Tiêu chí nào xác định “hàng hoá của Việt Nam” 

(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, ngoài việc phải đảm bảo công đoạn cuối cùng không phải là gia công đơn giản, thì với một mặt hàng cụ thể, tiêu chí xác định "hàng hoá của Việt Nam" là hàm lượng giá trị gia tăng nội địa phải đạt 30%.

 

Ảnh minh họa

Thông tin được đưa ra tại cuộc trao đổi chiều ngày 14/8 về dự thảo Thông tư về cách xác định thế nào là hàng "sản xuất tại Việt Nam", "sản phẩm của Việt Nam" đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Cuộc họp do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chủ trì.

Theo Bộ Công Thương, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử. 

Để khắc phục các bất cập trên, ngày 29/6/2018, Bộ Công Thương đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ được nghiên cứu, xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

30% là ngưỡng thấp nhất

Trước câu hỏi là "vì sao lại là tỉ lệ 30%, mà không phải tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa cao hơn, 50% hoặc 60% như một số quốc gia hiện áp dụng?", ông Khánh nói, không đưa ra ngưỡng cao hơn hoặc bổ sung thêm điều kiện, bởi chỉ cần thay 2 chữ số, viết thêm vài câu là xong.

Nhưng việc này lại dẫn tới tình huống “oái ăm”, mà theo giải thích của vị Thứ trưởng Công Thương là nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ cần đáp ứng hàm lượng gia tăng nội địa 30% đã được công nhận là xuất xứ Việt Nam. Với hàng nội địa, nếu đưa ra điều kiện, tỉ lệ cao hơn sẽ "xuất hiện tình huống là cả thế giới công nhận, còn riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình".

Ông cũng đơn cử, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi là "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC) và cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên. Chẳng hạn, với hàm lượng giá trị khu vực 40% trong ASEAN thì 1 sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D.

Dự thảo Thông tư "Made in Vietnam" quy định chặt hơn, nghĩa là tỉ lệ giá trị gia tăng 30% là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam.

"Như thế nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D, nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam", ông Khánh nêu.

Với câu hỏi có thể chỉ ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài như "Made in Vietnam" hay "Product of Viet Nam" được không, Thứ trưởng khẳng định là “Không” bởi Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt.

Sản phẩm không đủ điều kiện, DN tự chịu trách nhiệm

Đối với một sản phẩm không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa Việt Nam sẽ ghi xuất xứ của nước nào nếu doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau, sản phẩm cuối cùng lại không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ thể hiện xuất xứ theo quy định Nghị định 43/2017 quy định nhãn hàng hoá. "Tức là doanh nghiệp tự xác định và tự chịu trách nhiệm, miễn là đừng ghi xuất xứ Việt Nam", ông nói.

Giải thích thêm, ông Khánh cho biết, Thông tư của Bộ Công Thương không điều chỉnh các trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, nếu hàng nhập khẩu lại gắn sẵn nhãn mác thể hiện đó là "hàng Việt Nam" thì Thông tư sẽ được áp dụng. Cơ quan chức năng sẽ có quyền yêu cầu người nhập khẩu chứng minh đó là hàng Việt Nam trước khi cho phép hàng hóa được thông quan.

Ngoài ra trường hợp vi phạm, theo quy định tại dự thảo, Tổng cục Quản lý thị trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền khác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quá trình thực thi. Trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan quản lý sẽ tùy theo mức độ vi phạm để đưa ra chế tài xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Khánh, việc đưa quy định hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hay quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam. Đây là quy định để phòng tránh gian lận thương mại, trong đó có gian lận xuất xứ, gây ảnh hưởng xấu tới hàng hóa Việt Nam. Có quy định này, cơ quan chức năng sẽ có thêm cơ sở để đấu tranh phòng chống gian lận thương mại.

Phan Trang

302 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 777
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 777
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87205689