năm 2030 bình quân tăng thêm khoảng 6.000 - 7.000 MW/năm. Trong khi đó, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện công suất nguồn điện cả nước mới chỉ đạt 47.750 MW, với sản lượng điện thương phẩm là 192,1 tỉ kWh. Vậy làm thế nào để trong thời gian 12 năm tới, Việt Nam có thể nâng công suất lên 129.500 MW và sản lượng hơn 570 tỷ kWh là thách thức lớn. Trong khi đó, hiện nhiều dự án trong Tổng sơ đồ điện 7 điều chỉnh đang chậm tiến độ dẫn tới có khả năng từ những năm 2020 đến năm 2025 việc thiếu điện sẽ xảy ra.

Trong khi đó, về khai thác dầu khí liên quan đến tương lai dài hạn cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng chưa được xác định do hiện PVN vẫn chỉ khai thác những mỏ cũ nên việc bù trừ sản lượng khai thác hàng năm càng hạn hẹp. Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN cũng cho hay, theo cân đối nhu cầu đất nước sau năm 2020 sẽ thiếu khoảng 10 triệu tấn khí hóa lỏng (LNG). Do đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu LNG ngoài việc khai thác khí ở các mỏ hiện nay là bài toán cần tính đến.

Đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng cho biết, khả năng sản xuất than thương phẩm của ngành này đến năm 2035 tăng không nhiều, đạt từ 42 – 50 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu than của các hộ ngày càng cao, vượt xa khả năng cung cấp của ngành than, đặc biệt là nhiệt điện, lên tới 128 triệu tấn/năm. Theo tính toán, việc nhập khẩu than là tất yếu với nhu cầu 67 triệu tấn (2025); 98 triệu tấn vào 2030.

Trước tình hình này, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để đảm bảo an ninh năng lượng đất nước cần rà soát lại các dự án điện, khí, than, nêu rõ dự án nào chậm tiến độ để khắc phục ngay, dự án nào chưa khởi động thì triển khai, dự án nào đang nằm trên giấy. Từ đó, cần phải giao nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp, thực hiện và tháo gỡ khó khăn. Về cung ứng than cho điện, ông Ngãi cho rằng, đầu tiên phải cân đối được tỷ lệ nguồn điện để từ đó có các giải pháp phù hợp. Riêng với cung ứng than, phải có chiến lược cho việc nhập khẩu than, có vốn lớn, cơ sở hạ tầng... Với vấn đề vốn, ông Ngãi kiến nghị có thể bảo lãnh vay vốn, để đưa các dự án đi vào triển khai xây dựng và vận hành. Bởi các dự án này lợi nhuận thu lại không cao, giá bán điện thấp, nên khó thu hút được đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Chính phủ, Bộ Công Thương cần quyết liệt kiểm tra từng dự án chưa triển khai, đã triển khai để xem vướng mắc ở đâu, vì sao để có thể giải quyết triệt./.

K.D

834 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 682
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 682
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87230346