Tiếp tục tham mưu các giải pháp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 

(ĐCSVN) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế phải được đảm bảo. Việc quan trọng nhất là công tác tham mưu chiến lược làm sao thực hiện được mục tiêu về kinh tế - xã hội.

 

Ngày 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KH&ĐT.

Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KH&ĐT.
(Ảnh: MPI)

Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ là “cương lĩnh” hành động

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng.

Ước cả năm đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6 - 6,5%).

Cụ thể, về triển khai, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ KH&ĐT đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với phương châm hành động 16 chữ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Về công tác đầu tư công, căn cứ quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 584/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ KH&ĐT đã báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó có giao kế hoạch năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về tham mưu cơ chế phát triển các địa phương và vùng lãnh thổ, Bộ chủ trì xây dựng 3 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho địa phương gồm: Cần Thơ, Khánh Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk; tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Cùng với đó, Bộ tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025” và ban hành Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2022 – 2025”. Bộ cũng đẩy mạnh các chương trình kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Về công tác triển khai lập quy hoạch, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về việc hoàn thiện “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về triển khai lập quy hoạch vùng, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch 5 vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Triển khai lập quy hoạch tỉnh của toàn bộ 63/63 tỉnh/thành phố cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, trong đó, có 47 quy hoạch tỉnh được lập (bao gồm 2 quy hoạch đã được phê duyệt), 11 quy hoạch tỉnh đã thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ chờ phê duyệt, 44 quy hoạch đã gửi xin ý kiến và chuẩn bị thẩm định.

Về công tác thống kê, Bộ đã bảo đảm thông tin thống kê đầy đủ, kịp thời để phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Hoàn thành bảo đảm chất lượng và công bố thành công các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, hàng quý.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng đã thực hiện nhiều công tác khác, như quản lý và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý đấu thầu, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tăng trưởng xanh…

Đánh giá về báo cáo tổng kết của Bộ KH&ĐT, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Bộ KH&ĐT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2022. Bộ cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa ra những điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, giúp Ngân hàng Nhà nước có thể ứng phó linh hoạt với tình hình, biến động mới của nền kinh tế.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ

 Hội nghị tổng kết Bộ KH&ĐT diễn ra tại trụ sở Bộ tại Hà Nội. (Ảnh: MPI)

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngành KH&ĐT là ngành có truyền thống lâu đời của đất nước và có tầm quan trọng đặc biệt. Trong đó, Bộ KH&ĐT đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước năm 2022, thể hiện ở việc tham mưu, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cao việc thúc đẩy liên kết vùng; cắt giảm gần 5.000 dự án để có tiền đầu tư cho hạ tầng, hạn chế dàn trải đầu tư công. Thêm vào đó, Bộ KH&ĐT cũng nắn dòng đầu tư công đi đúng trọng tâm, trọng điểm; thu hút nguồn lực ngoài nhà nước như vốn FDI. Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT cũng tích cực quan tâm, trăn trở tới chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; thể chế hóa Nghị quyết của Đảng; xây dựng một luật để điều chỉnh nhiều luật, tập trung sửa đổi Luật Đầu tư, Luật HTX, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Hợp tác công tư không chỉ ở lĩnh vực giao thông mà cần nhân rộng ra ở quản lý công viên, trụ sở, sân vận động, quản lý nhà khách…. đều có thể hợp tác công tư được; Bộ KH&ĐT và các cấp, ngành cần phải nghĩ mở rộng ra".  Thủ tướng cũng nêu rõ vai trò của Bộ KH&ĐT trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. FDI giải ngân nhiều là do môi trường đầu tư thông thoáng. Bộ KH&ĐT rất cầu thị trong việc xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những thách thức như cần huy động nguồn lực ngoài xã hội nhiều hơn nữa, làm sao nắm chắc tình hình nhưng phản ứng chính sách thật nhanh; công tác truyền thông chính sách cần tốt hơn, đi vào lòng người hơn bởi vẫn còn nhiều người đặt câu hỏi tại sao lạm phát thấp, GDP tăng, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản lại ảm đạm… "Điều này cho thấy cần đẩy mạnh truyền thông, chia sẻ, tạo sự đồng thuận xã hội cho tốt" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế phải được đảm bảo. Việc quan trọng nhất là công tác tham mưu chiến lược làm sao thực hiện được mục tiêu về kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, bám sát các xu thế như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Dịp này, Bộ KH&ĐT đã đặt ra 9 nhóm giải pháp cụ thể để triển khai trong năm 2023 bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.

Thứ ba, rà soát cơ chế chính sách để kịp thời tham mưu điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Thứ tư, tiếp tục chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật. Phối hợp với địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; có các giải pháp tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp.

Thứ sáu, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực do Bộ quản lý; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn liền với công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động và luân chuyển cán bộ.

Thứ bảy, nghiên cứu, tham mưu các mô hình kinh tế mới và xây dựng các quy định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế này trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Thứ tám, tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nghiêm túc triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảng viên; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác dân vận và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, quần chúng. Phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Thứ chín, khẩn trương ban hành ngay chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, báo cáo theo Chương trình công tác đã đăng ký, phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ, bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao./.

 
Hà Anh
395 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1037
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1037
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84191610