Tìm động lực tăng trưởng mới từ cải cách tài chính 

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/9, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2019 với chủ đề “Cải cách chính sách tài chính nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam” với mục tiêu tìm kiếm các động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong các chính sách tài chính ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tại Việt Nam, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu nền kinh tế, thực hiện cơ cấu lại nền tài chính quốc gia 10 năm qua. Bước đầu đã đạt được kết quả nhưng những thách thức, khó khăn còn rất lớn. Điều này thể hiện ở việc mặc dù tăng trưởng đạt được ở mức độ 6,35% cho giai đoạn 5 năm qua, tuy nhiên chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình cơ cấu của nền kinh tế còn hạn chế và còn nhiều thách thức.

 

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính phân tích, để phát triển nhanh và bền vững, cần có các yếu tố hiệu quả, bền vững, bao trùm. Trong đó,  phát triển chính sách tài chính – ngân sách phải phải thúc đẩy các vấn đề xã hội, trọng yếu là xóa đói giảm nghèo, đảm bảo dịch vụ công cần thiết với chất lượng đạt yêu cầu của khu vực và quốc tế.

 

Đặc biệt, khi Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, thì để phát triển nhanh và bền vững chính sách tài chính không thể không nhắc tới việc phát triển phải đi liền với giải quyết môi trường.

 

Lãnh đạo Bộ Tài chính kỳ vọng, qua diễn đàn sẽ tìm ra giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân, với yêu cầu khu vực này không chỉ đóng góp 10% trong GDP mà phải từ 20-25%, phấn đấu trong 10 năm tới, có 6-10 doanh nghiệp tư nhân trong top 500 của thế giới. Có như vậy mới đưa khu vực doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột, đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, cần có đánh giá để sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính công, đẩy mạnh đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Về cơ chế chính sách tài chính – ngân sách, phải có những thay đổi để góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam trên cơ sở thay đổi cơ cấu lại nền kinh tế.

 

Tại diễn đàn các chuyên gia đã tập trung vào việc nhận diện thực trạng mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của Việt Nam; định hướng giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, đánh giá lại thực trạng hiện nay của chính sách tài chính của Việt Nam góp phần tăng trưởng nhanh và bền vững, từ đó chỉ ra được những thách thức tồn tại của chính sách đó.

 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Sebastian Paust, Tham tán thứ nhất, Trưởng Bộ phận Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Cộng hoà Liên bang Đức nói: Chúng tôi đánh giá cao cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam trong việc hướng tới một chính sách tài chính tạo động lực hướng tới mô hình tăng trưởng. Đây là nỗ lực lớn của chính phủ Việt Nam trong việc cơ cấu chính sách tài chính của một đất nước.

 

Theo ông Sebastian Paust, ngân sách nhà nước cần phải đảm bảo được nguyên tắc cân bằng. Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này thông qua việc đưa ra các chính sách tài chính. Các chính sách này cần phải giảm bớt các khoản nợ nhưng không làm ảnh hưởng hoặc làm giảm các khoản đầu tư của Chính phủ đối với các vùng, các dự án cần đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nợ công cũng cần được xem xét ở mức nào cho hợp lý, đưa ra chính sách phù hợp, theo hướng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai...

 
 

Còn theo GS.TS Ngô Thắng Lợi (Đại học Kinh tế Quốc dân) thì có nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam như hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ và chính sách đầu tư tạo công nghệ cao…

 

Cần xác định rõ khu vực kinh tế tư nhân là trụ cột chính nhằm tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế  phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện tại. Cần có các chính sách đột phá cụ thể cho khu vực tư nhân như tạo môi trường, thực hiện giảm nhanh các chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy thị trường vốn, lao động, đất đai… 

 

Anh Minh

283 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1181
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1181
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76434294