Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: HM
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, cho biết: Kết quả từ các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp cho thấy, việc tổ chức lớp bồi dưỡng thực sự là một hoạt động quan trọng, vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.
Từ ngày 27/3/2013 - 2/7/2015, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp với tổng số 511 cán bộ tham gia học tập. Đây là những cán bộ chủ chốt thuộc diện quy hoạch dự nguồn cán bộ chủ chốt cấp chiến lược của các cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước. Các học viên bao gồm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; cán bộ quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; cán bộ quy hoạch lãnh đạo chủ chốt các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2015 - 2020.
Trong quá trình học tập, các lớp học luôn được sự quan tâm chỉ đạo, động viên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Chỉ đạo lớp học. Với chương trình học gồm 6 học phần và nghiên cứu thực tế, các học viên đã được bồi dưỡng những nội dung trọng tâm về: Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Những vấn đề thế giới đương đại; Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; Xây dựng Đảng và Nhà nước; Khoa học lãnh đạo và quản lý; học phần các chuyên đề bổ trợ, gồm 10 báo cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước; chương trình nghiên cứu thực tế gồm 2 tuần.
Theo thống kê, 100% số học viên các lớp dự nguồn công tác tại các địa phương được bầu vào Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, thành ủy và 45 trong số 61 đồng chí đắc cử bí thư tỉnh ủy, thành ủy là học viên của lớp dự nguồn. Đặc biệt, 114/511 học viên của các lớp dự nguồn đã trở thành Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, trong đó 94 đồng chí là Ủy viên chính thức và 20 đồng chí là Ủy viên dự khuyết.
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, từ những kết quả nêu trên cho thấy, việc tổ chức lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp thực sự là một hoạt động quan trọng, vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.
Các đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến tại hội nghị - Ảnh: HM
Cùng với những thành công, do lần đầu tiên được tổ chức và nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác, nên các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp cho khóa XII vẫn có những điểm chưa được như mong đợi. Nội dung chương trình còn có chỗ chưa theo sát tình hình thực tiễn, phương pháp giảng dạy có lúc chưa phù hợp. Cách thức kiểm tra, đánh giá đôi lúc còn chưa thực sự khách quan. Hoạt động nghiên cứu thực tế có nơi còn thiếu tính chuyên sâu, chưa gắn với chức năng, nhiệm vụ công tác của học viên. Công tác quản lý còn thiếu đồng bộ. Tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập còn chưa phong phú, chậm được cập nhật nội dung mới. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng môi trường giáo dục hiện đại.
Để các lớp dự nguồn khóa XIII và các khóa tiếp theo hoàn thành mục tiêu đề ra, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị, các lớp cần phát huy những ưu điểm, những kết quả đã đạt được, mặt khác cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác giảng dạy từ thực tiễn học tập. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương liên quan trong tổ chức thực hiện, chuẩn bị nội dung chương trình, cơ sở vật chất cho lớp học, theo đó xây dựng chương trình, nội dung thiết thực, giáo trình bài bản, hiệu quả, đúng tính chất yêu cầu, bồi dưỡng cán bộ cao cấp.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên cao cấp, học viên các lớp dự nguồn khóa XII cho rằng: Cần lựa chọn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy hoạch vào các chức danh chủ chốt khóa tới ở Trung ương và địa phương. Chú ý nâng cao tính thực tiễn cho nội dung chương trình bồi dưỡng; nghiên cứu bổ sung, cập nhật kiến thức mới, những vấn đề phát sinh đã diễn ra trong quá trình lãnh đạo đất nước, địa phương và cách thức xử lý, giải quyết. Đồng thời, đa dạng hóa địa bàn nghiên cứu thực tế phù hợp với từng nhóm học viên, chia sẻ mô hình hay, cách làm tốt để học tập, chia sẻ kinh nghiệm và làm theo./.
Hoàng Mẫn